Miễn thuế đất nông nghiệp: "Chất kích thích" với DN, nhà nông
“Tạo động lực cho nông dân, doanh nghiệp”. Đó là đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý về Nghị định 21 sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp vừa được Chính phủ ban hành (xem NTNN ra ngày 14.3).
Trong ảnh: Khu sản xuất rau an toàn của VinEco Hà Nam. Ảnh: T.L
Tăng sức hút đầu tư
Đánh giá về việc toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao, công nhận đất để sản xuất nông nghiệp sẽ được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN), ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Tổng hội NNPTNT Việt Nam cho biết: “Chắc chắn đây là tin vui cho người nông dân và các cá nhân, tổ chức đã và đang đầu tư cho nông nghiệp, hay những doanh nghiệp (DN) đang có ý định đầu tư vào nông nghiệp. Việc ban hành nghị định này cho thấy Chính phủ đang rất nỗ lực thực hiện cam kết tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy nền kinh tế phát triển, trong đó có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nông dân, DN muốn đầu tư vào nông nghiệp”.
Đồng tình, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) cho rằng: “Hiện nay ngành nông nghiệp đang có quá nhiều thách thức phải giải quyết, xử lý như sản xuất nhỏ lẻ manh mún, khí hậu biến đổi phức tạp, thời tiết thiên tai ngày càng khắc nghiệt... Chính vì vậy đầu tư cho nông nghiệp luôn có nhiều rủi ro lớn, thậm chí rủi ro cũng đến từ chính sách, do đó khi chính sách thay đổi sẽ có tác động lớn đến sản xuất, đầu tư”.
Theo khảo sát của Ipsard, có đến 63% DN kêu khó khăn về tiếp cận đất đai và 46% DN còn lại kêu là rất khó khăn; 70% DN kêu khó khăn về tiếp cận tín dụng; 82,5% DN chưa tiếp cận được bảo hiểm trong nông nghiệp… Chính vì vậy ông Hồ Xuân Hùng đánh giá: “Nghị định 21 có ý nghĩa rất quan trọng, nó tạo ra niềm tin lớn đối với những DN đang có ý định đầu tư vào nông nghiệp. Với quy định này, nông dân, DN sẽ giảm một phần chi phí trong quá trình đầu tư mở rộng sản xuất, tạo điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất lớn, giảm rủi ro”.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đánh giá thêm: “Chúng ta ngày càng nhận thấy rõ nét DN là động lực quan trọng đóng vai trò hạt nhân để dẫn dắt chuỗi giá trị nông nghiệp. Nếu chúng ta tạo được môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo ra những hỗ trợ rõ ràng như đảm bảo quyền tài sản, đảm bảo quyền hợp đồng, tháo gỡ thủ tục... thì các DN sẽ tham gia vào nông nghiệp mạnh mẽ hơn. Nông nghiệp là lĩnh vực kinh doanh tạo nhiều điều kiện tốt cho xã hội, đó là tạo việc làm cho người dân. Vì vậy, Chính phủ và các bộ ngành cần phải nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn nữa để DN có động lực đầu tư”.
Sớm sửa đổi chính sách tích tụ ruộng đất
Nhờ có diện tích đất lớn, anh Nguyễn Văn Hoan ở huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã dễ dàng áp dụng máy hái chè trên đồi chè của gia đình. Ảnh: Minh Huệ
"Các DN đầu tư nông nghiệp ở các vùng khó khăn cần có chính sách miễn thuế thu nhập DN trong 10 năm, vì DN vào đầu tư sẽ tạo ra việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho địa bàn đó. Miễn thuế là công cụ có tác động nhanh nhất, tiện nhất để khích lệ DN”. TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, xem xét kỹ lưỡng để có những thay đổi chính sách phù hợp nhằm thu hút DN đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, để thu hút DN thành công, vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhà nước kiến tạo, các bộ ngành phối hợp cùng vào cuộc mạnh mẽ để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn cho DN phát triển.
Về vấn đề này, ông Tăng Minh Lộc - nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NNPTNT) đánh giá: “Chính phủ đang có nhiều nỗ lực, hành động quyết liệt để cải thiện những tồn tại, hạn chế về mặt chính sách, trong đó Nghị định 21 thể hiện rõ điều đó. Bên cạnh việc miễn thuế SDĐNN, chúng ta còn cần thêm những chính sách để tập trung tích tụ đất đai, nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Có tích tụ được đất đai thì nông dân, doanh nghiệp mới làm ăn lớn và lâu dài được. Đồng thời cũng cần thu hồi triệt để những diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang để tái sử dụng hiệu quả”.
Ông Hồ Xuân Hùng cũng bày tỏ: “Bên cạnh việc miễn thuế SDĐNN, tôi cho rằng thời gian tới, Chính phủ, các bộ ngành cần nghiên cứu triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp trên diện rộng. Cần áp dụng bảo hiểm để xử lý rủi ro, tạo ra sự yên tâm cho các cá nhân, tổ chức đầu tư vào nông nghiệp”.
Có thể bạn quan tâm
Với 8 ha trồng, mô hình thí điểm của Công ty cà phê Phước An mang về 170 tấn quả tiêu chuẩn, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng cho quả sầu riêng
Sau khi chọn được hành giống chất lượng, bà con Vĩnh Châu, Sóc Trăng lột vỏ bao chóp rồi mới đem trồng. Vụ trồng hành cũng phải rơi vào những tháng hết mưa
Chỉ với 2.000m2 đất vườn tạp đã được cải tạo để trồng hoa thiên lý, ông Nguyễn Đình Sinh, thôn Ngọc Anh mỗi tháng "đút túi" trên dưới 10 triệu đồng