Làm Giàu Từ Cây Chuối Lùn
Nhờ dễ thích nghi với nhiều chân đất, ít tốn công chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao nên thời gian qua chuối lùn đã trở thành cây trồng chủ lực tại nhiều địa phương ở Quảng Nam. Thực tế cho thấy, từ hướng đi này, hàng nghìn hộ dân đã trả lại “sổ nghèo” và vươn lên làm giàu. Với gần 3.000 héc ta đất chuyên canh loại cây trồng này, Quảng Nam được xem là vựa chuối lùn lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện nay...
Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) có những vườn chuối lùn rộng rinh, trĩu buồng nằm dọc theo triền sông Vu Gia đầy ắp phù sa. Suốt thời gian dài chung thủy với cây bắp nhưng cuộc sống vẫn không thể khá lên được, cuối năm 2003 nông dân ở đây quyết định chuyển hướng đầu tư sang cây chuối lùn. Đến nay toàn xã đã có gần 200ha đất chuyên canh loại cây trồng này, nhiều nhất là tại thôn Phú Trung, Phú Mỹ, Phú Quý, Phú Đông...
Từ một hộ nghèo, nhờ có 3ha chuối lùn, chỉ trong vài năm, vợ chồng ông Bùi Bốn (thôn Phú Mỹ- Đại Hiệp) đã trở thành triệu phú ở vùng quê này. Theo ông Bốn, bình quân 1ha đất trồng được khoảng 1.400 gốc chuối, sau 8 tháng chăm sóc, trừ hao hụt do ngã đổ thì cũng thu được ít nhất 1.300 buồng. Bán tại vườn cho mấy chủ buôn lớn với giá “sàn” 60 nghìn đồng/buồng thì tổng thu trên 1ha là 78 triệu đồng. Trừ vốn đầu tư khoảng 10-13 triệu đồng thì 1ha chuối lùn cho lãi khoảng 65 triệu đồng, gấp 7 lần so với làm bắp trước đây. Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp, không riêng gì ông Bốn, ở nơi này còn hàng trăm hộ dân khác cũng giàu lên nhờ cây chuối lùn.
Ngoài Đại Hiệp, 6 năm trở lại đây, thấy hiệu quả kinh tế từ cây chuối lùn rất cao, nông dân nhiều địa phương trên địa bàn Đại Lộc đã tập trung mọi nguồn lực tài chính để phát triển mạnh loại cây trồng này. Ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, ít nhất 700ha đất lúa và vườn tạp đã được nông dân cải tạo lại để xây dựng hàng loạt mô hình trồng chuối lùn chuyên canh. Theo ông Khánh, số diện tích vừa nêu tập trung chủ yếu tại các xã Đại Hòa, Đại An, Đại Nghĩa, Đại Cường, Đại Quang, Đại Phong. Ông Khánh thông tin thêm, bình quân mỗi năm cây chuối lùn mang về cho nông dân Đại Lộc hơn 45 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Đức Tính cho rằng, những năm tới, chắc chắn diện tích canh tác loại cây ăn quả này sẽ tiếp tục tăng mạnh vì đầu ra của sản phẩm rất ổn định và quan trọng hơn là nó đem lại cho người dân nguồn thu nhập cao. Ông Tính khẳng định, trong tương lai gần, chuối lùn chuyên canh sẽ là hướng phát triển chủ lực của ngành trồng trọt địa phương.
Với lợi thế đất đai màu mỡ, chủ động nguồn nước tưới nhờ nằm ven con sông Thu Bồn, 7 năm gần đây, nông dân Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước đã biến vùng này thành vựa chuối lùn có quy mô lớn nhất Điện Bàn (ước khoảng 300ha). Theo ông Đỗ Như Hồng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, tại 3 xã vừa nêu, mỗi vụ 1ha chuối lùn cho tổng thu 80 - 85 triệu đồng, trong khi đó chi phí đầu tư chỉ chiếm chừng 10 - 15%. Có thể nói, thời gian qua, chính cây trồng này đã giúp cho cả nghìn hộ dân nơi đây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi đắt tiền và nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn.
Mặc dù điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi hơn so với Đại Lộc và Điện Bàn nhưng xem ra cây chuối lùn cũng đã “bén rễ” rất tốt trên đất huyện Đông Giang. Từ đầu năm 2007 đến nay, nông dân trên địa bàn huyện đã xây dựng được hàng trăm mô hình chuyên canh chuối lùn với tổng diện tích gần 150ha đất (chủ yếu là vườn đồi và nà thổ), trong đó xã Jơ Ngây, A Ting, Sông Kôn, thị trấn P'Rao... được xem là những vùng trọng điểm. Nhiều năm ròng, 5 sào đất màu của A Lăng Muôn (thôn Kèn, xã Jơ Ngây) quanh đi quẩn lại cũng chỉ biết trồng mè và đậu phụng. Thế nhưng, do năng suất quá thấp, hai loại cây này không thể giúp anh thoát khỏi cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng. Được cán bộ kỹ thuật của Phòng NN-PTNT huyện hướng dẫn cặn kẽ cách trồng và chăm sóc, tháng 2/2007, A Lăng Muôn đưa cây chuối lùn vào trồng trên toàn bộ số diện tích vừa nêu. Và, gần 3 năm qua, bình quân mỗi vụ vợ chồng anh thu về hơn 17 triệu đồng từ 5 sào chuối lùn ấy. Theo A Lăng Muôn, mức lãi ròng trên cao gấp 8 - 10 lần so với làm mè và đậu phụng.
Ba năm gần đây, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi cao Tây Giang cũng đã chọn chuối lùn làm cây trồng chính trên những khu đất vườn đồi, vườn rừng. Hiện nay toàn huyện đã có hơn 35ha đất chuyên canh loại cây này. Nhiều nông dân địa phương cho biết, trừ mọi chi phí đầu tư, mỗi vụ 1ha chuối lùn cho lãi ròng gần 55 triệu đồng - một con số mà nhiều người dân nơi miền sơn cước ấy chưa một lần dám nghĩ tới. Ông Trưởng phòng NN-PTNT Tây Giang thông tin, hiện nay nông dân trên địa bàn huyện đang tiếp tục khai hoang, cải tạo thêm ít nhất 100ha đất vườn tạp để mở rộng diện tích trồng chuối lùn nhằm phát triển mạnh kinh tế hộ, từng bước xóa bỏ đói nghèo...
Có lần khi về công tác tại huyện Đại Lộc, dạo qua nhiều vùng chuối lùn chuyên canh xanh tít tắp, ông Bùi Bá Bổng - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã cho rằng, đây sẽ là hướng “mở” để nông dân xứ Quảng nhanh chóng làm giàu. Theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, thời gian tới lãnh đạo các địa phương nên kết hợp nhiều nguồn vốn để hỗ trợ một phần kinh phí cho nông dân (nhất là những hộ nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số) nhằm giúp họ có điều kiện khai hoang vườn tạp, mua cây giống, phát triển mạnh mô hình này. Đi đôi với việc mở rộng diện tích thì nhất thiết phải lo chuyện đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng khủng hoảng thừa...
Related news
Sau hơn 15 năm triển khai sản xuất, mô hình lúa lai F1 đang có dấu hiệu chững lại. Lãnh đạo nhiều huyện, xã, đặc biệt các chủ nhiệm HTX không còn mặn mà với mô hình một thời là vấn đề thời sự trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vậy nguyên nhân vì sao?
Vụ 1 năm nay, toàn huyện Núi Thành thả nuôi tôm trên diện tích 600ha (bằng 60% kế hoạch). Mặc dù các hộ thả nuôi tôm đúng lịch thời vụ nhưng do nguồn nước, con giống chưa đảm bảo nên đã có 29ha bị dịch bệnh.
So với các tỉnh ĐBSCL, Bến Tre có tổng đàn heo trên 500 ngàn con, với phẩm cấp giống khá tốt. Tuy nhiên, đa số sản xuất dưới hình thức nông hộ, quy mô còn nhỏ lẻ và mức độ đầu tư về cơ sở vật chất chưa cao, chưa có qui hoạch khu chăn nuôi riêng. Vì vậy, việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh cho vật nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng luôn là vấn đề bức thiết. Trong đó, giải pháp an toàn sinh học luôn được chú trọng.