Kinh Tế Trang Trại Ở Sóc Trăng Khởi Sắc
Với chức năng của tổ chức nghề nghiệp, tham mưu cho tỉnh và phối hợp với ngành nông nghiệp vận động nông dân phát triển kinh tế vườn, những năm gần đây, Hội Làm vườn (HLV) Sóc Trăng dành nhiều ưu tiên cho kinh tế trang trại nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chẳng thế mà mới gặp tôi, ông Dương Minh Hoàng, Chủ tịch HLV tỉnh đã khoe: “Đất chúng tôi giờ nhiều tỷ phú trang trại lắm”!
Những trang trại bạc tỷ
Có lẽ ông Hoàng nói không ngoa chút nào, bởi toàn tỉnh hiện có 2.166 trang trại, sử dụng 9.056ha đất với tổng số vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng. Riêng huyện Mỹ Tú có tới 500 trang trại, tổng diện tích đất sản xuất trên 2.000ha, trong đó có hơn 10 trang trại đạt giá trị thu nhập 200 triệu đồng/năm trở lên. Đáng chú ý là, ở Sóc Trăng hiện có khoảng 48.000ha nuôi tôm sú theo quy trình thâm canh hoặc bán thâm canh, trong đó có 1.500 trang trại nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp, quy mô trung bình 3 – 10ha/trang trại, mang về cho tỉnh 1.500 tỷ đồng/năm.
Có dịp về thăm huyện Long Phú, hầu như ai cũng được nghe người dân nhắc đến ông Đinh Thiên Cần (Sáu Cần) ở ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú với biệt danh: “Vua tôm sú Sóc Trăng”. Rời quân ngũ năm 1976 với thương tật đầy mình, ông được cử làm Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Long Phú. Năm 1992, ông được bầu làm Bí thư Huyện uỷ Long Phú. Với vai trò là người lãnh đạo, ông luôn đi đầu trong việc ứng dụng các mô hình kinh tế để bà con học tập. Với số tiền dành dụm được, cộng với vay mượn bạn bè, người thân được 210 triệu đồng, ông về Đồng Năn – xứ đồng hoang hoá để cải tạo, nuôi tôm sú công nghiệp theo quy trình khép kín. Sau 4 tháng nuôi với 12 ao (4.000 – 5.000m2/ao), ông thu 21 tấn tôm sú thương phẩm, trị giá 3 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi gần 2 tỷ đồng.
Ông Hoàng cho biết, để nghề nuôi tôm dần đi vào chuyên nghiệp hoá, Long Phú còn thành lập Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh với 300 hội viên, 26 tổ liên kết sản xuất trên diện tích 2.000ha. Đây là tiền đề cho mô hình hợp tác xã kiểu mới, giúp bà con sản xuất, tiêu thụ nông sản dễ dàng.
Còn ở Mỹ Xuyên, vài năm gần đây nổi lên phong trào nuôi rắn ri voi mà đi đầu là ông Lê Hùng Minh ở xã Thạnh Phú. Với 2.000m2 đất ao đìa, vừa qua ông Minh xuất bán trên 3 tấn rắn thịt, thu về khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn xuất 38.200 con rắn giống (15.000 đồng/con), lãi hơn nửa tỷ đồng.
Nâng cao hiệu quả kinh tế vườn
Ông Hoàng cho biết, đi đôi với phát triển kinh tế trang trại, Tỉnh Hội còn hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển kinh tế vườn, kinh tế VAC nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 37.467ha đất trồng cây lâu năm, trong đó có 20.041ha vườn, còn lại là diện tích trồng cây công nghiệp (chủ yếu là dừa) và vườn tạp. Do sản xuất của hội viên còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ nên Tỉnh Hội đã phối hợp với các ban ngành xây dựng trại sản xuất giống cây trồng để tạo nguồn cây giống đầu dòng và sạch bệnh cung cấp cho bà con. Theo đó, từ nay đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, vùng chuyên canh cây ăn trái sẽ được mở rộng diện tích theo 2 hướng: cải tạo vườn tạp ở những vùng có đủ nước ngọt tưới vào mùa khô như Mỹ Tú, Bắc Ngã Năm và chuyển đất lúa sang vườn trên nền phù sa ven sông như Kế Sách, Bắc Long Phú; vùng còn lại cải tạo vườn tạp sang trồng những loại cây lâu năm khác.
Tỉnh Hội cũng khuyến khích hội viên thay giống chất lượng kém bằng những giống sạch bệnh; xây dựng thương hiệu cho từng loại cây ăn trái có đầu tư kỹ thuật cao, trước mắt là các loại có thị trường rộng như măng cụt, sầu riêng hạt lép, vú sữa, bưởi da xanh, cam, quýt; xây dựng các mô hình điểm sản xuất kết hợp lấy ngắn nuôi dài thông qua phương pháp trồng xen...
Related news
Đến xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) những ngày này, chúng tôi chứng kiến không ít nỗi buồn của người nuôi khi tôm hùm liên tục chết. Trong khi đó, giá tôm lại liên tục giảm…
Bên cạnh những lo ngại như mất thị trường trong nước, gây xáo trộn quy hoạch một số ngành..., không thể phủ nhận việc thương nhân Trung Quốc (TQ) thu gom nông sản cũng tạo ra một số dấu hiệu tích cực, nếu không muốn nói đây chính là cơ hội để nông dân, doanh nghiệp (DN) Việt Nam trưởng thành hơn, thúc đẩy giao thương, buôn bán giữa hai nước, giảm nhập siêu từ TQ
Tháng 9/2010, nông dân trồng cao su ở Tánh Linh (Bình Thuận) từng điêu đứng khi lần đầu tiên đối mặt với bệnh vàng lá. Đến tháng 5/2011, bệnh vàng lá lại một lần nữa xuất hiện sớm hơn so với dự kiến và có khả năng dịch bệnh sẽ lan rộng trên nhiều diện tích trồng cao su của huyện vào tháng 8, 9 tới