Kinh doanh cá cảnh "siêu lãi", nhưng lại quên thị trường nội địa
Trong 63 tỉnh thành, duy nhất TP.HCM mạnh dạn lựa chọn cá cảnh làm ngành kinh tế mũi nhọn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Thực trạng sản xuất phát triển đa dạng nhưng manh mún hiện nay, đang đặt ra vấn đề cần cách tiếp cận mới mẻ hơn để thúc đẩy thị trường cả trong và ngoài nước.
Thị trường cá cảnh nội địa còn rất lớn. Ảnh: Nguyên Vỹ
Cá cảnh có hàng loạt đặc điểm phong phú và phức tạp hơn hẳn các ngành thủy sản khác. Sức cuốn hút của thị trường này đang gây bức xúc cho chính những người trong cuộc khi tính chuyên biệt trong khâu sản xuất chưa đồng bộ.
Khó định nghĩa cơ sở sản xuất
TP.HCM đặt mục tiêu năm 2017 sản xuất cá cảnh đạt 140 – 150 triệu con, tăng 10 - 15% so với năm 2016. Thống kê của Chi cục Thủy sản, 9 tháng đầu năm 2017, tổng diện tích nuôi cá cảnh trên toàn thành phố khoảng 88ha với hơn 290 cơ sở và hộ nuôi.
Trong đó, nuôi cá cảnh trong ao có diện tích hơn 50ha với 60 hộ; nuôi trong bể xi măng có diện tích 25,5ha với 149 hộ; nuôi trong bể kiếng có diện tích gần 1,3 ha với 76 hộ, chủ yếu là cá dĩa.
Trên diện tích 300m2 với 15 ao nuôi, trại cá dĩa Phú Khang (quận 12) là một trong những đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn quận.
Chúng tôi phải đi vòng vèo qua mấy con hẻm mới tìm được trại cá. Ông Lê Thiên Phú, chủ trại cá bảo thị trường cá dĩa vẫn rất có tiềm năng. Bản thân ông muốn mở rộng quy mô đầu tư nhưng không đơn giản vì quỹ đất không nhiều, khả năng tài chính lại có hạn.
Nhỏ lẻ, tách biệt hoặc nằm đan cài giữa các khu dân cư là đặc điểm của nhiều hộ nuôi hiện nay. Kể cả trại cá cảnh của các nghệ nhân nổi tiếng như Tống Hữu Châu (quận 12) hay Phạm Điền Trang (huyện Bình Chánh) cũng tương tự. “Tình trạng các hộ với diện tích nhỏ thì nhiều lắm. Người ta nuôi đủ các loại với đủ phương thức, diện tích, quy mô cho tới quy trình sản xuất” - ông Phú kể.
Trong một khảo sát mới đây của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, trong số 32 loài cá nuôi phổ biến hiện nay, nhiều loài cá có chung quy trình sản xuất hoặc sử dụng chung cơ sở vật chất kỹ thuật. Điều kiện ao bể để chăn nuôi đa dạng từ ao đất, bể xi măng, bể bạt, bể kiếng, lu vại đến chai hũ… với vốn đầu tư ban đầu từ 5 - 800 triệu/trại, quy mô sản xuất cũng có đủ cỡ từ hộ gia đình đến trang trại lớn trên diện tích từ 20.000 - 60.000m2.
Theo TS Vũ Cẩm Lương (khoa Thủy sản, Trường ĐH Nông Lâm) điều kiện sản xuất muôn hình vạn trạng nhưng manh mún gây khó cho công tác quản lý ngành. Thực trạng hiện nay đòi hỏi đưa về một mối để quản lý tốt hơn cho thị trường, nhưng bản thân việc định nghĩa cơ sở sản xuất cá cảnh đã không đơn giản.
Bỏ quên thị trường nội địa
Theo nghệ nhân Tống Hữu Châu, số liệu xuất khẩu cá cảnh qua cửa ngõ TP.HCM ngày càng tăng. Nhưng trong 135 triệu con cá cảnh được sản xuất hàng năm chỉ có 10% xuất khẩu.
“Vậy phần còn lại đi đâu? Trước đây, tôi cũng từng tính sai khi chỉ chăm chăm vào xuất khẩu mà quên thị nội địa còn rất lớn. Không ít doanh nghiệp nước ngoài cũng muốn xin vào để mở điểm bán lẻ, cạnh tranh trực tiếp với mình”- ông Châu nói. Tuy hiện nay đầu ra đã khá hơn nhưng ông Châu cho rằng khâu tổ chức trong nước vẫn chưa rõ ràng, không có đầu mối phối hợp nhịp nhàng, khiến thị trường rối loạn và người nuôi dễ bị ép giá.
Thực tế, thương lái nước ngoài cũng đang gây khó chịu cho không ít cơ sở khi họ đi khảo sát giá khắp nơi. “Vì tính đoàn kết trong thương mại của chúng ta còn lỏng lẻo. Một con cá 10 đồng nhưng có nơi rao 9 đồng, có chỗ lại 11 đồng. Rốt cuộc chính nông dân không được lợi gì khi thương lái đi tìm giá rẻ” - ông Châu kể.
Trong 10% lượng cá xuất khẩu hàng năm, có khoảng 30% số này xuất đi châu Á qua đường chính ngạch. Ngay tại châu Á, mà cụ thể là Singapore, lại thường xuyên nhập thô hoặc nhập các giống cá bản địa của Việt Nam về rồi xuất đi châu Âu, Mỹ với nhãn của họ, và giá trị cũng cao hơn gấp nhiều lần.
TP.HCM có khoảng 280 cửa hàng kinh doanh cá cảnh phân bố ở khắp các quận, huyện; tập trung ở 3 khu vực chính: Đường Lưu Xuân Tín (quận 5), đường Nguyễn Thông (quận 3) và đường Trường Chinh (quận Tân Bình) trước đây. Hầu hết các địa điểm này hình thành do tự phát hoặc kinh doanh kiểu truyền thống.
Đề xuất thành lập một siêu thị hoặc chợ cá cảnh tập trung chuyên kinh doanh nhiều loại cá cảnh và trang thiết bị phục vụ cho người nuôi đã bàn từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thành. “Người ta chú trọng nhiều đến các số liệu xuất khẩu nhưng lại bỏ quên thị trường trong nước đang rất sôi động. Vì thế, công tác xúc tiến thương mại cho lĩnh vực cá cảnh phải tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa” - ông Châu chia sẻ.
Related news
Năm 2017, diện tích nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ở tỉnh Cà Mau có nên tốc độ tăng đột biến trên không ngoài hai chữ: “Lợi nhuận”.
Bằng những hình ảnh vệ tinh và các cuộc khảo sát địa hình mở rộng, công nghệ 3D mapping đang nâng cao hiệu quả nuôi và khai thác thủy sản
Ngành tôm Việt Nam mặc dù được coi là “quý tử” trong lĩnh vực thủy sản, nhưng sự đầu tư vẫn khiêm tốn, trong quá trình thực hiện từ sản xuất tới tiêu thụ