Kiến Nghị Các Giải Pháp Cấp Bách Gỡ Khó Cho Cá Tra
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa kiến nghị Chính phủ quy định xuất khẩu cá tra là ngành sản xuất đặc thù và có điều kiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản xuất khẩu quan trọng này.
Vasep cũng kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại Nhà nước giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp cá tra thật sự có năng lực sản xuất và xuất khẩu, chuyển đổi vốn vay ngắn hạn đã sử dụng đầu tư vào nuôi cá sang vốn vay trung hạn.
Theo đó, cơ cấu lại nguồn vay để tăng phân bổ cho vay trung hạn cho mục đích nuôi cá tra; tăng cường hỗ trợ vốn tín dụng ngắn hạn, tăng hạn mức và tiếp tục cho vay theo nhu cầu doanh nghiệp để duy trì nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra; đồng thời đề nghị thí điểm mở rộng hạn mức tín dụng cho 20 doanh nghiệp hàng đầu, chiếm hơn 60% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.
Các doanh nghiệp này hầu hết đều có vùng nuôi tự chủ động nguyên liệu, có thị trường xuất khẩu và có uy tín lớn. Trên cơ sở kết quả đạt được, sẽ mở rộng phương thức này cho các doanh nghiệp sản xuất cá tra khác.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần chỉ đạo việc rà soát lại và sửa đổi các quy định hiện hành của Bộ nhằm tăng cường các chế tài về hạn chế sử dụng các chất phụ gia tăng trọng đối với cá tra xuất khẩu theo chuẩn mực quốc tế; quy định việc phải công khai tỷ lệ thủy phần (nước trong cá) và tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ đá) trên nhãn mác sản phẩm cá tra phile đông lạnh xuất khẩu, trước hết là sang thị trường EU và Mỹ; đồng thời xây dựng lộ trình hạn chế dần để tiến tới không sử dụng phụ gia tăng trọng đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu, đặc biệt là đối với các thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản.
Theo Vasep, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu (xuất khẩu) cá tra các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang rơi vào tình trạng khó khăn, ách tắc trong sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt đối với thị trường nhập khẩu cá tra lớn của Việt Nam là EU, nên cả doanh nghiệp và nông dân có xu hướng giảm diện tích thả nuôi hoặc chỉ thả nuôi cầm chừng. Thống kê của Vasep cũng cho thấy hiện có khoảng 15-30% diện tích ao nuôi cá tra của doanh nghiệp bị “treo.” Dự kiến, năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt 1,8 tỉ USD, tương đương năm 2011.
Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến cá tra cũng đang phải đối mặt với việc thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, tình trạng thiếu nguyên liệu, thực chất chỉ là thiếu cá đạt kích cỡ chế biến theo yêu cầu của khách hàng. Do đó, việc thiếu hay thừa cá tra nguyên liệu của doanh nghiệp phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu của họ, nghĩa là nếu doanh nghiệp có đơn hàng nhiều sẽ thiếu nguyên liệu hơn.
Related news
Việc chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang trồng màu dù đã được Chính phủ và Bộ NNPTNT chủ trương thực hiện từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn ì ạch. Thậm chí, diện tích màu đang ngày càng giảm mạnh.
Cải tạo diện tích cà phê vối (cà phê robusta) già cỗi, năng suất thấp bằng biện pháp ghép cành, ghép chồi đang được Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng và các địa phương có diện tích cà phê lớn trong tỉnh quan tâm. Từ kết quả đã đạt được những năm gần đây, Bảo Lâm đang là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về công tác này, và đã xuất hiện không ít mô hình cải tạo cà phê bằng biện pháp này có kết quả cao cả về kinh tế lẫn xã hội.
Có dịp được tận mắt nhìn thấy những ao, đầm nuôi sò huyết của người dân ở vùng Tân Biên, Kiên Giang cho lợi nhuận rất cao, năm 2010 anh Võ Văn Sóng, ấp Cồn Cù, xã Dân Thành (Trà Vinh) quyết định nuôi thử nghiệm con sò huyết trong ao đất. Kết quả qua 3 vụ nuôi đều thành công, mang về cho gia đình lợi nhuận vài chục triệu đồng sau mỗi vụ nuôi.