Lâm Đồng cung cấp 120 tấn hạt mắc ca mỗi năm
Ẩn chứa bên trong lớp vỏ cứng của mắc ca là phần nhân béo ngậy, thơm ngon, giàu vitamin và khoáng chất, có nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người.
Mắc ca vốn là một loại cây hoang dã được thuần chủng, trồng phổ biến ở Australia, Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Phi, Nam Mỹ. Tại Việt Nam, mắc ca là cây trồng mới, thuộc thân gỗ, nhóm quả hạch, hạt có vỏ cứng, thân cây có thể cao đến 12m. Khi trồng trên nền thổ nhưỡng có nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa phù hợp, tỷ lệ sống của cây khá cao, tuy nhiên, nếu nhiệt độ quá nóng (khoảng trên 35 độ C) thì cây dễ bị rụng quả. Đáp ứng những điều kiện này, vùng cao nguyên Lâm Đồng là địa bàn thích hợp để bà con phát triển mắc ca.
Mắc ca thích nghi tốt với vùng đất Lâm Đồng. Ảnh: Bizmedia.
Cây mắc ca tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng được trồng khoảng chục năm trở lại đây, xen canh với cà phê trong các khu vườn. Mô hình này giúp cây vừa tận dụng được nguồn nước tưới từ cà phê, vừa tạo bóng mát bởi cà phê ưa bóng, tán xạ. Hơn nữa, mùa thu hoạch quả mắc ca lại trái vụ so với cà phê nên tạo thuận lợi hơn cho các nhà vườn.
Nếu trồng mắc ca giống ghép, sau khoảng 3 năm, cây bắt đầu ra hoa kết trái. Thông thường, cây ra hoa vào khoảng tháng 2, tháng 3 hàng năm và khoảng 8 tháng sau thì có thể cho thu hoạch trái. Cây càng lâu năm cho sản lượng càng cao.
Quả mắc ca khi già sẽ tự rụng. Đây cũng là thời điểm thu hoạch của người dân. Những quả già thường có sẵn đường nứt ngoài vỏ. Sau khi thu nhặt, người dân bóc phần vỏ xanh bên ngoài rồi đem phơi gió trong khoảng 3 tháng dưới mái che, không có ánh nắng để đảm bảo dưỡng chất và hương vị. Hạt khô đạt tiêu chuẩn sẽ được đem đi làm mứt và đóng gói.
Hạt mắc ca sau khi tách vỏ ngoài. Ảnh: Bizmedia.
Vỏ quả mắc ca giống như một lớp gỗ bảo vệ bên ngoài nên tồn dư của các loại thuốc hóa học, phân bón khó thẩm thấu vào trong hạt. Do đó, đây là một trong những loại hạt sạch, an toàn, giàu dưỡng chất.
Hạt mắc ca có kích cỡ khoảng 2 đến 3cm, hình tròn. Nhân hạt giòn, mùi thơm và có vị ngọt thanh, béo, ngậy. Hạt chứa trên 25 loại vitamin, chất xơ và khoáng chất có lợi cho sức khỏe; giúp giảm cholesterol, chống oxy hóa, hỗ trợ tim mạch, tăng cường sức khỏe não bộ.
Hiện nay, với diện tích canh tác khoảng 300 ha, cho sản lượng mỗi năm đạt khoảng 120 tấn hạt, sản vật mắc ca của vùng cao nguyên Lâm Đồng được tiêu thụ tại nhiều nơi như Đà Lạt, Hà Nội, TP HCM.
Related news
Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) vừa ký quyết định công nhận cho SX thử đối với giống lúa lai 3 dòng VS100
Một thành công rất quan trọng của bà Ten khi nuôi gà thảo mộc là bà đã tự sản xuất được thảo mộc thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào thảo mộc nhập khẩu
Trái cây có dán mã 5 chữ số, bắt đầu với số 8 (84011) là các sản phẩm biến đổi gen (GMO) còn khởi đầu là số 9 được trồng theo phương pháp hữu cơ...