Prices / Mô hình kinh tế

Khởi nghiệp với mô hình nuôi tảo Spirulina

Khởi nghiệp với mô hình nuôi tảo Spirulina
Author: MInh Đảm - Hữu Đức
Publish date: Saturday. June 19th, 2021

Tảo Spirulina được ví là siêu thực phẩm xanh được anh Văn Hữu Tài ở xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long chọn làm mô hình khởi nghiệp.

Anh Văn Hữu Tài khởi nghiệp từ mô hình nuôi tảo Spirulina ở Vĩnh Long. Ảnh: Minh Đảm.

Với hành trang kiến thức được trang bị khi là sinh viên ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), anh Tài đã mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi tảo tại khu đất trống của gia đình. Hiện nay, anh Văn Hữu Tài đã thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ tảo Spirulina với nhãn hiệu Tảo Xoắn Mê Kông. Sản phẩm gồm hai loại là tảo tươi và tảo khô.

Anh Văn Hữu Tài chia sẻ, anh đã đam mê, chìm đắm với loại tảo này từ khi còn đang là sinh viên năm ba, và bắt đầu ước mơ với đề tài tốt nghiệp dựa trên công trình nghiên cứu loại tảo này. Tài hiện thực hóa đề tài trên chính vùng đất quê hương, đem giống tảo Spirulina thuần dưỡng, nhân giống loại tảo xoắn mang thương hiệu sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm bột tảo xoắn Spirulina của Tài có mùi thơm của biển cả, vị đặc trưng của tảo biển, nhưng không tanh như các loại tảo khác.

Anh Tài cho biết trong quá trình học tập, được thầy cô bộ môn giới thiệu về tảo Spirulina. Anh đặc biệt ấn tượng về hàm lượng dinh dưỡng cao nó. Tính dược liệu có trong tảo đặc biệt là Phycocyanin và Chlorophyll vừa giúp ngăn ngừa bệnh, vừa có giá trị trong sản xuất mỹ phẩm. Từ đó, anh quyết định chọn mô hình nghiên cứu tảo Spirulina để làm đề tài tốt nghiệp đại học.

Hiện nay, anh Tài nuôi 8 bể tảo, mỗi bể 3 khối, hàng tháng thu hoạch từ 5-6 kg tảo tươi. Ảnh: HĐ.

Trong tảo có hàm lượng protein dao động từ 50 -70%, có thể nói là cao nhất trong các loại thực phẩm. Hiện tại với kỹ thuật nuôi của Tài, tảo đã có thể đạt lượng protein trên 60%. Với hàm lượng dinh dưỡng cao có trong tảo, nhà khởi nghiệp trẻ tự tin có biết, chỉ cần sử dụng 3g tảo khô, cơ thể con người sẽ được cung cấp năng lượng tương đương với một bữa ăn.

Bên cạnh, có thể dùng trực tiếp tảo khô bằng cách pha với nước ấm. Từ tảo khô, có thể chế biến nhiều món ăn. Khi nấu súp, canh, người ta có thể bổ sung tảo để tăng cường dinh dưỡng và còn có thể dùng để làm bánh.

Tài cho biết, việc nuôi tảo cũng chịu sự ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết “nắng không ưa, mưa không chịu”, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng. Qua nhiều lần thử nghiệm, đến nay, cơ sở của anh đã thành công việc nuôi tảo với mô hình tự sáng tạo gồm 8 bể (3m3 nước/bể), thu hoạch 15 ngày một lần, được từ 2- 3 kg tảo tươi/bể.

Anh Tài đang kiểm tra chất lượng tảo để chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: LHV.

​Bột tảo Spirulina là một sản phẩm được tạo thành từ vi tảo dạng sợi xoắn màu xanh lục có tên Spirulina, sinh trưởng phát triển trong đại dương, các hồ nước mặn ở khu vực khí hậu cận nhiệt đới.

Sản phẩm hiện nay có rất nhiều trên thị trường Việt Nam, và đã được các nhà khoa học ví như là “siêu thực phẩm xanh”, là sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, có tác dụng tốt, hiệu quả với sức khỏe con người.

Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) đánh giá: Tảo Spirulina là một nguồn dinh dưỡng và dược chất quý giá. Tuy nhiên, bột tảo Spirulina được thuần dưỡng bởi nguồn nước của sông Tiền, thì chỉ có sản phẩm Bột tảo Spirulina của thương hiệu Tảo xoắn Mê Kông, được ươm mầm, nuôi dưỡng bởi nhà doanh nghiệp trẻ Văn Hữu Tài.

Tảo xoắn Spirulina dưới kinh hiển vi. Ảnh: TL.

​Tuy có khó khăn trong khởi nghiệp, nhưng anh Tài vẫn tin rằng “Tảo xoắn Mê Kông” sẽ không thua xa các loại tảo khác, và sẽ khẳng định thương hiệu thông qua chương trình OCOP, tạo ra sản phẩm đặc trưng của vùng đất Long Hồ (Vĩnh Long). Hiện tại, sản phẩm tảo xoắn Mê Kông của Tài đã đạt được chứng nhận OCOP 3 sao do UBND tỉnh Vĩnh Long cấp.

Sau một năm nghiên cứu, đưa sản phẩm ra thị trường, Tài nhận thấy sản phẩm có tiềm năng phát triển. Thời gian tới, Tài ấp ủ kế hoạch kết hợp với chính quyền địa phương phát triển một HTX nuôi tảo trên chính quê hương Tân Hạnh của mình.


Related news

Chuyển lúa trồng lạc, hiệu quả cao gấp 3 lần Chuyển lúa trồng lạc, hiệu quả cao gấp 3 lần

Một số xã vùng núi huyện Lục Yên (Yên Bái) chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng lạc, thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa.

Saturday. June 19th, 2021
Nuôi ong dú lấy mật, bán trên 1 triệu đồng/lít Nuôi ong dú lấy mật, bán trên 1 triệu đồng/lít

Những năm gần đây, nghề nuôi ong dú lấy mật được nhiều hộ gia đình ở Lâm Đồng phát triển và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Saturday. June 19th, 2021
Tỷ phú ốc tuổi 23 Tỷ phú ốc tuổi 23

Mới 23 tuổi, chàng trai Hoàng Mạnh Cường, xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên làm chủ mô hình nuôi ốc nhồi 10.000m2, doanh thu 2 tỷ đồng/năm.

Saturday. June 19th, 2021