Giá / Tin thủy sản

Kích cầu tiêu thụ thủy sản trong siêu thị

Kích cầu tiêu thụ thủy sản trong siêu thị
Tác giả: Nguyễn Anh
Ngày đăng: 27/04/2017

Mua sản phẩm thủy sản trong siêu thị đã thành một thói quen của người dân đô thị, nhưng các doanh nghiệp lại tỏ ra không mấy mặn mà với kênh phân phối quan trọng này, khác hẳn với khi thủy sản Việt Nam được bán tại các siêu thị nước ngoài. Phải chăng siêu thị trong nước chỉ là giải pháp “chữa cháy” khi hàng tồn?

Trong ảnh: Sản phẩm thủy sản được bày bán trong siêu thị Ảnh: CTV 

Phát huy vai trò điều tiết

Một trong những chức năng quan trọng của các siêu thị trong đời sống hiện đại là bình ổn giá và kích thích tiêu dùng, tiếp thị các sản phẩm mới, nhưng đối với ngành thủy sản thì các siêu thị hầu như chưa giữ vai trò bình ổn giá.

Mỗi năm Việt Nam nuôi trồng, đánh bắt hơn 6 triệu tấn thủy sản, song đa số được tập trung cho xuất khẩu. Mặc dù, có khoảng 1.300 cơ sở chế biến thủy hải sản của các nhà máy doanh nghiệp và hộ gia đình, nhưng sản lượng tiêu thụ trong nước chỉ đạt dưới 10% tổng sản lượng chế biến. Việc tiêu thụ phụ thuộc vào các thương lái và mang tính mùa vụ, không ổn định.

Tuy vậy, thời gian qua, nhất là sau vụ việc ô nhiễm môi trường ở miền Trung, người ta đã nhìn thấy vai trò ngày càng quan trọng của hệ thống siêu thị đối với ngành thủy sản. Trong hoàn cảnh ô nhiễm môi trường, các chợ cá ế ẩm, các nhà hàng quán xá hiu hắt thì việc các siêu thị tiêu thụ sản phẩm của ngư dân miền Trung đã thành một điểm sáng trên thị trường. Điển hình là hệ thống siêu thị Co.opmart đã thu mua bao tiêu sản phẩm đánh bắt của ngư dân miền Trung và các tỉnh lên tới hàng nghìn tấn. Các siêu thị tạo ra được sự tín nhiệm đối với người mua thông qua hệ thống kiểm định chất lượng của các cơ quan chức năng, sẵn sàng chế biến thực phẩm cho người dân dùng thử, đặc biệt nhiều thời điểm bán thủy hải sản không lợi nhuận, nhằm kích cầu. Phải khẳng định các siêu thị đã góp phần không nhỏ khuyến khích ngư dân bám biển, khai thác đánh bắt, nuôi trồng chế biến trong giai đoạn khó khăn nhất do ô nhiễm môi trường và niềm tin của người tiêu dùng đối với thủy hải sản xuống rất thấp. Hệ thống siêu thị cũng chứng tỏ là một “cứu cánh” khi xuất khẩu gặp khó khăn hoặc giá cả trên thị trường thế giới giảm sút nghiêm trọng. Những thời điểm đó, các siêu thị trở thành kênh phân phối rất hiệu quả, giúp doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy hải sản duy trì đầu ra.

Saigon Co.op là hệ thống siêu thị thường xuyên nhận phân phối các sản phẩm thủy sản trong các thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy giảm kinh tế khiến thị trường xuất khẩu thu hẹp, hàng rào kỹ thuật nhiều. Lãnh đạo Saigon Co.op cũng cho biết, khi xuất khẩu đình đốn, người mua lại có dịp thưởng thức những sản phẩm chất lượng cao với giá cả hợp lý, do đó, siêu thị các nước ế ẩm nhưng siêu thị Việt Nam vẫn bán chạy các mặt hàng chủ lực như cá tra, tôm… vai trò điều tiết của siêu thị ngày càng rõ nét hơn.

Khó khăn về giá và thương hiệu

Đại diện các siêu thị cho biết, sở dĩ sản phẩm thủy sản Việt Nam bán ở siêu thị có khi lên tới 50 - 60% diện tích trưng bày bán thực phẩm tươi sống và chế biến, nhưng doanh số chưa cao là do giá cả chưa hấp dẫn người tiêu dùng. Hiện nay, giá các mặt hàng thủy sản tiêu thụ ở siêu thị Việt Nam vẫn ngang bằng, thậm chí có lúc cao hơn giá xuất khẩu. Mức chiết khấu của các siêu thị trong nước trung bình là 10% trong khi mức chiết khấu của các siêu thị nước ngoài là 20%, chưa kể chi phí xuất khẩu rất cao. Do vậy, việc giá bán sản phẩm thủy hải sản tại siêu thị cao một phần là do các doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc kích cầu thị trường nội địa.

Cùng với đó, các doanh nghiệp lại chưa làm tốt công tác truyền thông giới thiệu sản phẩm tiêu thụ nội địa, khiến cho dư luận vẫn cho rằng “sản phẩm ngon để xuất khẩu, thứ phẩm bán trong nước”, hoặc chất lượng tiêu thụ trong nước không tương đương với chất lượng xuất khẩu. Đại diện một đơn vị siêu thị cho rằng: “Chúng tôi chỉ có thể ưu tiên các sản phẩm trong nước ở các vị trí bán thuận lợi, bắt mắt nhất, còn việc quảng bá sản phẩm và quy trình truy xuất nguồn gốc cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản”. Ngoài các doanh nghiệp thì các địa phương nuôi trồng nhiều thủy sản cũng có thể phối kết hợp với các siêu thị để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của mình, tương tự cách làm với các chợ đầu mối. Mặt khác, dù thị trường tiêu thụ thủy hải sản trong nước mỗi năm lên tới khoảng 65.000 tỷ đồng nhưng việc xây dựng thương hiệu lại chưa tương xứng.

Thủy sản ngoại xâm lấn thị trường

Sở dĩ các sản phẩm xuất khẩu và nhập khẩu được đánh giá cao là do người mua tin rằng để xuất khẩu, các sản phẩm đã trải qua nhiều khâu kiểm định của các cơ quan trong và ngoài nước, nên chất lượng tốt hơn. Do vậy, để tạo được niềm tin đối với khách hàng trong nước, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại các siêu thị sẽ là một yêu cầu bức thiết. Nếu như sản phẩm nhập khẩu dễ dàng truy xuất được nguồn gốc và danh tính nhà xuất khẩu, nhập khẩu thì các sản phẩm trong nước vẫn còn khá “mơ hồ” nhất là mặt hàng tươi sống.  

Thời gian gần đây, nhiều sản phẩm thủy sản nước ngoài được tiêu thụ mạnh tại các siêu thị trong nước đã gióng lên hồi chuông về nguy cơ “thất bại trên sân nhà” của các nhà sản xuất tiêu thụ thủy sản Việt Nam. Các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh bày bán rất nhiều cá sa ba, thu đao Đài Loan, cá cam Nhật. Chưa kể tại các chợ đầu mối hiện bán rất nhiều mực và cá thu đao Đài Loan, cá nục bông Nhật Bản, đầu cá hồi Na Uy... Tại chợ đầu mối Bình Điền chúng tôi thấy bán rất nhiều mực Đài Loan với giá rất rẻ.

Vì sao sản phẩm ngoại lại có chỗ đứng tại thị trường Việt Nam với giá cả rất hợp lý? Bí quyết được các nhà nhập khẩu cho biết đó là các nhà phân phối sản phẩm từ nước ngoài “kỳ thị” với cách làm ăn thông qua thương lái và cò mồi, họ luôn muốn trực tiếp làm việc với các siêu thị tại Việt Nam mà không qua trung gian. Việc giảm chi phí trung gian đã giúp các sản phẩm ngoại có sức cạnh tranh về giá. Sức nóng của sản phẩm ngoại ngày càng lớn khi mỗi đêm chợ đầu mối Bình Điền tại TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 150 tấn thủy sản các nước, cung ứng cho các nhà hàng và các chợ trong thành phố. Mặt khác, các nhà phân phối nước ngoài đang dần “thâu tóm” kênh phân phối siêu thị tại Việt Nam qua các hợp đồng mua bán chuyển nhượng. Nhà bán lẻ nước ngoài hiện chiếm lĩnh hơn 51% thị phần bán lẻ hiện đại trên cả nước. 

>> Ước tính, đến năm 2020, doanh nghiệp FDI sẽ chiếm 68% kênh thị phần bán lẻ tại Việt Nam nếu như các doanh nghiệp Việt Nam không đẩy mạnh việc xây dựng kênh phân phối sản phẩm. Bởi vậy, để các mặt hàng thủy sản Việt Nam không “vỡ trận” ngay trên sân nhà việc tổ chức các kênh phân phối sản phẩm qua các siêu thị và các nhà bán lẻ danh tiếng là điều cần phải được quan tâm nhiều hơn.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi tôm bền vững gắn bảo tồn vùng ngập mặn Nuôi tôm bền vững gắn bảo tồn vùng ngập mặn

Tính bền vững của ngành tôm gắn với bảo vệ rừng ngập mặn là ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Bảo tồn rừng ngập mặn thông qua nuôi tôm bền vững và giảm phát thải

27/04/2017
Cà Mau: Thương lái Trung Quốc- Hàn Quốc tranh nhau mua cua Năm Căn Cà Mau: Thương lái Trung Quốc- Hàn Quốc tranh nhau mua cua Năm Căn

Có nhiều lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh con tôm, một loại thủy sản khác cũng đã khẳng định được thương hiệu và hiệu quả kinh tế là con cua.

27/04/2017
ĐBSCL: Cá lóc nuôi “vỡ trận” ĐBSCL: Cá lóc nuôi “vỡ trận”

Cá lóc đang khiến người nuôi tại ĐBSCL thua lỗ nặng vì mức giá quá thấp trong thời gian dài. Nhiều hộ treo ao hay chuyển sang nuôi các đối tượng nuôi khác.

27/04/2017