Kinh Nghiệm Xây Dựng Nông Thôn Mới Ở Thôn 1, Xã Ia Hrung

Bây giờ đến thôn 1 (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) không còn cảnh đường trơn trượt nữa. Con đường rải nhựa phẳng lỳ nối tiếp con đường bê tông chạy dài tít tắp. Một sự đổi thay mà chỉ có những con người trước đây đã từng đến mới cảm nhận hết được.
Con đường rải nhựa có chiều dài hơn 1.380 mét được nhân dân trong thôn đóng góp cùng với Nhà nước xây dựng từ năm 2011 với mức đóng góp bình quân mỗi gia đình trên 5 triệu đồng, có nhiều gia đình đóng góp gần 10 triệu đồng. “Để có được con đường khang trang sạch đẹp là cả một quá trình cố gắng của cán bộ và người dân trong thôn. Lúc đầu khi họp dân để xin ý kiến thì đều nhận được những ý kiến trái chiều. Có người cho rằng cứ chờ một vài năm nữa đằng nào Nhà nước cũng làm”-bà Hoàng Thị Thái-Trưởng ban Mặt trận thôn nói.
Thôn 1 xác định mỗi đảng viên, cán bộ là một hạt nhân quan trọng trong tuyên truyền vận động và làm được điều đó thì đảng viên phải làm trước để quần chúng theo sau. Mặc dù nhà bà Chu Thị Chủy không nằm trên mặt đường nhựa này nhưng khi triển khai đóng góp xây dựng đường bà đã đóng góp 4 triệu đồng. Bà Chủy cho hay: “Khi ra nghị quyết xây dựng con đường này, chi bộ vận động đảng viên phải gương mẫu chấp hành, bên cạnh đó mình tuyên truyền vận động để bà con tham gia đóng góp. Khi người dân đồng lòng thì việc gì cũng làm xong, con đường đã hoàn thành”.
Cuối năm 2012, thôn 1 tiếp tục vận động nhân dân đóng góp xây dựng con đường bê tông có chiều dài 1 km. Khi vận động làm con đường này, người dân nhất trí ngay trong ngày đầu triển khai. Được nhà nước hỗ trợ 384 triệu đồng, thôn kêu gọi Công ty Cà phê Ia Grai ủng hộ 20 triệu đồng còn lại nhân dân trong thôn đóng góp 152 triệu đồng tiền mặt và nhiều ngày công để làm đường. Đến nay, con đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Hoàng Phú phấn khởi cho biết: “Có đường bê tông không còn lo đi lại trơn trượt nữa, con cái đi học cũng đỡ khổ”.
Thôn 1 được thành lập từ năm 2008 từ sự hợp nhất của đội 1 và đội 2 Công ty Cà phê Ia Grai. Thôn có 71 hộ, 287 khẩu. Đa số bà con trong thôn sống bằng việc chuyên canh cà phê, hồ tiêu. Thôn có trên 30 hộ khá và giàu. Để xây dựng thành công chương trình nông thôn mới, không chỉ xây dựng đường giao thông cứng hóa mà còn nhiều tiêu chí khác cùng phải song hành.
Thôn đang tích cực vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Những tiêu chí chưa cần đến sự đầu tư của Nhà nước như ăn ở hợp vệ sinh, làm đường làng ngõ xóm “sáng, xanh, sạch, đẹp” được người dân trong thôn nhiệt tình hưởng ứng. Ý thức của mọi người dân về môi trường được nâng lên. Mỗi hộ gia đình đều có thùng rác sạch sẽ gọn gàng.
Ông Nguyễn Văn Ninh- Trưởng thôn cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tuyên truyền nhân dân xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Quá trình xây dựng nông thôn mới ở thôn 1, xã Ia Hrung cho thấy: Để cho nhân dân tin và làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu.
Có thể bạn quan tâm

Ở Phú Vang, rất nhiều người biết đến ông Võ Diên (thôn Tân Mỹ, thị trấn Thuận An Phú Vang - Thừa Thiên Huế) – người dám biến vùng đất đầy bom mìn, lau sậy thành hồ nuôi trồng thủy sản.

Dự án “Mô hình tưới nước tiết kiệm cho dân nghèo Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận” được Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Tổ chức iDE triển khai thực hiện từ tháng 2-2011. Qua hơn 2 năm thực hiện, mô hình không chỉ giúp người dân giải quyết vấn đề khó khăn về nước sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng mà còn góp phần quan trọng bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trên những vùng đất khô cằn.

ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, với diện tích canh tác hàng năm hơn 4 triệu ha, chiếm khoảng 50% sản lượng lúa cả nước. Tuy nhiên, đây là một trong 5 vùng bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu nên nông nghiệp ĐBSCL đang đứng trước những thách thức lớn.