Giá / Mô hình kinh tế

Khó Trồng Đại Trà Giống Ngô Biến Đổi Gen

Khó Trồng Đại Trà Giống Ngô Biến Đổi Gen
Tác giả: 
Ngày đăng: 22/04/2012

Sau khi tiến hành khảo nghiệm trên cả diện hẹp và diện rộng, các đơn vị nghiên cứu loại ngô biến đổi gen có chung ý kiến rằng loại cây này không ảnh hưởng đến hệ sinh thái xung quanh. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cảnh báo, kết quả nghiên cứu còn chưa đủ tin cậy và cần tiếp tục tiến hành khảo nghiệm thêm trước khi trồng đại trà.

Tại Hội nghị thông báo kết quả khảo nghiệm ngô biến đổi gen được tổ chức ngày 5-4 tại Hà Nội, TS. Phạm Thị Liên, đại diện cho nhóm tác giả làm khảo nghiệm đối với giống ngô TC1507 cho biết, giống ngô này không có nguy cơ trở thành cỏ dại hay xâm lấn môi trường tự nhiên và không có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sinh vật không chủ đích. Hơn nữa, trong quá trình khảo nghiệm không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào thể hiện ngô TC1507 cũng như các giống ngô khảo nghiệm khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, động vật và các sinh vật trong khu khảo nghiệm cũng như môi trường xung quanh.

Tương tự với các giống ngô biến đổi gen còn lại, kết quả khảo nghiệm cũng cho thấy không có sự sai khác về mức độ hiện diện và gây hại của các loại bệnh hại chính trên ngô, không ghi nhận thấy sự xuất hiện của bệnh hại mới hoặc sự bùng phát gây hại của các loại bệnh hại ngô thông thường. Ngoài ra, chỉ tiêu về thành phần loài, phân bố, số lượng loài và mức độ phong phú, số lượng cá thể, mật độ trung bình của các loại côn trùng cũng không có sự sai khác giữa ngô biến đổi gen và ngô thông thường.

Các kết quả khảo nghiệm trên đã tạo ra tín hiệu tốt, tích cực trước khi ngành nông nghiệp có thể xem xét tiến hành trồng đại trà ngô biến đổi gen trên cả nước. Tuy nhiên, tại hội nghị, một số nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về tính chính xác của kết quả khảo nghiệm này.

GS. Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội giống cây trồng Việt Nam cho hay, kết luận của các tác giả là “vội vàng” vì việc đánh giá phải qua 3 cấp độ khác nhau, đặc biệt là đối với hệ sinh thái thì càng không thể vội vàng. Muốn đưa bất kỳ cây trồng biến đổi gen nào vào trồng đại trà cần phải có đánh giá rủi ro và giám sát chặt chẽ.

Ông Long lưu ý về thông tin việc Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu có những thông tin chống cây trồng biến đổi gen do đó Việt Nam càng phải cẩn trọng. Chính vì vậy, ông Long và nhiều nhà khoa học khác yêu cầu phải lặp lại khảo nghiệm 3 lần trong 3 vụ liên tiếp mới có thể kết luận được.

Tuy nhiên ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng viện Di truyền Nông nghiệp, cho biết, năm 2011, trên thế giới đã trồng 160 triệu héc ta cây trồng biến đổi gen, gấp 40 lần diện tích trồng lúa của nước ta. Hơn nữa, đã có 29 nước đã trồng cây trồng biến đổi gen và thực tế cho thấy ngày càng nhiều cây trồng biến đổi gen được đưa vào trồng trên thế giới.

Tiến độ khảo nghiệm giống cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam hiện nay còn rất chậm. Philipines đã đưa giống cây biến đổi gen vào trồng và sử dụng từ 2005 và cho đến nay vẫn chưa có hiện tượng gì đặc biệt tới sức khỏe con người, đa dạng sinh học hay là môi trường. “Vì vậy nếu chúng ta đưa vào nhanh cây trồng biến đổi gen thì đây là cơ hội tốt cho ngành nông nghiệp nước ta”, ông Hàm chia sẻ.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang cân nhắc đưa ba loại cây biến đổi gen vào trồng trên diện rộng là ngô, bông và đậu tương. Đây là 3 loại sản phẩm Việt Nam phải nhập khẩu số lượng rất lớn, nhập khoảng hơn 1 triệu tấn ngô, 2 đến 3 triệu tấn đậu tương và nhập 80 - 90% nhu cầu sử dụng bông.

Tuy nhiên, ông Hàm cũng phải thừa nhận, không một công nghệ nào không có rủi ro và cần phải có một đơn vị giám sát chặt chẽ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, bộ sẽ thông báo toàn bộ kết quả khảo nghiệm ngô biến đổi gen lên mạng để tiếp tục lấy ý kiến. Tuy nhiên, việc đưa được ngô biến đổi gen trồng đại trà còn rất gian nan vì sau khi bộ đánh giá được rủi ro của giống cây này thì tiếp tục tới Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Bộ Y tế tiến hành điều tra tác động tới môi trường và sức khỏe con người và động vật.

Ngô biến đổi gen được bắt đầu khảo nghiệm diện hẹp tại Việt Nam từ giữa năm 2010 tại Văn Giang (Hưng Yên) và Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu). Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến 6-2011, ngô biến đổi gen tiếp tục được khảo nghiệm trên diện rộng tại một số địa phương như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Đắc Lắc, Sơn La và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các giống ngô biến đổi gen được đưa vào khảo nghiệm gồm TC1507 của Công ty TNHH Pioneer Hi – Bred Việt Nam; giống MON89034 và NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam; giống BT11 và GA21 của Công ty TNHH Sygenta Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

Dân Trồng “Mía Đắng”, Tư Thương Dân Trồng “Mía Đắng”, Tư Thương "Ăn Dày"

Thời tiết nắng nóng, sức tiêu thụ nước mía ở Đà Nẵng tăng mạnh, nhưng đáng buồn, người trồng mía ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) lại “nếm” thêm một mùa “mía đắng” do tư thương cấu kết thu mua với giá rẻ như bèo.

22/04/2012
Phải Công Bố Tiêu Chuẩn Chất Lượng Giống Thủy Sản Phải Công Bố Tiêu Chuẩn Chất Lượng Giống Thủy Sản

Từ 5/7, công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống thủy sản sẽ được siết chặt hơn bằng Thông tư 26/2013 về quản lý giống thủy sản mà Bộ NN&PTNT vừa ban hành.

22/04/2012
Mùa Vải Chín Mùa Vải Chín

Tổng sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 140.000 tấn quả tươi. Trong đó tỉnh sẽ tiêu thụ nội địa khoảng 60% còn lại xuất khẩu 40% với các thị trường xuất khẩu chính là: Trung Quốc, Lào, Campuchia và một số nước châu Âu.

22/04/2012