Chè xanh Tiên Phước
Cây tiêu, cây quế, cây chè luôn gợi cho người dân xứ Quảng nhớ đến miền quê Tiên Phước. Bởi 3 loại cây bản địa này không những giúp nông dân ở vùng trung du có nguồn thu nhập lai rai, mà còn góp phần tạo cảnh quan nên thơ hữu tình cho các xóm làng. Sau một thời gian dài bị “thất sủng” vì giá cả bấp bênh, mấy năm gân đây cây chè giành lại vị thế vốn có từ lâu. Chè xanh, chè xào, chè đen… là những sản phẩm làm ra từ chè luôn được các tiểu thương đến tận nhà tìm mua với giá khá cao. Mỗi năm, ngoài hai lứa chè tháng Giêng và tháng Tám, cây chè còn ra lộc non vào tháng Tư và tháng Sáu, sau những trận mưa dông trắng trời.
Cây chè đem lại nguồn thu nhập lai rai cho nông dân. Ảnh: N.Đ.AN
Là người có hơn nửa thế kỷ gắn bó với cây chè, bà P. ở làng Tích Phước, xã Tiên Lộc, cho hay: “Qua tiết giêng hai, ở quê chưa có chi thu hoạch, nhà nông chỉ trông dựa vào cây chè. Siêng, mang giỏ ra vườn hái búp lá chè non làm chè xào, chè đen bán cũng có tiền. Nhác, mang liềm cắt ngọn chè tươi buộc thành từng nắm nhỏ, tiểu thương đến tận nhà hết, không lo”. Tìm hiểu, được biết chè xào (chè búp lá xông lửa than cho héo, đem đạp quắn lại rồi phơi nắng cho khô) có giá 100 ngàn đồng/kg; chè đen (chè búp lá phơi nắng cho héo, đem đạp quắn lại rồi ủ trong xô chậu, hôm sau xủ ra phơi nắng cho khô) có giá 70 - 80 ngàn đồng/kg. Theo bà P., cứ 5kg chè búp tươi chế biến được 1kg chè xào, hoặc chè đen. Các tiểu thương cho biết, hai loại sản phẩm chè này, người dân ở các vùng quê biển rất thích, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Tiếc là những năm qua, nhiều nông gia ở các xã Tiên Thọ, Tiên Phong, Tiên Lộc, Tiên An… trong quá trình cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn đã chặt phá hết chè, vì thế các tiểu thương mua gom chẳng được bao nhiêu!
Đối với nhiều người dân xứ Quảng, búp lá chè là thức uống quen thuộc từ lâu, đặc biệt là chè tươi, tức chè xanh. Dù ở quê hay ở phố, chè xanh vẫn là lựa chọn của không ít gia đình. Anh B. ở thôn Phái Đông, thị trấn Tiên Kỳ, cho biết, chè xanh thu hoạch gần như quanh năm. Mỗi chục (12 nắm nhỏ) có giá bán tại nhà khoảng 40 - 50 ngàn đồng. Đi làm vườn, trước khi nghỉ trưa và nghỉ chiều, tranh thủ cắt chè tươi đem về buộc thành từng nắm, mỗi ngày kiếm vài trăm ngàn đồng không khó. Các tiểu thương tới nhà mua, sau đó vận chuyển đến các chợ ở Tam Kỳ, Đà Nẵng, Hội An… để bán kiếm lời. Chị T. là một tiểu thương chuyên buôn bán chè xanh, nói: “Chè xanh Tiên Phước có sắc nước vàng ánh xanh trông rất đẹp mắt, lại có vị chát đậm đà nơi đầu lưỡi nên người ta mua không cần trả giá. Vả lại, một nắm nhỏ chỉ độ 7 - 8 ngàn đồng, đâu có đáng là bao! Vì vậy, tôi buôn bán mặt hàng nông sản này khá thuận lợi. Có mối mua, có mối bán nên mỗi tháng tôi kiếm cũng được tiền lời kha khá”.
Là cây trồng không cho thu nhập lớn nhưng cây chè lại giúp cho nhiều bà con nông dân ở các xóm thôn Tiên Phước trang trải chi tiêu hàng ngày, nhất là vào thời điểm giêng hai. Do vậy, không ít gia đình ở các xã Tiên Thọ, Tiên Lộc, thị trấn Tiên Kỳ… vẫn dành đất trồng chè vừa làm thức uống hàng ngày, vừa bán chè xanh để có đồng ra đồng vào.
Có thể bạn quan tâm
Lợn rừng thuần chủng giống Thái Lan cho chất lượng thịt thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Bà Phan Thị Tú (Nghệ An) đã thành công nuôi giống lợn rừng này.
Là địa bàn không có lợi thế để đầu tư công nghiệp, huyện Thanh Chương chỉ đạo hướng dẫn cho người dân phát triển nhiều loại cây trồng
Phương thức này có nhiều ưu điểm như trồng rau không cần đất, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, được tưới bằng mạch ngầm tự động...