Làm Giàu Với Mô Hình Nuôi Xen Ghép
Về thị trấn Thuận An (Phú Vang - Thừa Thiên Huế) không ai không biết đến anh nông dân Võ Quý ở thôn Tân An. Không chỉ là Chi hội trưởng Hội Nông dân năng nổ, anh còn là một trong những tấm gương nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu của huyện Phú Vang.
Thuận An là địa phương có nhiều điều kiện phát triển ngành nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản. Trước đây, người dân chủ yếu nuôi tôm công nghiệp. Do tôm sú thời gian nuôi kéo dài, đặc tính thích môi trường sạch và thoáng khí, nên sau một thời gian nuôi nhiều địa phương xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt vì nguồn nước bị ô nhiễm. Trước tình hình đó, gia đình anh Võ Quý cũng như nhiều hộ dân trong thị trấn mạnh dạn đưa cá rô phi đơn tính vào thả xen ghép với tôm sú góp phần làm sạch môi trường nuôi; sau đó, đa dạng con nuôi với các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá đối, cá dìa, cá kình, và cua.
Trước đây anh Quý làm nghề cơ khí và lái xe thu mua cua từ Cà Mau chở đi Móng Cái. Do buôn bán khó khăn, anh quyết định ở nhà nuôi trồng thủy sản. Anh Quý nhớ lại: “Tôi bắt đầu nuôi trồng thủy sản vào năm 1995. Năm 1997, nghe người ta bảo nuôi xen ghép mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi bắt đầu chuyển sang nuôi xen ghép, ban đầu chỉ nuôi xen cá rô phi đơn tính và tôm sú, sau mở rộng thêm đối tượng nuôi, như cua, cá đối, cá dìa… Nuôi xen ghép hiệu quả kinh tế không cao so với nuôi độc canh tôm nhưng đổi lại thu nhập ổn định, ít chịu tác động của dịch bệnh và thời tiết”.
Anh thuê 2 ha diện tích mặt nước của UBND thị trấn Thuận An để phát triển mô hình, trung bình mỗi năm thu nhập trên 120 triệu đồng. Ngoài tập trung chăm sóc nuôi trồng anh rất tích cực tham gia học hỏi kinh nghiệm của bà con ở trong và ngoài xã; tích cực tham gia các lớp tập huấn về cách chọn con giống, một số bệnh thường gặp và cách phòng trị bệnh cho các đối tượng nuôi, tập huấn về hoạch toán chi phí và cách bảo quản thực phẩm sau thu hoạch… do Chi cục Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản và Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tổ chức. Nhờ vậy, kiến thức và kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản ngày càng được nâng lên. Anh còn mạnh dạn đầu tư thiết bị phục vụ công tác nuôi trồng như hệ thống bơm, sục khí với giá trị trên 60 triệu đồng. Nhờ có sự đầu tư về công việc và tiền của nên thu nhập của gia đình ngày càng ổn định.
Không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế gia đình, anh còn là cán bộ hội xuất sắc có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào hội của chi hội thôn Tân An và hội Nông dân thị trấn Thuận An. Với vai trò chi hội trưởng, anh luôn vận động bà con nuôi thả theo đúng khung lịch thời vụ, thường xuyên trao đổi với các hội viên về kinh nghiệm cũng như những kiến thức nuôi trồng thủy sản nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế vững nhất.
Ông Nguyễn Đơn, Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Thuận An khen ngợi: Võ Quý là một cán bộ hội có nhiều thành tích trong công tác hội và cũng là một trong những gương nông dân sản xuất giỏi của thị trấn. Trong công tác hội, Quý luôn là người đi đầu trong các phong trào, nhờ con người này mà chi hội thôn Tân An luôn là chi hội dẫn đầu và có nhiều thành tích trong các phong trào.
Related news
Nhờ nguồn giống chất lượng cao, nước tưới dồi dào, chú trọng đầu tư thâm canh nên 3 tháng nay 7 sào lúa hè thu trên cánh đồng Cồn Mồ của anh Tám Duy Vinh ở huyện Duy Xuyên sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở tỉnh Đồng Tháp nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên đã dần thoát khỏi đói nghèo, trở nên khá giả, có hộ thu nhập gần 800 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Tường An, ấp Xuân Cầu, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An có 2 ha đất áp dụng mô hình V.A.C mỗi năm thu nhập hơn 500 triệu đồng.