Lam Sơn: Mía Đồng Loạt Trổ Cờ !
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, cho đến thời điểm này, NM mới thu mua được 34% sản lượng và hiện còn khoảng 700.000 tấn mía đang ở trên ruộng. Việc để cho mía trổ cờ, không thu hoạch kịp thời đã làm giảm năng suất, chữ đường gây thiệt hại cho người trồng mía rất lớn.
Lý giải nguyên nhân chậm mua mía cho dân, ông Lê Văn Thanh - TGĐ Cty CP Mía đường Lam Sơn nói: “Không chỉ có mía của vùng Lam Sơn trổ cờ mà một số vùng khác cũng vậy. Vì năm 2011 và đầu năm nay trời mưa nhiều, ánh sáng ít và độ ẩm cao nên rất thuận lợi cho mía trổ cờ và tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của mía, ảnh hưởng cả lợi ích của người nông dân và NM. Một vấn đề khác là từ tháng 4/2011 Cty tiến hành nâng cấp mở rộng công suất dây chuyền thứ 2 với công suất 7.500 tấn/ngày. Từ đầu vụ ép đến nay chỉ dây chuyền thứ 1 vận hành với công suất 2.500 tấn/ngày nên dẫn đến mía thu hoạch không kịp. Hiện dây chuyền thứ 2 bắt đầu khởi động. Chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ của người dân”.
Huyện Ngọc Lặc có 4.130ha mía và hiện NM mới tiêu thụ được 28% diện tích. Ông Bùi Trung Anh - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hiện mía đã chín và đồng loạt trổ cờ hết rồi. Chữ đường sẽ khó đạt 10CCS. Vì thế người dân sẽ thiệt hại rất lớn”, ông Lê Xuân Dương - PCT UBND huyện Triệu Sơn thì vẽ một bức tranh thảm cảnh đối với vùng mía trên địa bàn. Ông Dương nói: “Từ đầu vụ ép đến nay, mỗi ngày chỉ có 3-4 xe mía về NM mà đáng lẽ ra phải là mấy chục xe một ngày. Nếu tình trạng này kéo dài thì thời gian thu hoạch sẽ sang tháng 5, tháng 6. Và lúc đó, mía chặt về đưa vào bếp làm củi sẽ tốt hơn là đưa vào ép”.
Còn ông Lê Huy Hoàng - PCT UBND huyện Thọ Xuân thì đề nghị Cty mía đường có thông báo cam kết với người dân về việc thu hoạch mía và ngày kết thúc để người dân không dồn bức xúc lên cho huyện.
Tại cuộc họp của UBND tỉnh Thanh Hóa với các ngành và NM đường Lam Sơn hôm qua 14/3, các đại biểu đều lên tiếng đề nghị lãnh đạo Cty CP Mía đường Lam Sơn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân chứ không thể đòi hỏi người dân chia sẻ như thế được. Sở NN-PTNT đã có báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh là cần phải tiến hành nhanh việc thu mua mía cho người dân. Trong trường hợp bất trắc xảy ra kéo dài thời gian ép ngoài dự kiến, thì UBND tỉnh chỉ đạo Cty CP Mía đường Lam Sơn có kế hoạch đấu mối với Cty TNHH Đường mía Việt - Đài và Cty CP Mía đường Nông Cống để chuyển một phần sản lượng mía của vùng Lam Sơn cho các NM kia ép.
Cũng theo đề nghị của Sở NN-PTNT thì Cty CP Mía đường Lam Sơn cần có chính sách hỗ trợ cho người dân đối với diện tích thu hoạch sau 15/4 với mức 100.000-150.000đ/tấn mía mua xô và 1 tấn phân bón để chăm sóc số diện tích mía lưu gốc thu hoạch muộn đó.
Kết luận, ông Nguyễn Đức Quyền - PCT UBND tỉnh khẳng định: “Tiến độ thu hoạch mía chậm là hoàn toàn do lỗi chủ quan của lãnh đạo Cty CP Mía đường Lam Sơn. Tôi yêu cầu NM đẩy mạnh việc thu mua mía cho dân. Đối với diện tích mía chín sớm buộc phải thu hoạch hết trước 30/3, số còn lại kết thúc thu hoạch trước 30/4. Tuyệt đối không để kéo dài thời gian thu hoạch đến tháng 5, tháng 6 như phản ánh của huyện Triệu Sơn. Trong trường hợp ép không kịp thì mua về tập kết ở NM để giải quyết quyền lợi cho người dân. UBND tỉnh yêu cầu Cty có trách nhiệm đối với người dân như các đề nghị của Sở NN-PTNT”.
Đồng quan điểm với Sở NN-PTNT, ông Ngô Tiến Ngọc - PGĐ Sở Kế hoạch - Đầu tư nói: “Việc thu hoạch chậm, để mía trổ cờ, phía NM phải có trách nhiệm với dân. Trong trường hợp cứ kéo dài tình trạng này, trước mắt tỉnh cần có phương án để dân bán mía cho các NM khác nhằm giảm bớt thất thiệt cho người dân”. Đại diện các sở ban ngành khác cũng đề nghị Cty trích quỹ dự phòng ra mà lo cho dân chứ không thể để cho dân thiệt. Nếu trong hợp đồng kinh tế có thể hiện điều khoản thu hoạch sau thời gian quy định thì nhất thiết Cty phải bồi thường thiệt hại cho người dân chứ không chỉ có hỗ trợ.
Tuy nhiên, tại hội nghị, lãnh đạo Cty CP Mía đường Lam Sơn vẫn chưa đưa ra được mức hỗ trợ và bồi thương cho người dân là bao nhiêu. Ông Lê Văn Thanh - TGĐ cho rằng: “Với mức đề xuất của Sở NN-PTNT như thế là cao quá. Chúng tôi sẽ có thông báo gửi đến người dân sau”. Không đồng tình với ông Thanh, ông Bùi Trung Anh - Chủ tịch huyện Ngọc Lặc cho rằng: “Mức đề nghị đó là khiêm tốn chứ không thể nói là quá cao được”.
Đứng về phía người dân, ông Mai Bá Luyến - PGĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa thẳng thắn: “Phải khẳng định là nhân dân thiệt thòi và mất mát rất lớn. Nếu đến tháng 3 mà NM mua được 70% sản lượng thì người dân sẽ được là bao nhiêu? Nhưng nay chỉ mới mua được 1/3 thì người dân thiệt đi bao nhiêu? Cty cần có trách nhiệm với người dân”.
Related news
Những ngày qua, nhiều người sống quanh đầm Ô Loan (Tuy An) đổ xô vào cầu Đà Nông thuộc thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa) để bắt hàu. Sở dĩ có chuyện nghịch lý này là vì tôm nuôi chết hàng loạt; còn cá, cua, hàu sống tự nhiên trong đầm hiện cũng không còn nhiều.
Tháng 2, ngư dân TP. Cam Ranh đã đánh bắt 900 tấn hải sản các loại. Trong đó, cá chiếm gần 89% sản lượng đánh bắt với 800 tấn, còn lại là 40 tấn mực, 5 tấn tôm, 55 tấn thủy sản khác, nâng sản lượng thủy sản khai thác 2 tháng đầu năm lên 1.620 tấn.
Thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi tôm sú vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) xôn xao trước việc xuất hiện loại tôm giống được cho là xuất xứ từ châu Phi với tên gọi “Sú châu Phi”. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định đây thực chất là tôm giống thông thường, được in giả nhãn mác “Sú châu Phi”.