Lại Gây Hại Cho Người Nông Dân
Như báo Gia Lai đã phản ánh, có 70 ha bắp của người dân xã Đông, huyện Kbang bị thiệt hại do trồng giống NK67, là sản phẩm của Công ty Syngenta Việt Nam. Vụ việc chưa giải quyết xong thì tại xã Lơ Ku không chỉ giống bắp NK67 mà giống NK66 là sản phẩm khác của Công ty này cũng gây nhiều thiệt hại cho nông dân.
Gia đình ông Bùi Phi Hoài, ở thôn 2, xã Lơ Ku trồng gần 2 ha bắp giống NK66. Do thấy loại giống của Công ty Syngenta cho năng suất khá nên vài năm gần đây gia đình ông đã chuyển sang trồng 2 loại bắp giống NK66 và NK67 với hình thức luân phiên theo vụ.
Theo đó, vụ bắp năm nay gia đình ông tiếp tục trồng giống bắp NK66. Nhờ thời tiết thuận lợi và đầu tư chăm sóc kỹ nên cây bắp phát triển tốt, cho trái to… Tưởng sẽ được mùa bội thu nhưng không biết vì sao khi trái bắp chưa khô đã nảy mầm trong vỏ.
Cũng trồng loại giống NK66 nhưng đám bắp của gia đình bà Nguyễn Thị Thu, ở thôn 2, xã Lơ Ku lại bị hiện tượng khác. Hiện 2 ha bắp của gia đình bà thì hơn nửa diện tích bắp ra quả chùm như “nải chuối” và không có hạt. Bà Thu cho biết: Trước đây khi trồng giống NK66 này cũng xuất hiện tình trạng trên nhưng chỉ thi thoảng mới có một cây, còn nay thì bị cả đám.
Nhà tôi trồng 2 ha bắp giống NK66 thì bị mất khoảng 50%, cây có quả nhưng không có hạt, quả như chùm chuối. Với thời tiết năm nay khá thuận lợi nhưng do chất lượng giống đã làm gia đình bị thiệt hại”.
Ngoài ra, tại khu vực trung tâm xã Lơ Ku gồm các hộ dân thôn 1 và 2, nhiều diện tích bắp lai giống NK67 do Công ty Syngenta Việt Nam cung ứng, cũng xảy ra hiện tượng đến giai đoạn trổ cờ thì bị nghẹn cờ, trái không phát triển, không có hạt, bị giảm năng suất và có khả năng mất trắng.
Đó là hơn 2 ha bắp của gia đình bà Triệu Thị Hương, ở thôn 1, có gần một nửa trồng giống NK67, cây bắp vẫn phát triển bình thường, đậu quả nhưng đến khi thu hoạch thì chỉ thấy cùi, còn hạt thì chỉ lưa thưa vài hạt. Gia đình bà đành bỏ vậy vì thu về cũng chẳng được là bao.
Được biết, đại diện phía Công ty cung ứng giống cũng đã xuống gặp và thỏa thuận với một số hộ dân hỗ trợ 50% giống đối với diện tích bị thiệt hại với lý do khi bắp trổ cờ thì gặp thời tiết nắng hạn. Tuy nhiên, cũng như ở các địa phương khác trong huyện, vụ bắp vừa qua thời tiết ở xã Lơ Ku rất thuận lợi và diện tích bắp bị thiệt hại chỉ tập trung ở các loại giống của Công ty Syngenta Việt Nam.
Còn những giống bắp lai cũ người dân trồng phát triển bình thường, dự báo cho năng suất cao. Bà Dương Thị Thanh Xuân-Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Ku cho hay: Qua kiểm tra và theo dõi thì vụ Đông Xuân vừa rồi thời tiết trên địa bàn khá thuận lợi cho sản xuất cây bắp.
Điển hình như bắp của anh Hoài phát triển rất tốt, lượng hạt và quả rất chắc, bắp to nhưng mà lại xảy ra hiện tượng hạt bắp bị nảy mầm. Đồng thời các giống bắp khác trên địa bàn vẫn phát triển bình thường nên không thể đánh giá bắp bị thiệt hại là do thời tiết được.
Theo số liệu tổng hợp qua báo cáo của người dân, trên địa bàn xã Lơ Ku có trên 20 ha bắp trồng giống NK66 và NK67 của 26 hộ dân bị thiệt hại. Trong đó: 1,5 ha bị nảy mầm, gần 13 ha ra quả chùm và 6 ha không có hạt. Trước thực tế trên, lãnh đạo xã Lơ Ku cũng đã làm việc với đại diện Công ty Syngenta và phía đơn vị cung ứng giống đã thống nhất hỗ trợ 100% giống đối với những diện tích bị thiệt hại khoảng 20-30%.
Tuy nhiên, với mức hỗ trợ trên thì nhiều hộ dân vẫn chưa thống nhất và đề nghị phải bồi thường thỏa đáng với những diện tích bị thiệt hại. Hiện địa phương đã báo cáo lên huyện và phối hợp với cơ quan chuyên môn để thống kê cụ thể diện tích thiệt hại.
Related news
Anh Võ Thiếu Sơn, ở ấp Bà Tiên 2, xã Phú Đông (huyện Tân Phú Đông - Tiền Giang) có 2 công đất đầm nuôi tôm nằm cặp theo sông Cửa Trung. Sau những vụ nuôi tôm không hiệu quả, anh Sơn quyết định chuyển sang thử nghiệm nuôi cá rô phi thương phẩm, ổn định cuộc sống.
Do trong quá trình nuôi ít tốn kém nên con sò huyết hiện nay đang được nhiều người dân xã Đông Thới, huyện Cái Nước (Cà Mau), đầu tư phát triển.
Hiện nay toàn tỉnh đã hoàn thành việc gieo cấy trên 33.000ha lúa mùa, do ảnh hưởng thời tiết vụ mùa thường là vụ sâu bệnh phát sinh và gây hại mạnh trên cây lúa. Để nắm tình hình sâu bệnh gây hại, chỉ đạo phòng trừ kịp thời, từ ngày 8 đến 11-7, Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức tổng điều tra đánh giá nguồn sâu bệnh đầu vụ mùa trên địa bàn toàn tỉnh.