Giá / Mô hình kinh tế

Mô Hình Lúa - Tôm Những Lợi Ích Được Khẳng Định

Mô Hình Lúa - Tôm Những Lợi Ích Được Khẳng Định
Tác giả: 
Ngày đăng: 03/08/2013

Vào thời điểm này, nông dân đang bắt tay vào cải tạo đất để chuẩn bị sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm. Ngành chức năng cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa - tôm cho nông dân. Theo lịch thời vụ, nông dân sẽ xuống giống lúa dứt điểm vào cuối tháng 9/2013.

Toàn tỉnh có gần 30.000ha đất được nông dân áp dụng mô hình sản xuất lúa - tôm. Tập trung chủ yếu ở huyện Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai và huyện Vĩnh Lợi.

Theo kế hoạch, năm nay, huyện Phước Long có khoảng 8.500ha đất sản xuất lúa - tôm, tập trung ở thị trấn Phước Long, xã Vĩnh Phú Tây và xã Phước Long… Gia đình anh Đặng Quốc Toàn (xã Phong Thạnh Tây) có gần 40ha đất sản xuất. Nhiều năm liền anh Toàn áp dụng mô hình lúa - tôm và đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Từ đó, có nhiều bà con áp dụng mô hình này. Anh Toàn cho biết: “Mô hình lúa - tôm vừa cho thu nhập cao, vừa cải tạo đất nên được nhiều người áp dụng. Tôi đang cải tạo đất, khi ngành chức năng thông báo lịch xuống giống tôi sẽ sạ và cấy lúa trên diện tích nuôi tôm”.

Nhiều nông dân ở huyện Phước Long trước đây chuyên nuôi tôm hoặc tôm - cá, tôm - cua, nay bắt đầu chuyển sang áp dụng mô hình lúa - tôm. Ông Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Diện tích vụ lúa - tôm năm nay có khả năng tăng thêm 400ha. Chúng tôi mở rộng diện tích lúa - tôm ở ấp 1A, 8A (xã Phong Thạnh A). Phòng NN&PTNT huyện đã mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng lúa trên đất nuôi tôm cho những nông dân mới áp dụng mô hình này”.

Ở huyện Giá Rai, trước đây, nông dân “mê” nuôi tôm hơn trồng lúa. Song, mấy năm nay, thấy mô hình lúa - tôm đạt hiệu quả nên nhiều nông dân chuyển sang áp dụng mô hình này. Đến nay, diện tích lúa - tôm của huyện lên đến 2.000ha. Anh Nguyễn Minh Triết (ấp 19, xã Phong Thạnh) là một trong những hộ đầu tiên trong ấp thực hiện mô hình lúa - tôm. Với 3ha đất trồng lúa - tôm, anh Triết thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Anh Triết bày tỏ: “Năm nay, tôi tiếp tục áp dụng mô hình lúa - nuôi tôm trên 3ha đất sản xuất. Hiện, tôi đã thu hoạch tôm nuôi và đưa nước ngọt vào rửa mặn cho đất. Cuối tháng 8/2013, tôi sẽ xuống giống lúa trên đất tôm”.

Còn huyện Hồng Dân, năm nay, theo kế hoạch, toàn huyện có hơn 19.000ha đất sản xuất lúa - tôm. Tập trung chủ yếu ở các xã Lộc Ninh, Vĩnh Lộc, Ninh Hòa, Ninh Quới… Giống lúa chủ lực được nông dân lựa chọn là Một bụi đỏ và các giống lúa ngắn ngày chịu mặn. Theo ông Nguyễn Văn Thới, Trưởng phòng NN&PTNT huyện: “Bà con nông dân trong huyện đã chuẩn bị lúa giống để sản xuất vụ lúa trên đất tôm. Bắt đầu trung tuần tháng 8 sẽ xuống giống và dứt điểm vào khoảng ngày 20/9/2013. Huyện cũng đã thí điểm một số nơi áp dụng mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ tôm. Nếu mô hình này đạt hiệu quả sẽ đem lại lợi nhuận rất cao cho nông dân”.

Mô hình lúa - tôm không chỉ đơn thuần mang lại hiệu quả kinh tế, mang tính bền vững, mà còn góp phần cải tạo ruộng đất. Lợi ích từ mô hình lúa - tôm đã được chứng minh trong nhiều năm qua và ngày càng được khẳng định. Vì thế, mô hình này được ngành chức năng khuyến khích nhân rộng.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Làm Giàu Nhờ Liên Kết Trồng Táo Nông Dân Làm Giàu Nhờ Liên Kết Trồng Táo

Là loại cây dễ trồng, rủi ro thấp, hiệu quả kinh tế cao, cây táo được nông dân ở Ninh Thuận chọn trồng rộng khắp, thay thế cho nhiều loại cây trồng kém hiệu quả trước đây. Với diện tích trồng gần 1.000 ha, cây táo đang dần trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương của tỉnh Ninh Thuận. Cùng với sự hỗ trợ của Dự án cạnh tranh nông nghiệp, sự chung tay liên minh sản xuất, đến nay nghề trồng táo ở Ninh Thuận đã phát triển theo hướng bền vững, nhiều hộ thành triệu phú nhờ trồng táo.

03/08/2013
Bác Phạm Phó “Mê” Nghề Nuôi Nhím Bác Phạm Phó “Mê” Nghề Nuôi Nhím

Ông Phạm Phó, ở thôn Quảng Thành 2, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), rời quê hương Mộ Đức, Quảng Ngãi vào sinh sống ở Châu Đức từ năm 1959. Năm nay, ông Phó đã 82 tuổi nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh và say mê lao động. Ngoài việc trồng tiêu và các loại cây trái trong vườn, gần đây ông Phó còn thử nghiệm thành công mô hình nuôi nhím.

03/08/2013
Nông Dân Liên Kết Trong Chăn Nuôi Nông Dân Liên Kết Trong Chăn Nuôi

Nhờ mạnh dạn liên kết làm ăn theo mô hình Câu lạc bộ (CLB) mà thời gian qua, nông dân thôn An Tỉnh, xã Đức Thắng (Mộ Đức, Quảng Ngãi) không chỉ "né" được những rủi ro, nâng cao chỉ số lợi nhuận mà còn tạo sức lan tỏa trong phong trào phát triển chăn nuôi ở địa phương.

03/08/2013