Giá / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Từ Cây Mắc Ca

Làm Giàu Từ Cây Mắc Ca
Tác giả: 
Ngày đăng: 27/07/2011

Những năm gần đây, tỉnh Đắk Nông đã đưa vào chương trình giảm nghèo một số giống cây trồng mới khá triển vọng. Trong đó cây Mắc Ca (Macadamia integrifolia) với các ưu điểm dễ trồng, giá trị kinh tế cao, có khả năng thích nghi tốt với vùng đất Tây Nguyên, dễ đầu tư, phù hợp với khả năng của người nghèo… đã nhanh chóng trở thành loại cây gắn bó mật thiết với nông dân Đắk Nông.

Từ cây trồng công nghiệp mới này, nhiều hộ gia đình đã tạo được mô hình sản xuất thành công, vươn lên thoát nghèo.

Cây Mắc Ca là loại cây quả khô quý hiếm có nguồn gốc từ Ôxtrâylia. Nhân Mắc Ca là loại thực phẩm cao cấp có hàm lượng dầu tới 78%, trong dầu Mắc Ca có trên 87% là axit béo không no, trong đó có nhiều chất mà cơ thể con người không tự tổng hợp được. Đặc biệt nhân Mắc Ca chứa rất nhiều đường bột, chất khoáng cũng như loại vitamin khác. Sau khi chiên, nhân mắc-ca rất ngậy, bùi, có hương vị của bơ, vì thế được coi là loại thực phẩm cao cấp, bổ dưỡng, dùng để chế biến nhân bánh, sôcôla, nước uống, dầu salat; ngoài ra còn có thể làm dầu dưỡng da, dầu dược liệu... Chính vì những đặc tính trên nên người ta còn gọi Mắc Ca là “hoàng hậu của quả khô”. Ngoài ra vỏ cây Mắc Ca cũng có thể dùng để thuộc da và chế biến thức ăn chăn nuôi. Qua trồng khảo nghiệm cho thấy cây Mắc Ca ghép trồng đến năm thứ 12 - 15 năng suất đạt khoảng 3 tấn hạt/ha, nhân đạt khoảng 1 tấn/ha; đến thời kỳ định hình năng suất có thể đạt tới 5 tấn hạt/ha, nhân đạt 2 tấn/ha, tạo ra giá trị khoảng 20.000 USD/ha/năm, cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Hiện nay, cây Mắc Ca đang được phát triển nhanh trên phạm vi toàn cầu với sản lượng đạt khoảng 100.000 tấn/năm; dự báo trong thời gian tới nhu cầu về loại quả này có thể lên đến 400.000 tấn/năm. Ở Việt Nam, từ năm 1994, cây Mắc Ca được nhập về trồng thử nghiệm ở Ba Vì (Hà Nội), Đắk Lắk, Sơn La, Phú Thọ, Con Cuông (Nghệ An), Sơn La và Điện Biên… sau đó lan rộng sang nhiều địa phương khác trong cả nước.

Tại Đắk Nông, cây Mắc Ca bắt đầu được trồng thử nghiệm từ đầu năm 2006 trên cơ sở đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây Mắc Ca tại tỉnh Đắk Nông”. Thành công của đợt trồng thử nghiệm đã mang lại hy vọng cho nhiều nông dân nghèo trên địa bàn tỉnh, nhất là tại thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk Mil. Nhiều hộ gia đình đã bắt tay vào sáng tạo nên nhiều mô hình canh tác hiệu quả từ cây trồng mới này. Điển hình như mô hình trồng Mắc Ca xen trong vườn cà phê của gia đình ông Thu Cúc bước đầu cho thấy những hiệu quả tốt. Gia đình ông Cúc được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam hỗ trợ 170 cây Mắc Ca giống trồng xen trong vườn cà phê. Đến năm 2009, vườn Mắc Ca của gia đình ông đã thu hoạch được 800 kg hạt/170 cây/năm, đặc biệt có một số cây cho năng suất 30 kg hạt/năm.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông Nguyễn Đức Luyện, hiện hạt Mắc Ca thô trên thị trường thế giới có giá từ 1,5-2 USD/kg, giá trị thu được từ 4.500-6.000 USD/ha trở lên. So với cà phê hiện nay chỉ thu từ 3.500-4.000 USD/ha thì thu nhập từ cây Mắc Ca với năng suất trên 3 tấn hạt thô/ha cao hơn nhiều. Ông Luyện nhận xét :“Phát triển cây Mắc Ca không chỉ đem lại thu nhập cao cho nông dân Đắk Nông mà còn có ý nghĩa tránh rủi ro khi độc canh cà phê, tiêu đồng thời giúp đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu. Với đặc điểm chịu hạn tốt, Mắc Ca vẫn sinh trưởng trong điều kiện đất trồng thiếu nước, hết sức có lợi cho môi trường, có thể làm cây che bóng cho cà phê, hoặc trồng thành rừng nhưng vẫn cho thu nhập không nhỏ hằng năm”.

Trồng Mắc Ca đang mở ra cơ hội mới cho nông nghiệp Đắk Nông. Năm 2010, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh chủ trương tiến hàng xây dựng 11ha mô hình tại các huyện Đắk Rlấp, Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Mil. Với sự đầu tư mạnh cho mô hình cây trồng công nghiệp mới này, vững tin trong tương lai không xa, Mắc Ca sẽ trở thành loại cây có giá trị xuất khẩu cao.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Đắk Nông, việc đưa vào trồng đại trà loại cây này cũng cần có bước khảo sát, xem xét kỹ lưỡng điều kiện thời tiết, khí hậu từng vùng cụ thể, nếu không sẽ không đạt hiệu quả như mong đợi. Bên cạnh đó, để đưa loại cây trồng này vào sản xuất và trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cần quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.


Có thể bạn quan tâm

Người Nuôi Bò Có Lãi Ở Phú Yên Người Nuôi Bò Có Lãi Ở Phú Yên

Trong khi người nuôi heo và gia cầm lại gặp khó khăn thì người nuôi bò ở Phú Yên thu lãi lớn vì giá thịt bò đang ở mức cao, thị trường tiêu thụ rộng. Những hộ nuôi bò ở các địa phương đang đầu tư phát triển đàn.

27/07/2011
Chương trình kiên cố hóa kênh mương cần được ưu tiên cấp vốn Chương trình kiên cố hóa kênh mương cần được ưu tiên cấp vốn

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06/2013/NQ-HÐND ngày 26.7.2013 của HÐND tỉnh về chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương (KCHKM), kênh mương nội đồng (KMNÐ) giai đoạn 2013-2015, hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh ta từng bước được hoàn thiện, phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN) có hiệu quả hơn. Tuy nhiên so với yêu cầu, tiến độ thực hiện KCHKM vẫn còn chậm do vốn đầu tư thấp.

27/07/2011
Đẩy Mạnh Phát Triển Mô Hình Lúa - Cá Ở Yên Đồng (Ninh Bình) Đẩy Mạnh Phát Triển Mô Hình Lúa - Cá Ở Yên Đồng (Ninh Bình)

Những năm qua, nông dân xã Yên Đồng (Yên Mô - Ninh Bình) đã chuyển đổi từ chân ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá nhằm khai thác diện tích mặt nước trên ruộng, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, giảm bớt chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập.

27/07/2011