Làm Giàu Từ Mía
Là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, anh Phạm Văn Chương (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình nhờ trồng mía nguyên liệu mà còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.
Bám đất, bám rừng
Từng là cán bộ Phòng Kỹ thuật giống của Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa, anh Chương có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và ứng dụng các giống mía mới. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên năm 2003, anh Chương quyết định nghỉ việc ở Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa về làm kinh tế gia đình. Với những kinh nghiệm có được và nhờ sự chịu khó, anh Chương đã gây dựng kinh tế từ 2 ha đất của gia đình.
Mới đầu, anh đầu tư nuôi gà công nghiệp nhưng bị thua lỗ do dịch cúm gia cầm H5N1. Với chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương và Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa, anh Chương chuyển qua trồng mía nguyên liệu. Sau gần 10 năm chịu khó làm ăn, đến nay, anh đã có 22 ha đất trồng mía và 5 ha rừng trồng keo, bạch đàn, xà cừ. “Thời gian đầu, do thiếu vốn, thiếu phương tiện, máy móc, diện tích đất sản xuất nhỏ nên tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng tôi nghĩ, nếu chịu khó làm ăn thì đất cũng không phụ công người nên quyết tâm bám đất, bám rừng”, anh Chương chia sẻ.
Đưa chúng tôi đi thăm trang trại, anh Chương say sưa nói về những giống mía mới và không quên giới thiệu cánh đồng mía bao la hai bên đường là công sức gây dựng gần chục năm qua của anh. Mỗi năm, thu nhập từ việc trồng mía nguyên liệu, sản xuất mía giống và trồng rừng, anh Chương lãi ròng từ 500 đến 600 triệu đồng. Nhờ làm kinh tế hiệu quả, anh Chương mạnh dạn đầu tư phương tiện máy móc sản xuất như: xe tải, máy xúc, máy cày... có giá trị hàng trăm triệu đồng. Hàng năm, anh Chương còn trích lợi nhuận để mở rộng diện tích đất sản xuất, trung bình từ 2 đến 3 ha.
Tương trợ nhiều hộ dân
Nhận xét về mô hình kinh tế của anh Phạm Văn Chương, ông Phan Quốc Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Lộc cho biết: “Từ khó khăn đi lên nên anh Phạm Văn Chương không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ nhiều hộ nông dân tại địa phương. Ai có nhu cầu về vốn, giống mía hay cần giúp đỡ, anh đều sẵn lòng. Ngoài ra, anh còn tích cực đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ nông dân, hoạt động từ thiện”. Tại trang trại của anh Chương luôn có từ 20 đến 25 lao động thường xuyên; đặc biệt vào mùa cao điểm chăm sóc và thu hoạch mía, số lao động lên đến 35 người. Thu nhập trung bình của mỗi lao động hơn 3 triệu đồng/tháng.
Có kiến thức cơ bản về kỹ thuật, giống, lại được sự tin tưởng của lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa, anh Chương được chọn là hộ trồng thí điểm những giống mía mới. Anh đã chia sẻ những kinh nghiệm đó với các hộ trồng mía trong vùng nhằm áp dụng những tiến bộ kỹ thuật về giống, máy móc để nâng cao năng suất. “Trước đây, các hộ trồng mía chỉ đạt năng suất khoảng 40 - 45 tấn/ha.
Sau khi ứng dụng những giống mía mới và các loại máy móc hiện đại, hiện nay, năng suất trung bình của mỗi héc-ta mía đạt 60 tấn”, anh bày tỏ. Anh Chương cũng dành khoảng 2 ha để sản xuất mía giống, giúp các hộ nông dân chủ động về nguồn giống trong sản xuất. Ngoài ra, vào thời kỳ xuống giống và thu hoạch mía, anh còn tận dụng những phương tiện, máy móc sản xuất của gia đình như: xe tải, máy cày... để làm dịch vụ vận chuyển cho các hộ nông dân trong vùng.
Không chỉ là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Phạm Văn Chương còn được nhiều người dân quý mến vì sự đoàn kết, tương trợ các hộ nông dân khác. Nhìn cơ ngơi khang trang và hơn 20 ha mía đang vào mùa thu hoạch của anh Chương, nhiều người không khỏi thán phục vì sự quyết tâm và tính chịu thương, chịu khó của anh.
Related news
Chủ tịch UBND xã Lương An Trà (Tri Tôn, An Giang) Nguyễn Hoàng Vĩnh, cho biết thông tin trên. Theo ông Vĩnh, 2 vụ đông xuân và hè thu vừa qua, nông dân trong xã đã xuống giống 16.770 héc-ta và đều được thu hoạch dứt điểm bằng cơ giới, giảm chi phí khoảng 1 triệu đồng/héc-ta so với thu hoạch thủ công trước đây. Với năng suất bình quân 6,5 tấn/héc-ta, sản lượng lương thực toàn xã từ đầu năm đến nay đạt 97.285 tấn. Nông dân Lương An Trà hiện đang dọn đất chuẩn bị xuống giống vụ 3, dự kiến sẽ thực hiện trên 7 tiểu vùng, với diện tích 1.500 héc-ta.
Hải sâm là một loại hải sản có giá trị kinh tế cao, do đặc tính sống ở vùng nước nông, di chuyển chậm nên trong những năm qua, loài hải sản này đang bị khai thác với cường độ lớn và có nguy cơ cạn kiệt.
Không chỉ là nguồn thực phẩm tốt cho sức khoẻ con người và là bài thuốc quý mà rau ngót còn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.