Kỹ sư trẻ và cái duyên với hạt gạo
Trong khi một số người dân bỏ ruộng không cấy vì đồng đất chua trũng, hiệu quả thấp, để ruộng thành bãi hoang thì chàng trai trẻ sinh năm 1984 Phạm Ngọc Hưng ở xã Vũ Quý (Kiến Xương) lại quyết định từ bỏ công việc bàn giấy về quê gắn bó với đồng ruộng.
Trong ảnh: Cơ giới hóa khâu gieo cấy trên vùng tích tụ đất của anh Phạm Ngọc Hưng.
Về quê làm “đại điền chủ”
Chúng tôi tình cờ gặp Phạm Ngọc Hưng khi khắp các cánh đồng đang vào vụ gieo cấy lúa xuân. Nhìn hình ảnh anh xắn tay áo vận chuyển những khay mạ xuống ruộng, chẳng ai bảo Hưng là một kỹ sư nông nghiệp nếu xét vẻ bề ngoài.
Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chuyên ngành Khoa học cây trồng, anh đã có việc làm ổn định tại Công ty Giống cây trồng Nam Định. Thế nhưng sau một thời gian tích lũy vốn liếng, kinh nghiệm, năm 2015, Hưng quyết định từ bỏ vị trí kỹ sư nông nghiệp để trở thành một nông dân trực tiếp sản xuất, gắn bó với đồng ruộng ngay trên mảnh đất đã sinh ra mình.
Kinh tế phát triển, nhiều người dân bỏ ruộng nhưng chính anh lại khởi nghiệp từ bãi cỏ hoang ấy. Vận động, tuyên truyền, thuyết phục, anh thuê được gần 20ha đất vùng chua trũng, khó canh tác của người dân với giá thuê 30kg thóc/sào/vụ để chỉnh trang, cải tạo. Những mảnh ruộng bỏ hoang cỏ mọc ngang người, anh phải thuê máy xúc để lộn đất, ủi cỏ, nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương trong vùng. Khó khăn không dừng lại ở đó khi chính những người thân trong gia đình “bàn lùi” trước chí hướng trở thành “đại điền chủ” của anh.
Hưng chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trên quê hương 5 tấn, hiểu mồ hôi, công sức mà người nông dân phải bỏ ra để có được hạt thóc, hạt gạo vất vả đến chừng nào. Tuy nhiên, năng suất lúa đạt ngưỡng kịch trần nhưng sao người nông dân vẫn nghèo? Trong khi xã hội ngày càng phát triển, khoa học kỹ thuật được cải tiến, nếu không hình thành các vùng sản xuất lớn sẽ rất khó để làm giàu từ chính cái gọi là “lợi thế”.
Để trả lời cho những trăn trở đó, Hưng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng chỉnh trang, cải tạo đồng ruộng, gieo cấy giống lúa mới có tên Hương Việt 3. Đây là giống lúa ít sâu bệnh, chất lượng gạo ngon, năng suất trung bình đạt trên 2 tạ/sào. Sản xuất với quy mô lớn, anh mua giống, thuê người làm mạ, cấy máy.
Anh nhẩm tính, tổng chi phí cấy 1 sào lúa khoảng 1.134.000 đồng (bao gồm tiền thuê đất, phí dịch vụ HTX, thuê máy làm đất, thu hoạch, thuê làm mạ, cấy…), nếu cấy các giống lúa thông thường thì tổng thu nhập 1 sào đạt khoảng 1.440.000 đồng. Như vậy, trừ chi phí, mỗi sào lãi khoảng 300.000 đồng. Với gần 20ha, lợi nhuận mỗi vụ khoảng 150 triệu đồng.
Cũng theo Hưng, khi đầu tư cơ giới hóa đồng bộ các khâu làm đất, cấy, thu hoạch, vận chuyển thì mức lãi còn cao hơn nhiều.
Trăn trở với hạt gạo
Trong căn nhà trước kia là kho lương thực dự trữ quốc gia được Hưng mua lại, trong câu chuyện xoay quanh mảnh ruộng, chúng tôi càng thấy được trăn trở của chàng kỹ sư trẻ với hạt gạo.
Cùng với việc thuê đất cấy lúa, anh mua lại 6 ô xưởng của kho lương thực, đầu tư hệ thống máy móc phục vụ xay xát, chế biến gạo. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn ký hợp đồng tiêu thụ lúa với các HTX của Kiến Xương, Tiền Hải và một số hộ tích tụ ruộng đất trong huyện như hộ anh Trần Xuân Lưỡng (xã Quang Hưng), hộ chị Trần Thị Lanh (xã Bình Minh).
Ngoài lượng thóc cấy được, bình quân mỗi năm anh thu mua khoảng 3.000 tấn thóc từ các HTX, hộ kinh doanh để chế biến, cung cấp cho nhà bếp của các công ty, doanh nghiệp. Theo Hưng, cách làm này là “lấy cái bé nuôi cái lớn” bởi khát khao của anh không chỉ dừng lại làm giàu, tích tụ ruộng đất để sản xuất gạo hữu cơ chất lượng cao và xây dựng thương hiệu gạo sạch cho riêng mình. 20ha đất vẫn chưa đủ, vì vậy anh luôn tìm cách để tích tụ thêm.
Hưng chia sẻ: Cả đất nước Thái Lan mới có 6 loại giống, trong khi đó đất nước mình có hàng nghìn loại giống, có rất nhiều giống lúa chất lượng tốt nhưng lại chưa thể phát triển để trở thành thương hiệu của Việt Nam. Canh tác manh mún, quy trình thâm canh kém khiến chất lượng gạo không cao, lẫn tạp nhiều là nguyên nhân hàng đầu khiến gạo Việt Nam khó vươn ra thị trường quốc tế.
Quay trở lại giống lúa Hương Việt 3 mà anh chọn cấy, đây là giống lúa thuần chất lượng cao do Tiến sĩ Vũ Hồng Quảng, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng cộng sự nghiên cứu, chọn tạo. Với thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thích ứng ở nhiều vùng sinh thái, chất lượng gạo ngon, hạt thon dài, đạt tiêu chuẩn gạo xuất khẩu, hàm lượng protein, amylose, vitamin và khoáng chất cao hơn hẳn gạo thường. Mỗi vụ thu hoạch khoảng 100 tấn, anh đầu tư 100 triệu đồng mua máy sấy, gần 3 tỷ đồng lắp đặt hệ thống xay xát gạo hạt dài, trong đó có một số máy móc hiện đại như máy đánh bóng, máy bắn màu… để hạt gạo đẹp, không bị lẫn cám, tạp chất, bảo quản được lâu dài. Dù bán buôn với giá rất cao (20.000 đồng/kg) nhưng gạo sạch của Hưng vẫn luôn “cháy” hàng.
Hiện anh đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ cho thương hiệu gạo “quê lúa”, dự kiến tháng 5/2017 sẽ được cấp phép. Đây là bước đi đầu tiên trên con đường xây dựng thương hiệu gạo mà anh ấp ủ.
Khó khăn không chỉ riêng Phạm Ngọc Hưng mà với tất cả các cá nhân, doanh nghiệp khi thực hiện tích tụ ruộng đất là tâm lý giữ ruộng cố hữu của nông dân. Nếu không được chính quyền địa phương vào cuộc ủng hộ, vận động quyết liệt, người đi thuê sẽ gặp nhiều gian khó.
Ước mơ của chàng kỹ sư trẻ mỗi lần tham quan, tìm hiểu về các vùng nông nghiệp tiên tiến nước ngoài chính là một ngày được thấy Thái Bình có những cánh đồng lúa, rau sạch ngút tầm mắt với những nông sản mang tên quê lúa được khách hàng trong và ngoài nước biết đến.
Có thể bạn quan tâm
Sau khi chọn được hành giống chất lượng, bà con Vĩnh Châu, Sóc Trăng lột vỏ bao chóp rồi mới đem trồng. Vụ trồng hành cũng phải rơi vào những tháng hết mưa
Chỉ với 2.000m2 đất vườn tạp đã được cải tạo để trồng hoa thiên lý, ông Nguyễn Đình Sinh, thôn Ngọc Anh mỗi tháng "đút túi" trên dưới 10 triệu đồng
Đó là đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý về Nghị định 21 sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp