Lão nông với tâm huyết nuôi tôm
Khó khăn, vất vả, bấp bênh vẫn không làm cho ông Nguyễn Thành Công, chủ cơ sở tôm sú giống và thẻ chân trắng Thành Công ở xóm 13, xã Chí Công (Tuy Phong) nản lòng. Với quyết tâm “thà bán nhà chứ không bán trại”, nghề nuôi tôm đã mang lại quả ngọt cho lão nông ấy…
Tôm giống được đóng gói cung cấp cho các tỉnh miền Tây.
Với giọng hào sảng của người cựu chiến binh tuổi ngoài lục tuần, ông kể về quãng đường thăng trầm trước khi đến với nghề nuôi tôm giống: Sau giải phóng năm 1975, ông Công đảm nhận nhiều nhiệm vụ tại địa phương như: Xã đội phó, Xã đội trưởng xã Chí Công rồi đến ủy viên thư ký thường trực UBND xã. “Chức vụ thì cứ lên đều nhưng nghèo lắm cô ạ!”, ông cười giòn tan khi kể về bản thân. Gia đình 8 nhân khẩu, 6 đứa con trong độ tuổi ăn học, có nằm mơ ông cũng chỉ mơ đến việc làm gì để cho con có cái ăn cái mặc như người ta thôi.
Năm 1989, sau khi ông nghỉ việc ở xã, kinh tế chật vật, vợ chồng ông tất bật “buôn thúng bán bưng” mưu sinh. Ông quyết tâm phải vượt khó vươn lên làm giàu bằng chính đôi tay của người lính năm xưa. Nhiều lần thất bại với các mô hình kinh tế khác nhau nhưng ông Công không hề nản chí.
Được sự động viên của các hội viên trong Hội CCB thôn Hà Thủy, ông học hỏi thêm từ những tấm gương làm kinh tế giỏi. Năm 2000 ông vay mượn 20 triệu đồng mua 20 con dê giống. Mô hình nuôi dê đem lại lợi nhuận, đời sống kinh tế gia đình ông bước đầu đi vào ổn định.
Từng có thời gian phụ trách quản lý ngành thủy sản của xã, ông Công luôn trăn trở tìm hướng để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của địa phương. Mô hình nuôi tôm giống ban đầu được 5 cựu chiến binh của thôn chung vốn thuê đất thực hiện.
Tuy nhiên với các khó khăn đặc trưng của nghề cộng với nguồn vốn đầu tư và những bất cập trong viêc quản lý nên dần dần các hộ khác rút vốn, riêng ông Công vẫn quyết giữ lấy tâm huyết của mình. Ông tâm sự: “Bà nhà tôi lúc đó cũng khuyên tôi rút lui, nhưng tôi kiên quyết thà bán nhà chứ không bán trại tôm”. Lấy tiền lãi từ nuôi dê của gia đình ông đầu tư cho cơ sở tôm giống. Bước đầu cơ sở chỉ có 16 hồ nuôi tôm diện tích 5,2 m2/hồ.
Trong quá trình hoạt động, cơ sở nuôi tôm giống gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết, môi trường, thị trường đầu ra, đối tượng nuôi. Luôn ham mê học hỏi mày mò nghiên cứu, ông Công dần khắc phục khó khăn, chuyển đổi đối tượng nuôi.
Đến năm 2012, cơ sở vừa nuôi tôm sú post và tôm thẻ chân trắng. Dành nhiều thời gian tìm hiểu về các đặc tính sinh trưởng cũng như thích nghi của loài tôm giống và tôm thẻ chân trắng, ông Công tự rút ra những kinh nghiệm chọn tôm giống sao cho đạt hiệu quả cao. Cũng như nỗ lực khắc phục những khó khăn và các vướng mắc gặp phải trong quá trình sản xuất, nhất là đầu ra sản phẩm. Đến nay, ông hoàn thiện và mở rộng trại tôm được 48 hồ nuôi, với giá trị tài sản 2 tỷ đồng. Cơ sở tôm giống mỗi năm nuôi 5 đến 6 vụ cho sản lượng 5 đến 6 triệu con giống/năm. Tôm giống được bán tại địa phương và còn được xuất bán cho các tỉnh Tiền Giang, Long An... Ngoài ra, cơ sở nuôi tôm của ông đã giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động trên địa bàn xã.
Related news
Những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã triển khai nhiều mô hình nuôi thủy sản nước ngọt ở huyện Tánh Linh đem lại hiệu quả kinh tế cao
Phát huy lợi thế có nhiều sông lớn chảy qua như: sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình với chất lượng nước và tốc độ dòng chảy thuận lợi để nuôi trồng thủy sản