Giá / Tin nông nghiệp

Làng nghề làm chè VietGAP

Làng nghề làm chè VietGAP
Tác giả: Đồng Văn Thưởng - Trần Hồ
Ngày đăng: 31/03/2018

Những thành công liên tục của người dân trong chăm sóc, chế biến chè đã đưa xóm 5, thị trấn Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) được nhận bằng vinh danh làng nghề tiêu biểu Việt Nam.

Áp dụng VietGAP là đòi hỏi tất yếu và phổ biến của người làm chè ở làng nghề chè xóm 5, thị trấn Sông Cầu (ảnh: ĐVT)

Xây dựng chứng nhận VietGAP

Năm 2010, người làm chè xóm 5 nô nức chuẩn bị thực hiện hoạt động hưởng ứng và tham gia các nội dung của Festival chè Quốc tế Thái Nguyên lần thứ nhất năm 2011.

Một trong những hoạt động thiết thực nhất khi ấy là xây dựng chứng nhận SX chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Giữa năm 2011, gần 10ha chè, chiếm 1/10 tổng diện tích chè của xóm đã được cấp chứng nhận VietGAP. Những hữu ích về mọi mặt của phương thức SX mới, đã được khẳng định tại các cuộc thi của lễ hội chè. Sản phẩm chè của xóm 5 đã xuất sắc đoạt giải nhất tại cuộc thi Búp chè vàng.

Người làm chè xóm 5 cũng giành giải cao khi tham gia cuộc thi Bàn tay vàng và nghệ thuật trình diễn pha trà, mời trà. Chè VietGAP có sức lan tỏa rất nhanh. Điều kiện cốt lõi là giá bán chè được nâng cao.

Ông Hoàng Xuân Thủy (Trưởng làng nghề xóm 5) cho hay, thương lái và thị trường chẳng khác nào những kít thử để quyết định chính xác giá trị, chất lượng của chè. Người làm chè vì đó tự giác truyền dạy và bảo nhau SX sạch, an toàn. Phương thức VietGAP được coi như mô tip đóng đinh và cùng nhau thực hiện.

Dù rằng, nhiều hộ làm chè chưa tham gia nhóm SX để được cấp chứng nhận. Qua 2 lần Festival trà tiếp theo vào các năm 2013 và 2015, sản phẩm chè của xóm 5 vẫn tiếp tục giành được các giải cao.

Đến nay, chất lượng sản phẩm chè của 126 hộ làm chè với 95ha chè toàn xóm đã tiệm cận và tương đối đồng đều. Làng nghề chè xóm 5 đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, hiệp hội làng nghề. Năm 2014 sản phẩm chè của làng nghề xóm 5 được người tiêu dùng bình chọn và tặng cúp vàng thương hiệu Việt Nam tin dùng.

Năm 2015, làng nghề đã làm các thủ tục để đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu chè truyền thống xóm 5 và được Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho logo chè xóm 5.

Giai đoạn 2010 - 2015, làng nghề truyền thống xóm 5 đã được tặng bằng khen của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, giấy khen của Hiệp hội Làng nghề tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển nghề, làng nghề truyền thống.  

Duy trì SX sạch

Tính đến cuối năm 2017, xóm 5 đã có 30ha chè được cấp chứng nhận VietGAP. Ông Vũ Văn Tân (thành viên của tổ VietGAP) cho biết, thành quả đó bắt nguồn từ việc làng nghề đã thực hiện chuyển đổi từ giống chè cũ sang trồng chè cành  giống mới có năng suất, chất lượng. Đến nay, làng nghề đã chuyển đổi được gần 90ha sang SX chè giống mới như: Bát Tiên, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, chè Nhật và nhiều giống chè đặc sản cao cấp khác. Nhờ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.

Ông Vũ Chí Long (một thành viên khác) cho biết, gia đình ông có 5.000m2 chè với 3 giống gồm LDP1, Trung Du và chè Kim Tuyên. Ông đã đưa cả diện tích trên vào thực hiện SX theo VietGAP. Thực tế thì cách SX của người dân từ lâu đã theo hình thức VietGAP. Bây giờ thực hiện thì thêm một vài nội dung như ghi chép sổ sách, giám sát chéo... Chứng nhận VietGAP như sự khẳng định thêm về cách làm chè của người dân.

Trưởng làng nghề chè xóm 5, ông Hoàng Xuân Thủy cho biết, giá bán chè của xóm 5 lúc nào cũng nhỉnh hơn các vùng lân cận. Một số hộ đã đầu tư SX ra những sản phẩm chè chất lượng đặc biệt với giá bán cao gấp nhiều lần giá bán bình quân. Ban quản lý làng nghề đã dự kiến sẽ đưa 100% diện tích chè, các hộ làm chè của xóm được cấp chứng nhận VietGAP trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, tiếp tục duy trì bền vững phương thức SX nói trên.

Ông Vũ Xuân Thái, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu cho biết, làng nghề truyền thống SX chè xóm 5 là mô hình điểm của địa phương. Người làm chè tự nguyện, tự giác thực hiện phương thức SX theo hướng an toàn. Những cán bộ tập huấn và giám sát của cơ quan cấp chứng nhận cũng phải thừa nhận trình độ chăm sóc, chế biến chè của họ. Và đặc biệt là ý thức rất cao trong thực thi phương thức sản xuất mới.


Có thể bạn quan tâm

Mô hình trồng rau thủy canh đầu tiên ở Nghệ An Mô hình trồng rau thủy canh đầu tiên ở Nghệ An

Phương thức này có nhiều ưu điểm như trồng rau không cần đất, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, được tưới bằng mạch ngầm tự động...

31/03/2018
Chè xanh Tiên Phước Chè xanh Tiên Phước

Chè xanh, chè xào, chè đen… là những sản phẩm làm ra từ chè luôn được các tiểu thương đến tận nhà tìm mua với giá khá cao

31/03/2018
Nuôi bò Kobe “made in Việt Nam” Nuôi bò Kobe “made in Việt Nam”

Bò Kobe là giống bò thịt chất lượng cao nổi tiếng khắp thế giới, có nguồn gốc từ Kinki (Nhật Bản) và hiện đã được du nhập vào Việt Nam

31/03/2018