Giá / Tin thủy sản

Nuôi cá lồng công nghiệp bằng công nghệ Na Uy

Nuôi cá lồng công nghiệp bằng công nghệ Na Uy
Tác giả: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I
Ngày đăng: 16/10/2017

Nuôi lồng bè bằng ống nhựa HDPE (công nghệ Na Uy) là công nghệ mới ở Việt Nam, hệ thống lồng rất bền, chịu được sóng gió, di chuyển dễ dàng, có thể nuôi với thể tích lớn và thuận tiện kiểm tra, thu hoạch cá.

Giai đoạn cá lớn cho ăn 2 lần/ngày   Ảnh: CTV

Lồng bè

Khác với nuôi biển quy mô nhỏ bằng lồng gỗ, ở nuôi lồng bè theo công nghệ Na Uy, hệ thống lồng tròn được sản xuất bằng chất liệu nhựa chịu lực HDPE có thể tích mỗi lồng nuôi 1.200 - 2.400 m3, kết nối với nhau và với neo giàn, mỗi neo nặng 3 - 4 tấn, chịu được bão gió cấp 12. Hệ thống cho phép nuôi ở những vùng biển xa bờ nơi môi trường nước trong sạch, do đó có thể hạn chế nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh; kiểm soát được chất lượng ATTP; tránh xung đột với các lợi ích khác như giao thông vận tải thủy, du lịch ở những vùng vịnh kín sóng gió (Nguyễn Quang Huy, 2016).

Vị trí  đặt  lồng  nuôi  cho  phép  lưu  tốc  dòng  chảy <1 m/s, độ sâu khoảng 15 - 30 m, độ mặn 20 - 30‰ (phù hợp với hầu hết các loài cá biển nuôi hiện nay). Nhiệt độ phù hợp nhất trong khoảng 24 - 290C; Độ đục thông thường 60 - 80 cm, trong điều kiện mưa, có phù sa thì độ đục tối thiểu 20 cm (đo bằng đĩa secchi từ bề mặt nước); Nền đáy cát bùn, cát sỏi. 

Chọn cá giống

Quan sát tại chỗ: Cá phải khỏe mạnh, đồng đều về kích cỡ, không bị xây xát, dị hình, 2 mắt sáng, hoạt động nhanh, sống tụ đàn.

Kiểm tra hồ sơ (rất cần nếu có thể): Cá bố mẹ, nhật ký quá trình ương nuôi, bệnh và biện pháp đã xử lý, kháng sinh đã sử dụng...

Kiểm tra mầm bệnh: Lấy mẫu đi kiểm tra hoặc xem xét hồ sơ kiểm nghiệm của trại giống, cá giống đảm bảo không mang các mầm bệnh, không lở loét.

 Thả cá giống

Cá giống mới vận chuyển đến trước khi thả vào lồng nuôi cần tiến hành tắm nước ngọt hoặc Formalin nồng độ 37% pha loãng 10 - 15 ml/100 lít nước, tắm trong 20 - 40 phút để loại bỏ các loài sinh vật ngoại ký sinh trên cá.

Thường thả cá vào lúc mát trời, chênh lệch nhiệt độ không khí với nhiệt độ nước thấp, tốt nhất là trước 8 - 9 giờ sáng hoặc sau 6 - 7 giờ chiều.

Mật độ thả, tùy thuộc vào các loài, kích thước cá giống lúc thả và cỡ cá thương phẩm sẽ có mật độ thả giống khác nhau.

Ở giai đoạn giống nhỏ, cá được phân cỡ và san thưa 2 tuần/lần nhằm tạo sự đồng đều về kích thước cá và mật độ nuôi phù hợp theo từng giai đoạn. Năng suất cá tại thời điểm thu hoạch 5 - 7 kg/m3 lồng là cơ sở để duy trì mật độ trong quá trình nuôi.

Cho ăn

Hiện nay, sử dụng cá tạp làm thức ăn nuôi cá biển vẫn đang phổ biến, nhất là trong nuôi truyền thống. Việc sử dụng cá tạp cho cá ăn sẽ dễ gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, khó kiểm soát nguồn thức ăn, không chủ động số lượng và chất lượng. Sử dụng thức ăn công nghiệp có thành phần dinh dưỡng bổ sung đáp ứng nhu cầu của từng loài cá nuôi và có nhiều ưu điểm hơn.

Giai đoạn cá giống, thường cho ăn 3 - 5 lần/ngày. Giai đoạn nuôi lớn, cho ăn 2 lần/ngày: sáng sớm (7 - 8 giờ) và chiều muộn (6 - 8 giờ). Lượng thức ăn dao động 3 - 5% tổng khối lượng đàn cá trong lồng nuôi, kết hợp quan sát tình trạng của cá để cho ăn với lượng vừa đủ theo nhu cầu. 

Cá được cho ăn hàng ngày bằng máy cho ăn tự động (nhất là trong giai đoạn giống). Nguyên tắc cho ăn, thức ăn phải phân bố đều để cá có thể bắt được mồi dễ dàng, cho ăn đủ lượng, không để dư thừa…  Theo dõi tình trạng sức khỏe 

Hàng ngày quan sát cá bơi lội và khả năng bắt mồi, lượng thức ăn sử dụng. Nếu thấy biểu hiện khác thường như cá bơi lội kém linh hoạt, đổi màu, cá ăn kém hoặc bỏ ăn thì giảm lượng thức ăn hoặc không cho cá ăn, sau đó tiến hành kiểm tra bệnh, môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời. Định kỳ lặn kiểm tra đáy lồng, cá chết hay yếu thường chìm ở đáy. Kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá về khối lượng và kích thước để điều chỉnh chế độ chăm sóc và tính khẩu phần thức ăn cho cá phù hợp dựa trên tổng khối lượng cá trong lồng. Qua đó đánh giá chất lượng, thành phần thức ăn.

Kiểm tra, bảo dưỡng và vệ sinh lồng

Hàng tuần kiểm tra toàn bộ lồng gồm cấu trúc khung lồng, lưới, hệ thống dây phao, dây neo, neo… để phát hiện kịp thời các sự cố có thể xảy ra và có biện pháp khắc phục kịp thời. Vệ sinh lồng sẽ tăng cường lưu thông nước giữa môi trường trong lồng và ngoài vùng nuôi, bổ sung hàm lượng ôxy, tạo môi trường tốt cho cá sinh trưởng. Ngoài ra, việc vệ sinh, gia cố các thiết bị, phụ kiện lồng làm cho lồng nhẹ, giảm bớt áp lực lên hệ thống dây, phao và neo lồng, bảo đảm an toàn cho lồng. Định kỳ 3 - 4 tuần/lần (tùy điều kiện cụ thể) thay lưới mới vừa đảm bảo an toàn vừa tạo sự lưu thông nước giữa môi trường trong và ngoài lồng nuôi.  Thu hoạch Tùy theo loài cá nuôi và thị trường tiêu thụ để quyết định cỡ thương phẩm thu hoạch phù hợp. 


Có thể bạn quan tâm

Trà Vinh: Nhân rộng mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh Trà Vinh: Nhân rộng mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh

Nuôi tôm sú bán thâm canh đảm bảo an toàn thực phẩm với quy mô 5 ha/5 hộ, mật độ thả nuôi 15con/m2, sử dụng men vi sinh, hạn chế sử dụng hóa chất và kháng sinh.

16/10/2017
Tạo sức bật cho nuôi biển từ giống Tạo sức bật cho nuôi biển từ giống

Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành một cường quốc về nuôi biển, song hiện nay việc phát triển vẫn mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu và tự phát là chính.

16/10/2017
Bứt phá xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ Bứt phá xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ

Các chính sách hạn chế khai thác cá ngừ được áp dụng, dự báo thị trường cá ngừ ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản sẽ tiếp tục “nóng” vào cuối năm 2017 và các năm tiếp theo

16/10/2017