Khó tin: Chỉ sạ 50kg giống/ha, năng suất lúa vẫn cao ngất
Chương trình “Sản xuất lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (thương hiệu phân bón Đầu Trâu) tổ chức vào năm 2016 tại đồng bằng sông Cửu Long rất được nông dân quan tâm, trong đó có việc gieo sạ thế nào cho hợp lý.
Trong ảnh: Hướng dẫn nông dân canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: M.Q
Tặng sạ để thay đổi lối mòn
Nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh: Nếu gieo mạ để cấy chỉ cần 30 - 35kg giống là có thể cấy đủ cho 1ha. Về mức sạ, thực tế bà con các tỉnh miền Bắc đã gieo chỉ có 40kg giống cho 1ha, có nơi gieo chưa đến 36kg giống cho 1ha mà vẫn đạt năng suất cao. Ở các tỉnh miền Nam, đã có trường hợp nông dân tại Kiên Giang gieo sạ 70kg thóc mà năng suất cao hơn mức sạ 150kg.
Chủ trương của Bộ NNPTNT là giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ hơn nữa để giảm chi phí đầu tư, tăng thêm lợi nhuận.
Ở Sóc Trăng, đã có nông dân gieo 50kg giống để cấy cho 1ha, thu lại năng suất cao hơn mức sạ 180kg. Khi chương trình “Sản xuất lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (thương hiệu phân bón Đầu Trâu) tổ chức trong vụ hè thu 2016 tại đồng bằng sông Cửu Long, khi thảo luận, nông dân tỏ ra phấn khởi và tin tưởng. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại, sợ lượng giống ít thì không đủ số bông để cho năng suất cao.
Lý giải về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, nông dân đã quen sử dụng lượng giống gieo sạ cao đến mức 250 kg/ha, dù chương trình "1 phải 5 giảm" đã được bà con áp dụng từ lâu. Nhưng khi thực hiện, nông dân vẫn áp dụng phương pháp vừa làm vừa lắng nghe nên đến nay phần lớn lượng giống gieo sạ cũng chỉ mới dao động trong khoảng 120 - 150kg. Bên cạnh đó, còn nhiều trường hợp vẫn sử dụng lượng giống đến 180 - 200kg. Cũng có trường hợp nông dân mạnh dạn giảm xuống mức 100 kg/ha. Biết được điều này, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền đã biếu không lượng giống gieo sạ trong chương trình và cũng biếu nông dân đủ cơ số phân trình diễn cho cả 13 tỉnh trong khu vực.
Tuân thủ khi tham gia chương trình
Nông dân gieo sạ tại xã Bắc Hòa, huyện Thạnh Hóa, Long An. Ảnh: M.Q
Để đánh giá giữa kỳ chương trình này, chúng tôi có dịp đến thăm nhóm nông dân 5 hộ tham gia chương trình tại xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, An Giang. Trong điều kiện thời tiết bình thường, ở đây thu hoạch xong vụ đông xuân là thu xếp sạ ngay vụ lúa hè thu. Nhưng do biến đổi khí hậu, hạn hán diễn ra khốc liệt nên các ruộng sản xuất và trình diễn đều phải sạ trễ lại.
Đến thăm khu ruộng của nông dân Từ Bá Đạt, nhóm trưởng của khu vực và đại diện cho mô hình của tỉnh An Giang. Ông Đạt cho biết gieo sạ ngày vào cuối tháng 5.2016. Có thành viên đã sạ trước sớm hơn 8 ngày. Nhìn chung, lúa mọc xanh tốt và biểu hiện mật độ hơi dày, nông dân cũng có nhận định như vậy. Trong mô hình, nông dân mới bón phân đợt 1 mà mật độ cây đã báo hiệu là hơi dày.
Nông dân Huỳnh Văn Thục (ở ấp Vĩnh Bình, cùng xã ông Đạt) cho biết, ông sạ 192kg giống/ha, còn ông Phạm Văn Thứ thì lại sạ 92kg/ha, ông Trần Văn Sang thuộc mức trung bình cũng sạ 170kg/ha. Khi hỏi: “Các bác sạ như vậy có dày không?” thì nhận được câu trả lời là… nụ cười thân thiện.
Đoàn chúng tôi đến thăm nhóm nông dân ở xã Bắc Hòa, huyện Thạnh Hóa, đại diện cho mô hình của tỉnh Long An. Bắc Hòa ngày nay đã thay da đổi thịt, có điện, có đường giao thông đến tận thôn ấp. Tuy nhiên, cũng vẫn còn có nới phải dùng xuồng để đến được từng nông hộ. Ở đây nông dân miền Bắc sống quây quần từ nhiều năm trước. Bởi vậy, các kỹ thuật mới hay công nghệ mới khi đến được với một người thì nhiều người khác đều bắt chước làm theo. Đồng ruộng được san bằng khá đẹp mắt, không kém khu ruộng của bà con nông dân ở Tân Hiệp, Kiên Giang là mấy.
Chúng tôi đến thăm mô hình của nông dân Vũ Đình Toán ở ấp Hòa Hưng, xã Bắc Hòa. Ông Toán là người Nga Sơn, Thanh Hóa, đi bộ đội từ năm 1972. Đến năm 1978, do trung đoàn giải thể, ông gặp gỡ người bạn đời quê ở miền Tây nên xin về đây tậu ruộng, lập gia đình và bám trụ mảnh đất này từ đó đến nay. Số đất tậu được sau khi chia lại cho các con, nay ông còn canh tác gần 5ha lúa. Ông cũng là nhóm trưởng của mô hình sản xuất lúa thông minh.
Khác với Mỹ Thạnh Tây, Châu Phú, ở đây do địa hình thấp, trũng nên có đủ nước vì vậy ruộng mô hình của ông sạ vào ngày 2/5. Khi chúng tôi đến thăm, cây lúa đã được 25 ngày tuổi, đã bón thúc đợt 2. Nhìn trà lúa sạ 80kg/ha, các nông dân ngoài mô hình ai cũng bảo dày. Hỏi ra mới biết, ở đây bà con từ lâu chỉ sạ 5 - 6kg/công, nghĩa là chỉ có 50 - 60kg/ha. Hỏi cụ thể thì bằng chứng sạ thưa như vậy không thể đếm hết. Mức sạ 6 kg thì hỏi ai cũng làm như vậy.
Tôi không thể ghi lại hết danh sách của bà con đã áp dụng kỹ thuật sạ thưa như vậy vì ai cũng làm thế cả. Nhưng vì họ tham gia chương trình nên phải tuân thủ làm theo. Như vậy, yếu tố sạ thưa mức 80kg/ha thì quá mới với nhiều nông dân các tỉnh miền Tây nhưng quá cũ với bà con xã Bắc Hòa là vựa lúa của tỉnh Long An.
Khi hỏi sạ thưa như vậy có ảnh hưởng đến số bông nhiều hay ít, bà con trả lời như các nhà khoa học đã giải thích. Những ruộng năng suất cao trên 9 tấn tươi đều có số bông dao động từ 400 - 600/m2. Với số bông này, gieo sạ mật độ 50 kg/ha thừa sức thực hiện được, khi các kỹ thuật khác như phân bón, chế độ nước và trử cỏ, phòng ngừa sâu bệnh được thực hiện đúng theo hướng dẫn.
Related news
Từ tưới nhỏ giọt đến thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cuộc cách mạng nông nghiệp của Israel đang mang đến những phương thức mới để thay đổi bộ mặt của sản xuất
Công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ thực vật thân thiện với môi trường, nuôi cá trong sa mạc, trồng rau trong nhà kính... là những công nghệ "siêu phàm"
Giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp về minh bạch khái niệm sữa hiện nay và cam kết mạnh mẽ của Bộ Y tế sau 2 năm việc giải quyết nhập nhèm tên sữa