Prices / Mô hình kinh tế

Liên kết trồng dưa lưới, lãi 2,4 tỷ đồng/ha

Liên kết trồng dưa lưới, lãi 2,4 tỷ đồng/ha
Author: Nguyễn Hải Tiến
Publish date: Monday. June 22nd, 2020

Liên kết trồng dưa lưới, người trồng không phải lo bao tiêu sản phẩm, được tư vấn kỹ thuật trồng, được mua vật tư sản xuất trả chậm, lợi nhuận đạt 2,4 tỷ đồng/ha.

Vườn dưa lưới của chị Tiền.

Nằm lọt thỏm giữa những cánh đồng chuyên canh nhãn là 2.000m2 nhà màng trồng dưa lưới của chị Hoàng Thị Tiền (thị trấn Khoái Châu, Hưng Yên). Khi tôi đến cũng là lúc chị Tiền đang hối hả hoàn tất thêm một nhà màng mới, để đưa vào vận hành sản xuất kịp thời vụ.

Sau khi biết rõ mục đích của khách thăm, chị Tiền đã thành thực nói ngay: Bác gặp may rồi đó! Đến đúng lúc dưa sắp thu hoạch. Được chứng kiến cảnh người thực việc thực. Chứ như ông Bí thư tỉnh này năm ngoái, muốn xuống thăm mô hình, em đã phải xin thứ lỗi! Không còn gì để ngắm (quả vừa thu hết, cây cũng sắp tàn). Hơn nữa, mới sản xuất thành công vụ đầu ở qui mô nhỏ, em chưa thể nói mạnh. Còn như năm nay (diện tích dưa trồng 3.000m2, năng suất quả đạt ổn định 30 tấn/ha/ vụ, hiệu quả canh tác cao gấp 5 lần thâm canh nhãn) – em sẵn sàng chia sẻ.

Theo chị Tiền, khó nhất trong trồng rau quả nói chung, dưa lưới nói riêng là phải giải được bài toán đầu ra sản phẩm và xây dựng hệ thống nhà màng chịu được gió bão xảy ra trên địa bàn. Để giải quyết tốt 2 vấn đề trên, chị Tiền đã phải vào tận Đà Lạt (Lâm Đồng) học cách làm nhà màng, nhà lưới trồng rau quả của các nhà nông trong đó. Rồi lại ngược ra Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hải Minh (Hải Dương). “May là đi đến đâu được việc ngay đến đấy. Bởi em vẫn thường xuyên truy cập các Website liên quan đến nông nghiệp, để tìm hiểu những thông tin mình cần”, chị Tiền tự hào khoe.

Theo đó, Công ty Hải Minh đã nhận bao tiêu toàn bộ sản lượng dưa làm ra với mức thu mua rất hấp dẫn (35.000-50.000 đồng/kg, tùy loại), nhưng phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có sự hướng dẫn và giám sát kỹ thuật nghiêm ngặt của Công ty.

Kết quả ngay trong năm 2019, chỉ với 1.000m2 dưa trồng trong nhà màng, chị Tiền đã kết dư được 240 triệu đồng (tương đương lãi 2,4 tỷ đồng/ha). Dự kiến hết năm 2020 này, chị sẽ cho thu hoạch 24 tấn dưa lưới các loại, lợi nhuận ước đạt 2 tỷ đồng, cơ bản thu hồi đủ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo việc làm/ thu nhập ổn định cho 2 lao động thường xuyện và 10 lao động thời vụ khác.

Kế hoạch sang năm 2021, chị Tiền sẽ nâng tổng diện tích dưa lưới lên 4.000m2, đồng thời mở ra số vụ sản xuất dưa chuột vào những tháng thời tiết không thuận lợi cho cây dưa lưới ra hoa đậu quả (mùa đông).

Dưa chuột vụ đông trồng trong nhà màng có ưu điểm, chất lượng rất cao, thịt quả dày, giòn ngon, đậm và sạch hơn dưa cùng loại gieo trồng các thời vụ khác, nên được người nội trợ ưa chuộng mua trữ ăn dần và dùng làm quà, sản phẩm rất dễ bán và luôn được giá cao từ 15.000-30.000 đồng/kg, tùy tời điểm.

Được biết, ngoài tư vấn kỹ thuật gieo trồng, Công ty Minh Hải còn cung ứng trước cho người sản xuất một số vật tư trả chậm, như hạt giống, bịch giá thể trồng và phân bón các loại.

Kiểm tra giá thể trồng dưa lưới.

Đi thăm khắp các nhà trồng dưa lưới của chị Tiền chúng tôi thấy, nhà nào cũng được xây dựng kiên cố. Các cột trụ đều bằng bê tông cốt thép. Khung mái là thép hộp không gỉ. Kết cấu khuôn nhà bảo đảm chịu được gió cấp 12. Nilon lợp mái chịu được gió cấp 11 không rách (được bảo hành bởi cơ sở cung ứng). Hệ thống tưới nước và bón phân đồng bộ theo công nghệ Israel. Các loại nước tưới đều phải qua 2 lần lọc mới được tưới nhỏ giọt tự động tới từng gốc cây. Đặc biệt nước mưa ở đây được tận dụng tối đa. Sau khi thu gom từ mái các nhà màng, nước mưa được lọc trữ trong bể, dùng sinh hoạt hàng ngày và bổ sung tưới dưa.  

Chị Tiền tiết lộ: Gần 2 năm đi vào sản xuất tôi đã rút ra, trên cây dưa lưới có 4 loại côn trùng gây hại chính, gồm bọ phấn trắng, bọ trĩ, dòi đục lá và rầy mềm, trong đó bọ phấn trắng và bọ bọ trĩ là đáng ngại nhất, vì các đối tượng này phát triển rất nhanh và rất nhanh kháng thuốc, cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện phòng trừ sớm, phải luân phiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học. Cây dưa lưới cũng cần nhiều Canxi (Ca), Mangie (Mg) hơn các loại dinh dưỡng khác. Chú ý điều chỉnh nồng độ, tỷ lệ các loại phân bón phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây, để dễ đạt được năng suất, chất lượng sản phẩm cao.

Dưa lưới công nghệ cao cho chất lượng cực cao.

“Thành công của mô hình còn có sự góp phần quan trọng của Phòng NN-PTNT Khoái Châu, tôi đã đề nghị các chính sách hỗ trợ khuyến khích mô hình kịp thời theo qui định của UBND tỉnh”, chị Hoàng Thị Tiền cho hay.


Related news

Dùng súng bắn bong bóng xà phòng để thụ phấn hoa Dùng súng bắn bong bóng xà phòng để thụ phấn hoa

Khi loài ong đang trước nguy cơ suy giảm vì biến đổi khí hậu , thuốc trừ sâu thì ý tưởng mới để thụ phấn cho cây này có thể giải cứu thế giới.

Monday. June 22nd, 2020
Robot chăn nuôi bò sữa kiểu Úc Robot chăn nuôi bò sữa kiểu Úc

Một hộ nông dân nuôi bò sữa ở bang New South Wales đã sử dụng robot chạy bằng năng lượng mặt trời để điều khiển đàn bò sữa từ A đến Z.

Monday. June 22nd, 2020
Ảnh hưởng của Vitamin C đối với lươn đồng Ảnh hưởng của Vitamin C đối với lươn đồng

Kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của Vitamin C đối với lươn đồng (Monopterus albus) cho thấy, hàm lượng tối ưu của Vitamin C trong thức ăn

Monday. June 22nd, 2020