Prices / Tin nông nghiệp

Lâm Đồng: Người tâm huyết với cây dâu tây công nghệ cao

Lâm Đồng: Người tâm huyết với cây dâu tây công nghệ cao
Author: Bùi Hằng
Publish date: Saturday. March 18th, 2017

Bà Võ Thị Hồng ở số nhà 92/1 đường Hùng Vương, phường 11, thành phố Đà Lạt là người gốc ở TP. Hồ Chí Minh. Năm 1993, gia đình bà đến sinh sống ở TP. Đà Lạt - Lâm Đồng. Lúc đầu bà là người không am hiểu gì về nông nghiệp nhưng rất yêu và tâm huyết với nông nghiệp nên khi đến định cư ở đây, bà đã nghiên cứu, tìm hiểu và chọn cây dâu tây để phát triển kinh tế của gia đình. Bà bắt đầu trồng cây dâu tây từ năm 1997.

Trong ảnh: Bà Hồng chăm sóc vườn dâu tây

Ban đầu với diện tích 30m2 bà Hồng trồng thử nghiệm một vài luống dâu tây giống Niu-ze-lân ngoài trời. Cây dâu cho quả rất ít vào mùa nắng, vào mùa mưa có khi không có quả do bị nấm bệnh, bọ trĩ và nhện đỏ phá hoại. Bà Hồng đã nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng dâu tây của một số hộ trồng dâu tây tại Đà Lạt. Sau đó, bà chuyển hướng trồng trong nhà kính với diện tích 200m2, trồng dưới đất dùng màng phủ nông nghiệp để trồng, xúc giò cao khoảng 30 cm. Cây dâu tỏ ra khá thích nghi với điều kiện khí hậu, cách chăm sóc trong nhà kính, cho quả nhiều hơn, sâu bệnh ít hơn.

Sau nhiều lần thất bại, bà đã rút ra kinh nghiệm muốn cây dâu phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất ổn định cần phải chọn cây giống sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, quy cách trồng cũng như kỹ thuật chăm sóc, quản lý chế độ dinh dưỡng, sâu bệnh hại trên cây dâu tây phải nắm thật kỹ, am hiểu đặc tính của cây dâu tây.

Đến năm 2013, xuất phát từ nhu cầu của thị trường yêu cầu sản phẩm quả dâu tây phải sạch, chất lượng, đảm bảo an toàn, với 300 m2 vườn hiện có bà đã quyết định trồng dâu tây trên giá thể nhằm hạn chế sâu bệnh hại. Cách thiết kế hệ thống máng trồng cây dâu tây của bà Hồng rất khác với các vườn dâu tây trồng trên giá thể khác. Hệ thống máng trồng được thiết kế bằng màng phủ nông nghiệp, máng rộng 40 cm, sâu 25cm, khung đỡ bằng sắt. Mỗi khung có 3 máng được thiết kế so le, mỗi máng trồng hai hàng dâu trên giá thể xơ dừa đã được xử lý.

Chỉ với 300 m2, bà trồng 4.000 cây, cao hơn so với cách trồng truyền thống (1.250 cây). Tuy trồng với mật độ dày nhưng do thiết kế máng so le nên vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ ánh sáng cho cây sinh trưởng và phát triển. Nước và dinh dưỡng (phân, thuốc) đều được cung cấp qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Bên dưới nền nhà và xung quanh nhà kính luôn được vệ sinh sạch sẽ nhằm hạn chế sâu bệnh hại.

Thăm vườn dâu tây của gia đình bà Hồng, điều khiến chúng tôi thấy ngạc nhiên là tuổi thọ của cây. Cây đã được 4 năm tuổi, hình dáng cây như “cây bonsai” có gốc dài khoảng 20 cm nhưng quả rất nhiều, to, đẹp. Năng suất thu hoạch của vườn ổn định. Cứ 150 m2 thu được 20-25 kg quả tươi/1 tuần. Bình quân 1 tháng thu được từ 80-100 kg/tháng với giá bán ổn định 300.000 đồng/kg. Vườn rất sạch sẽ, cây dâu có màu xanh, tốt vừa phải, lá không bị bẩn, không có thuốc bám dính trên màng phủ nông nghiệp nên quả dâu tây luôn được người tiêu dùng đánh giá là ngon, ngọt, giòn, đỏ và có mùi thơm đặc trưng.

Khi được hỏi về cách chăm sóc để cây dâu tây cho năng suất cao, ổn định, ít sâu bệnh bà Hồng chia sẻ: “Mỗi đợt thu hoạch hết quả tiến hành dọn hết buồng trái, lá. Dùng thuốc Phyto Clean (diệt khuẩn, nấm mốc dùng trong y tế) để phòng bệnh nấm mốc. Sau đó cách 02 ngày dùng thuốc bảo vệ thực vật để khi cây bắt đầu ra buồng trái, ra hoa mới không bị nhện đỏ và bọ trĩ cắn phá làm cho quả dâu bị thối nhũn, dị dạng quả, gây thụt đầu quả…”.

Đặc biệt, bà Hồng xử lý giá thể rất kỹ, luôn chuẩn bị trước khi trồng, nên giá thể để trồng mới và bổ sung cho vườn dâu tây lúc nào cũng có sẵn.

Bà chia sẻ với bạn đọc cách ủ giá thể xơ dừa như sau: “Ủ 1 tấn xơ dừa (đã qua xử lý chất chát) + 300 kg phân bò + 100 kg phân hữu cơ + 01 bao phân lân + 02 kg men Trichoderma. Tất cả trộn đều ủ trong thời gian là 10 ngày. Sau đó, dùng hỗn hợp gồm: 01 viên Nano + 01 lít sữa bò tươi + 2 kg đường mật mía + 1 lít nước (trộn đều ủ từ 3 đến 4 ngày) pha vào thùng phuy 200 lít nước rồi tưới đều lên toàn bộ nguyên liệu đã ủ. Kiểm tra thấy nguyên liệu đủ ẩm, nắm chặt tay thấy nước không rỉ ra tay là đạt yêu cầu và tiếp tục ủ ít nhất 1,5 tháng rồi mới sử dụng”.

Trong quá trình sản xuất, bà Hồng luôn sử dụng giống nuôi cấy mô khỏe, sạch bệnh để trồng sẽ đạt độ đồng đều cao, quản lý tốt chế độ dinh dưỡng để cây dâu tây sinh trưởng tốt có sức chống chịu và cho năng suất cao. Bà luôn dùng những loại phân bón có chất lượng cao, được nhập khẩu chuyên sử dụng trên cây dâu tây như phân bón Haifa Cal GG - một loại phân phức hợp Calcium Nitrate. Hàng tuần dùng các loại phân sau để tưới nhỏ giọt cho cây như: ngâm 0,5kg NPK 19-19-19 pha vào 1.000 ml nước tưới cho 300m2 (phân nền), sau 03 ngày bổ sung 0,5 kg Kali Sunphat (để tạo mùi thơm và màu đỏ), tiếp sau đó 03 ngày dùng 0,5kg NPK 19-19-19, sau 03 ngày tiếp dùng 0,6 kg canxi. Trong giai đoạn nuôi quả nên dùng thêm 0,5 kg NPK 15-15-30 để tưới cho cây giúp cho quả có màu đỏ đặc trưng, to và đẹp. Ngoài ra, bà còn dùng Fetrilon Combi, gói 25 gram pha 200 lít nước để tạo cho trái thẳng dài, lá xanh, rất đẹp, 10 ngày sử dụng 1 lần phun qua lá. Đây là một loại phân vi lượng phun qua lá, là thành phần không thể thiếu cho cây dâu tây.

Bên cạnh đó, bà thường xuyên kiểm tra, theo dõi sinh trưởng phát triển của cây, sâu bệnh hại, diễn biến thời tiết để có biện pháp xử lý kịp thời. Bà Hồng cho biết: “Sau mỗi lần trị bệnh cũng như những thời tiết thay đổi đột ngột gây sốc cho cây dâu tây, bà đã dùng viên C sủi (dùng trong tây y) để tăng sức đề kháng cho cây, dùng 2 viên pha 25 lít nước phun đều qua lá. Và cần lưu ý khi sử dụng phân, thuốc nên dùng sáng sớm tốt hơn, còn thuốc trị nấm dùng buổi chiều mát”.

Hiện tại, bà Hồng đang san phẳng mặt bằng, dựng thêm nhà kính để mở rộng diện tích canh tác dâu tây thêm 1.000m2. Ngoài việc cung cấp sản phẩm cho thị trường, đây còn là điểm cho du khách tham quan trải nghiệm vườn trồng dâu tây theo mô hình công nghệ cao.

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng


Related news

Nông dân Quảng Ninh làm giàu nhờ mô hình trồng chanh đào Nông dân Quảng Ninh làm giàu nhờ mô hình trồng chanh đào

Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định từ việc bán chanh đào tươi, người dân vùng Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh còn có thể tự làm siro chanh đào để đặc trị bệnh

Saturday. March 18th, 2017
Bí quyết gì giúp anh nông dân một mình “cày” gấp 10 người thường? Bí quyết gì giúp anh nông dân một mình “cày” gấp 10 người thường?

Từ việc phải mất 10 nhân công lao động để trồng 1 ha khoai tây như trước, với chiếc máy trồng khoai “4 trong 1”, anh nông dân Trịnh Tý Văn giờ chỉ cần 1 mình

Saturday. March 18th, 2017
Thức ăn ủ chua cho gia súc góp phần nâng cao năng suất và giảm phát thải khí nhà kính Thức ăn ủ chua cho gia súc góp phần nâng cao năng suất và giảm phát thải khí nhà kính

Thức ăn thô xanh luôn có tầm quan trọng đặc biệt và không thể thay thế đối với gia súc ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu, thỏ, hươu, nai…

Saturday. March 18th, 2017