Lãi Lớn Từ Trồng Mía Tím Ở Thanh Hóa
Với đầu ra ổn định, trung bình mỗi sào thu về từ 8 – 10 triệu đồng/năm, cây mía tím đã và đang trở thành cây trồng chủ lực ở một số huyện miền tây Thanh Hóa như huyện Bá Thước, Quan Hóa...
Lãi gấp đôi trồng lúa?
Bá Thước có địa hình chủ yếu là đồi núi, do đó những năm trước đây huyện chủ yếu nhắm vào phát triển lâm nghiệp, trồng luồng là chính. Song do thiếu nước, nên nhiều diện tích đất nông nghiệp chỉ cấy được một vụ lúa, còn một vụ trồng ngô hoặc thì bỏ không. Khoảng 10 năm trở lại đây, cây mía tím với khả năng chịu hạn đã được huyện Bá Thước đưa về trồng để thay thế các cây trồng truyền thống và đã nhanh chóng cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Vũ Đình Hảo – Trưởng phòng NNPTNT huyện Bá Thước cho biết: Mía tím đã được trồng ở đây từ nhiều năm nay nhưng gần đây mới thực sự trở thành cây hàng hóa. Mía tím rất hợp với đất ở Bá Thước, mía rất ngọt, cây to, dài và màu đẹp, nên được thương lái rất ưa chuộng. Nếu so với lúa, cây mía tím ít nhất lãi gấp 2 – 3 lần lúa”.
Hiện Bá Thước có hơn 400 ha mía tím, tập trung ở các xã như Điền Trung, Điền Lư, Điền Giang… Theo người dân trồng mía ở đây, trồng mía rất đơn giản, chỉ vất vả thời gian đầu khi mía nảy mầm và bắt đầu có ống, khi mía đã lên cao chừng nửa tháng mới phải bóc bẹ lá một lần.
Anh Nguyễn Văn Hòa, thôn Xịa, xã Điền Trung có gần 6 sào mía chia sẻ: “Chăm sóc mía lúc nảy mầm rất quan trọng, nó quyết định khoảng 50% sản lượng của vườn mía sau này. Vì vậy, bà con phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho mía trung bình 3 – 4 lần/ngày. Mía không đòi hỏi nhiều nước, nhưng khi cây mía còn non thì nước rất quan trọng”.
Không lo đầu ra
Cây mía tím thường thu hoạch vào khoảng từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 âm lịch năm sau. Mía chủ yếu được thương lái mua, rồi đưa đi tiêu thụ ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương… bán cho khách hàng ăn trực tiếp là chính.
Theo anh Hòa, vụ mía năm 2011, mỗi cây mía tím bán được từ 5.000 – 7.000 đồng tại vườn. Năm nay, giá mía có thể lên đến 8.000 – 9.000 đồng/cây. Trước khi thu hoạch khoảng 2 tháng, hầu hết các thương lái đều đã đặt cọc để giữ mía. “Với lượng mía hiện nay không thể đủ cung cấp cho thị trường, nên đầu ra không đáng lo. Nhưng nếu bán được đầu vụ, hoặc cuối vụ thì giá mía sẽ cao hơn. Năm ngoái với 6 sào mía, trừ chi phí, tôi lãi hơn 50 triệu đồng” – anh Hòa cho biết.
Chị Lê Thị Ngân - một thương lái nhiều năm chuyên thu gom mía tại đây để đưa đi tiêu thụ ở Hà Nội, Hải Phòng cho biết: “Vào vụ mía, trung bình 1 ngày có thể xuất được 2 xe, mỗi xe khoảng 15 tấn mía. Thông thường, tôi chỉ đổ cho các mối hàng lớn, rồi từ đó mía được bán lại cho các chủ nhỏ để phân phối đến người tiêu dùng”.
Khi được hỏi về thị trường mía tím năm nay, chị Ngân dự đoán: “Mối hàng ngày càng nhiều, nhưng năm nay lượng mía ít hơn, có thể tôi phải sang các huyện lân cận để đặt hàng. Mía được xem như loại “thực phẩm sạch”, nên được rất nhiều người lựa chọn, có thể năm nay sẽ khan hàng và giá mía sẽ nhỉnh hơn”.
Ông Vũ Đình Hảo cho biết: “Về đầu ra, bây giờ chủ yếu người dân vẫn phải tự lo, nhưng trong vài năm gần đây, chưa năm nào ế mía. Dự kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích mía tím ra những vùng trồng lúa 1 vụ, hoặc vùng trồng hạn hán trồng lúa không hiệu quả. Không chỉ có đầu ra ổn định, mà cây mía còn có giá trị rất cao”.
“Về đầu ra, bây giờ chủ yếu người dân vẫn phải tự lo, nhưng trong vài năm gần đây, chưa năm nào ế mía” - Ông Vũ Đình Hảo.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 09/10/2013, Phòng Nông nghiệp huyện Càng Long (Trà Vinh) kết hợp với xã Nhị Long Phú tổ chức Hội thảo Mô hình thí điểm trồng khổ qua theo hướng an toàn sinh học mang lại hiệu quả năng suất cao của anh nông dân Châu Văn Hòa, cư ngụ ấp Hiệp Phú xã Nhị Long Phú. Có 30 bà con nông dân địa phương đến tham dự.
Nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Hội Phụ nữ huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đã triển khai mô hình trồng gấc cho các hội viên mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong đó, gần 2 ha mặt nước được dùng để nuôi cá, còn lại diện tích trên bờ trồng cây ăn quả như: vải, nhãn... Đầu năm 2009, nhận thấy những cây trồng nêu trên không còn cho giá trị kinh tế cao như trước, bác Thanh đã phá bỏ và chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ giống Đài Loan (nhập ở Quảng Ninh).