Làm Giàu Từ Rau Má
Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm gần đây, nông dân TP Cà Mau không ngừng tăng gia sản xuất với nhiều mô hình cho thu nhập khá, trong đó mô hình trồng rau má thương phẩm đang trở thành mô hình kinh tế bền vững, giúp nông dân từ nghèo đói vươn lên khấm khá.
Chị Nguyễn Cẩm Đang, ông Từ Thành Công… ấp 6, xã An Xuyên, là những nông dân tiêu biểu làm giàu từ loại cây trồng này.
Vừa cắt rau má để kịp bỏ mối cho bạn hàng ngoài chợ phường 7 vào đầu giờ chiều, chị Nguyễn Cẩm Đang, ấp 6, xã An Xuyên, phấn khởi cho biết, năm 2003, trong một lần về quê nhà ở tỉnh Vĩnh Long, chị bứng ít rau má mọc ở vườn đem về Cà Mau trồng thử. Thấy rau má phát triển và cho kết quả tốt nên chị mở rộng trồng với diện tích lớn.
Hằng ngày, vợ chồng chị Đang đều dành nhiều thời gian chăm sóc vườn rau. Qua 10 năm nhân giống, đến nay khắp khu vườn nhà chị Đang đều có sự hiện diện của rau má.
Theo kinh nghiệm của chị Đang, rau má là cây cho lợi nhuận cao, đầu ra phong phú, nhưng trồng rau má phải dày công chăm sóc và xuống giống đúng thời vụ (hợp lý nhất là tháng giêng âm lịch).
Nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật trồng rau nên 10 năm qua, mỗi ngày chị Đang đều có rau má thương phẩm cân cho bạn hàng. Với diện tích 3 công đất trồng rau má, mỗi ngày chị cắt từ 20-30 kg, bán với giá 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, vào những ngày giáp Tết và sau Tết, giá rau má tăng vọt lên 30.000 đồng/kg.
Ngoài bán rau thương phẩm, năm 2010, chị Đang còn chịu mối xay rau má bỏ cho các quán nước ở TP Cà Mau. Nhờ đó, nguồn thu nhập của gia đình tăng lên. Theo tính toán của chị Đang, huê lợi từ rau má mang lại cho gia đình chị khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.
Cùng với chị Nguyễn Cẩm Đang, ông Từ Thành Công, ngụ ấp 6, xã An Xuyên, cũng có thâm niên hàng chục năm trồng rau má.
Trên diện tích 2 công đất, năm 2010 ông Công xin ít giống rau má của bà con trong xóm về trồng thử để bổ sung dinh dưỡng bữa cơm gia đình. Theo thời gian, rau má phát triển nhanh và mọc lên khắp vườn. “10 năm qua, vào mùa khô, mỗi ngày 2 bận sáng chiều, tôi kéo ống phun nước khắp vườn rau. Mỗi ngày, gia đình tôi cắt bán từ 5-10 kg rau má”, ông Từ Thành Công cho biết.
“So với những mô hình kinh tế khác, mô hình trồng rau má chi phí rất thấp nhưng lại cho thu nhập cao, không rủi ro. Đây thực sự là loại cây xoá đói giảm nghèo của nông dân xã An Xuyên nói riêng, nông dân TP Cà Mau nói chung”, ông Quách Thanh Nhã, Phó Chủ tịch UBND xã An Xuyên, TP Cà Mau, nhận định.
Related news
Xã An Hải (Ninh Phước) có tổng diện tích tự nhiên 2.098,2 ha, trong đó có trên 1.000 ha đất nông nghiệp nhưng có tới 50% là đất cát bạc màu. Nhưng chính trên mảnh đất khô cằn, nóng bỏng này thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho nguồn nước ngầm dồi dào, giúp nông dân canh tác quanh năm và hình thành vùng trồng rau an toàn (RAT) nổi tiếng tại tỉnh ta.
Vụ mùa 2013, huyện Lâm Bình kế hoạch gieo cấy 1.513 ha, trong đó có 986,4 ha lúa lai. Các xã có nhiều diện tích là Thượng Lâm 315 ha, Lăng Can 273 ha, Thổ Bình 214 ha…
Thuận Bắc là huyện miền núi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, do địa hình nhiều đồi núi nên loại đất thích hợp cho sản xuất nông nghiệp không nhiều. Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng khai thác lợi thế, phát huy hiệu quả điều kiện tự nhiên ở các xã có nhiều đồi núi, Thuận Bắc xác định phải hướng dẫn nông dân biết cách ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác nông nghiệp.