Làm giàu ở nông thôn: Nuôi cá chạch “1 vốn 4 lời”
Sau khi đã thành công và chinh phục mọi người về tài mạo hiểm nuôi rắn hổ mang và rắn ráo trâu anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Lương Câu, xã Tân Viên, huyện An Lão (Hải Phòng) tiếp tục khẳng định tài chăn nuôi của mình với mô hình nuôi con cá chạch với quy mô lớn, thu về hàng trăm triệu mỗi năm.
Anh Nguyễn Văn Thắng tuyển chọn cá chạch bố mẹ to khỏe để nhân giống.
Đam mê nuôi con đặc sản
Những con vật được xếp vào hàng khó nuôi thì anh Thắng lại rất thích tìm tòi chúng để mang về gia đình thuần thục, nuôi nấng. Thời gian đầu anh nuôi trăn, kỳ đà, ếch, ba ba…Do thiếu kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật, có lúc anh thua lỗ đến 1 tỷ đồng. Nợ nần buộc anh Thắng phải lăn lộn đi làm thuê, đi buôn để trả nợ và tích góp tiền bạc tiếp tục thực hiện ước mơ nuôi con đặc sản. Thời gian rảnh, anh tìm hiểu thông tin, kiến thức qua sách báo, tham quan các mô hình nuôi con đặc sản ở các địa phương khác nhau để có thêm kinh nghiệm.
Năm 2015, sau chuyến tham gia thăm quan mô hình nuôi cá chạch ở Nam Định và Thanh Hóa do Hội nông dân xã tổ chức, anh Thắng nhận thấy con cá chạch khá phù hợp với đồng đất quê mình nên quyết định mở rộng quy mô nuôi con đặc sản này. Anh cải tạo 4000m2 ao của gia đình rồi mua con giống về nuôi thử.
Giống cá chạch anh Thắng chọn nuôi là cá chạch sụn có nguồn gốc từ Đài Loan mới được đưa về Việt Nam nhân giống từ vài năm nay. Loài chạch này có đặc ưu điểm là trọng lượng lớn hơn các loại cá chạch thông thường, thịt thơm ngon hơn được thị trường hiện nay rất ưa chuộng. Lúc đầu anh Thắng nuôi cá chạch thương phẩm, 4 tháng sau thu lứa chạch đầu tiên. Tuy tiền con giống đắt nhưng so với nuôi cá truyền thống thì chạch cho lãi gấp 4 - 5 lần. (với giá bán giao động từ 100 -120 nghìn/kg). Sau thấy nhu cầu thị trường con giống lớn anh chuyển sang nhân giống chạch để cung cấp cho gia đình và anh em, bạn bè có nhu cầu.
Theo kinh nghiệm của anh Thắng thì cá chạch nuôi được quanh năm và phù hợp nhất là mùa thu và mùa đông. Tuy nhiên, nuôi cá chạch phải chọn ao nuôi thông thoáng, nguồn nước dồi dào, việc cấp thoát nước thuận lợi. Trước khi nuôi phải tiến hành tát cạn, rắc vôi bột khử trùng, phơi nắng ao từ 3-5 ngày sau đó mới cho cấp nước sạch vào ao gây màu nước. Trong quá trình nuôi phải chú ý thay nước định kỳ, không để nước bị ô nhiễm, có như vậy cá chạch mới mau lớn và kháng bệnh tốt.
Luôn chủ động về con giống
Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, anh Thắng quyết định tập trung vào việc nhân giống cá chạch để chủ động con giống của gia đình, An bắt tay vào tìm đọc tất cả các tài liệu về cách nuôi, ươm cá chạch hiệu quả qua các nguồn như: internet, ti vi, sách báo, tham quan mô hình thực tế.
Để thuận lợi cho việc nuôi, gây giống cá anh đã tiến hành xây 2 bể là bể ươm và bể thức ăn. Tuyển chọn những lứa chạch thương phẩm các con tốt nhất để gây giống. Những con chạch bố mẹ phải đạt từ 100g trở lên, mình vàng, được kiểm tra trứng nếu xét thấy trứng già thì cho đẻ vào thùng xốp, tiếp tục chuyển sang bể để ấp. Sau 2 ngày trứng nở sẽ chuyển sang bể riêng biệt nuôi gột, sau 10 – 20 ngày thì cho xuống ao nuôi.
Cá chạch được anh Thắng vớt lên bể để bán cho thương lái
Theo anh Thắng, lúc mới nở cá chạch con chủ yếu ăn động vật phù du, ấu trùng cỏ, ấu trùng chỉ, chúng được bán sẵn hoặc người nuôi tự tạo. Đến giai đoạn trưởng thành thức ăn của chúng chủ yếu là tảo, thân lá cây, cỏ non… khi lớn mang nuôi thương phẩm sẽ cho thức ăn công nghiệp dạng viên nổi.Cho cá ăn 1-2 bữa/ ngày, cứ 10-15 ngày cho ăn một lần các chất điện giải, vi sinh để tăng sức đề kháng cho chạch.
Hiện nay, bên cạnh nguồn thu từ nuôi hàng nghìn con rắn các loại thì hàng năm anh Thắng cung cấp cho thị trường từ 5- 6 tấn cá chạch thương phẩm, nhân được khoảng 100 triệu con giống với giá bán 2,5 triệu đồng/vạn, trừ mọi chi phí còn lãi từ 250 -300 triệu/ năm.
Sản phẩm cá chạch thương phẩm, cá chạch giống của gia đình anh Thắng nuôi đến đâu tiêu thụ hết tới đó. Anh Nguyễn Văn Thắng còn trực tiếp cung cấp giống và hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều bạn bè của mình phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Trao đổi với chúng tôi, anh Đặng Văn Tuyền, phó chủ tịch xã Tân Viên cho biết : “Trang trại nuôi con đặc sản của anh Thắng là mô hình điển hình tại địa phương. Anh Thắng đã tự tìm giống, tự tìm kỹ thuật, tự tìm đầu ra sản phẩm. Kết quả thu nhập khá cao so với cấy lúa hay nuôi trồng những vật nuôi thông thường”.
Có thể bạn quan tâm
Các chính sách hạn chế khai thác cá ngừ được áp dụng, dự báo thị trường cá ngừ ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản sẽ tiếp tục “nóng” vào cuối năm 2017 và các năm tiếp theo
Nuôi lồng bè bằng ống nhựa HDPE (công nghệ Na Uy) là công nghệ mới ở Việt Nam, hệ thống lồng rất bền, chịu được sóng gió, di chuyển dễ dàng
Cá tra là đối tượng nuôi nước ngọt phổ biến ở vùng ĐBSCL, đồng thời là sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam sau con tôm.