Giá / Tin nông nghiệp

Lan tỏa SRI ở tỉnh khó khăn về nước tưới

Lan tỏa SRI ở tỉnh khó khăn về nước tưới
Tác giả: Kim Sơ
Ngày đăng: 21/07/2021

Kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) đang được nông dân tại Bình Thuận nhiệt tình đón nhận, bởi họ đã ngộ ra rất nhiều lợi ích nhờ áp dụng kỹ thuật này.

Ngành nông nghiệp Bình Thuận hướng dẫn nông dân sản xuất lúa theo hướng SRI, kết hợp với cơ giới hóa bằng mạ khay - máy cấy. Ảnh: AB.

Trồng lúa theo SRI, lợi trăm đường

Bình Thuận có trên 50.000 ha đất canh tác lúa, với diện tích gieo trồng trên 110.000 ha/năm (đông xuân, hè thu và vụ mùa), sản lượng bình quân khoảng 650 - 700 ngàn tấn/năm. Diện tích lúa tập trung chủ yếu tại 4 huyện: Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình.

Hiện phần lớn diện tích lúa trên địa bàn tỉnh nông dân đều sản xuất 3 vụ/năm và áp dụng phương pháp tưới ngập. Trong khi đó 1 ha lúa khi tưới ngập sẽ có nhu cầu nước gấp khoảng 2,5 lần so với cây trồng cạn khác. 

Những năm gần đây, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh ngày càng nghiêm trọng, thiếu nước thường xuyên xảy ra. Cuối mùa mưa, các hồ chứa thường không tích đủ nước theo thiết kế, ngành nông hàng năm phải cắt giảm diện tích sản xuất.

Trước thực trạng trên, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng hạt gạo là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, thời gian qua, ngoài việc hướng dẫn nông dân sản xuất theo phương pháp ICM, IPM, từ vụ đông xuân 2016 - 2017 và vụ hè thu 2017, Trung tâm đã triển khai nhiều mô hình canh tác lúa tiên tiến theo kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI), thực nghiệm về mật độ và áp dụng tưới tiết kiệm nước ướt khô xen kẽ trong sản xuất lúa trên địa bàn 2 huyện Tuy Phong và Hàm Thuận Bắc.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn thực hiện canh tác cộng đồng với lượng gieo sạ thưa, quy mô 50 ha tại HTX Nông nghiệp Long Hương và Long Điền 1 (huyện Tuy Phong).

Ông Nguyễn Tám, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận cho biết, sản xuất lúa áp dụng SRI được xem là đích đến của một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hạn chế tối đa những tác động xấu đến môi trường nông nghiệp như: Tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, giảm lượng giống; giảm thuốc BVTV và lượng đạm dư thừa...

Để nông dân thấy rõ lợi ích này, tại các mô hình triển khai, Trung tâm đều thử nghiệm 4 công thức với lượng giống gieo sạ 8 kg/sào (1.000 m2); 10 kg/sào; 12 kg/sào m2 và 16 kg/sào (đối chứng) để họ so sánh.

Kết quả sau 2 vụ đầu triển khai, nông dân tham gia mô hình đều thấy rõ khi gieo sạ thưa với lượng giống 80 kg/ha cho năng suất cao nhất khoảng 78 tạ/ha; tiếp đến gieo sạ 100 kg/ha cho năng suất đạt 77 tạ/ha; gieo sạ 120 kg/ha cho năng suất 73 tạ/ha và cuối cùng gieo sạ 160 kg/ha năng suất chỉ đạt 71 tạ/ha. Bên cạnh đó, những ruộng lúa sản xuất đại trà với lượng gieo sạ từ 200 - 250 kg/ha, năng suất thu hoạch bình quân cũng chỉ đạt 72 tạ/ha.

“Nếu xét hiệu quả với mật độ gieo sạ 80 kg/ha sẽ cho lợi nhuận 25,5 triệu đồng/ha; còn sản xuất đại trà gieo sạ 200 kg/ha cho lợi nhuận chỉ 20,7 triệu đồng; tức lợi lợi nhuận chênh lệch trên 4,7 triệu đồng/ha. Trong khi đó, việc sản xuất lúa cải tiến SRI giảm được 4 lần tưới/ha/vụ so với tưới ngập truyền thống là 12 lần/ha/vụ (tương đương tiết kiệm khoảng 3.333 m3 nước tưới)”, ông Tám phân tích.

Mục tiêu trên 4.000 ha lúa theo SRI

Với những lợi ích thiết thực cũng như hướng tới sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, bền vững, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, hằng năm Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận vẫn duy trì và nhân rộng mô hình canh tác lúa theo SRI với diện tích từ 50-100 ha/năm trên khắp các địa bàn trong tỉnh.

Ông Nguyễn Tám cho biết thêm, ngoài canh tác lúa SRI bằng phương pháp gieo sạ thưa, từ năm 2017-2019 Trung tâm còn thực hiện canh tác lúa SRI theo phương pháp cấy mạ khay, sử dụng máy cấy cơ giới với lượng giống chỉ 50 kg/ha.

Mô hình được Trung tâm triển khai trên địa bàn huyện Tánh Linh với quy mô 170 ha, kết quả cho năng suất bình quân 6,9 tấn/ha (cao hơn ruộng đối chứng 0,7 tấn/ha); doanh thu 41 triệu đồng/ha, lợi nhuận trên 22 triệu/ha. Trong khi ruộng lúa sản xuất đại trà doanh thu khoảng 40 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 16 triệu/ha.

Tiếp đến năm 2020, Trung tâm không những xây dựng mô hình sản xuất lúa theo phương pháp SRI thuần túy, mà còn tiếp tục nâng tầm sản xuất lúa theo SRI  hướng hữu cơ theo liên kết chuỗi với giống lúa chất lượng cao ST25; quy mô 30 ha tại Hàm Thận Bắc và Bắc Bình. Mô hình cho năng suất bình quân đạt 58 tạ/ha, với giá bán từ 7.500 - 8.000 đồng/kg; trong khi đó sản xuất lúa đại trà năng suất dao động từ 58- 60 tạ/ha nhưng giá bán dưới 7.000 đ/kg.

“Hiện Trung tâm vẫn tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình sản xuất theo phương pháp SRI trên các vùng lúa trọng điểm của tỉnh như Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong. Theo đó, đến nay toàn tỉnh có khoảng 700 ha, kể cả diện tích bà con tự nhân rộng khoảng 100 ha áp dụng phương pháp sản xuất này.

Đặc biệt trong năm 2021, Trung tâm lần đầu tiên triển khai mô hình áp dụng lúa SRI cho vùng dân tộc thiểu số, quy mô 5 ha tại xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình”, ông Tám chia sẻ và cho biết thêm, theo định hướng của ngành nông nghiệp đến năm 2025 diện tích lúa toàn tỉnh canh tác lúa theo phương Pháp SRI sẽ đạt khoảng gần 4.000 ha.

Giảm hơn 1/2 lượng giống

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Đức Bình, xã Đức Bình, huyện Tánh Linh (Bình Thuận), cho biết, trước đây bà con trên địa bàn gieo sạ mật độ dày, từ 25-30 kg/sào. Tuy nhiên từ khi triển khai dự án do Tổ chức phát triển Hà Lan tài trợ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ HTX Đức Bình xây dựng mô hình “Thâm canh lúa nước theo phương pháp SRI” trong vụ đông xuân 2018 – 2019.

Vụ đông xuân 2019-2020, Trung tâm tiếp tục triển khai mô hình này lần nữa đã giúp bà con thay đổi dần tập quán sản xuất sạ dày. Riêng HTX có gần 20 ha gồm 9 thành viên hiện gieo sạ cũng chỉ còn 12 kg/sào; kết hợp làm lúa theo hướng hữu cơ.

Nhờ sản xuất lúa theo hướng SRI nên 2 vụ liên tục gần đây, ruộng lúa của HTX ít sâu bệnh, chỉ lâu lâu xuất hiện sâu độc thân khi lúc lúa còn nhỏ. Đặc biệt, ruộng lúa của HTX không bao giờ bị cháy rầy, bởi vì gieo sạ mật độ thưa.

Từ đó, giảm nhiều chi phí phân, thuốc BVTV 20-30% so với sản xuất thông thường. Tuy nhiên do HTX sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nên các loại phân sử dụng đều phải là phân vi sinh an toàn, thân thiện môi trường, không độc hại.

Được biết, HTX Nông nghiệp dịch vụ Đức Bình trung bình mỗi năm sản xuất 2 vụ, với sản lượng từ 70 - 80 tấn lúa/năm. Nhiều lúc gạo hữu cơ của HTX sản xuất bán cháy hàng.


Có thể bạn quan tâm

Nhận diện chủng virus cúm gia cầm độc lực cao tại Việt Nam Nhận diện chủng virus cúm gia cầm độc lực cao tại Việt Nam

Hiệp hội Gia cầm Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo trực tuyến cho các hội viên, trang trại chăn nuôi gia cầm cả nước nhận diện và đối phó với bệnh cúm gia cầm.

21/07/2021
Chiến lược nông nghiệp đô thị của Singapore Chiến lược nông nghiệp đô thị của Singapore

Nhằm giảm bớt lệ thuộc vào nhập khẩu, chính phủ Singapore đang trông đợi một nền nông nghiệp đô thị công nghệ cao, sản xuất rau và cá gấp 10 đến 15 lần

21/07/2021
Lúa ST25 khả quan trên đồng đất Bình Định Lúa ST25 khả quan trên đồng đất Bình Định

Trong cả 2 vụ đông xuân và hè thu năm 2021, Bình Định liên tục sản xuất thử giống lúa ST25 trên nhiều chân đất khác nhau, kết quả bước đầu rất khả quan.

21/07/2021