Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Cho Thu Nhập Cao
Khởi nghiệp từ 20 gốc thanh long ruột đỏ trồng thử nghiệm, đến nay ông Lê Văn Tấn, 61 tuổi, hội viên Chi hội Cựu chiến binh (CCB) ấp Kiến Vàng A, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, đã có gần 500 gốc thanh long ruột đỏ. Từ vườn thanh long này, mỗi năm gia đình ông thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng.
Với diện tích đất trống xung quanh nhà, ông Tấn suy nghĩ phải trồng cây gì để không phí đất. Thời gian đầu, ông Tấn trồng các loại cây ăn trái như: xoài, ổi, mít… nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Cách đây gần 5 năm, tình cờ nghe tư vấn về trồng cây thanh long ruột đỏ, ông lặn lội đến xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, để mua cây giống, thời điểm đó, mỗi cây giống có giá 25.000 đồng.
Qua vài vụ thu hoạch, thấy rõ hiệu quả, ông Tấn mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng gần 500 gốc thanh long. Vì theo ông, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương hoàn toàn thích hợp với giống thanh long ruột đỏ.
Hiện nay, vườn thanh long bình quân mỗi năm cho thu hoạch trên 3 tấn quả, với giá bán tại địa phương 20.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu về trên 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm ông còn bán trên 3.000 cây thanh long giống, mỗi cây 15.000 đồng. Như vậy, bình quân mỗi năm, vườn thanh long của ông cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Cùng với vườn thanh long, với diện tích đất sản xuất trên 1 ha, ông Tấn còn nuôi tôm quảng canh truyền thống, cua, cá… Như vậy, tính tất cả các khoản thu, mỗi năm cựu chiến binh này có từ 200-250 triệu đồng. Ông Tấn tin tưởng, tới đây các gốc thanh long này sẽ cho thu hoạch cao hơn nhiều so với hiện tại.
Ông Trần Văn Hương, Chủ tịch Hội CCB xã Việt Thắng, nhận xét, CCB xã Việt Thắng có nhiều mô hình, nhưng thực tế hiệu quả cao là mô hình của ông Tấn. Từ mô hình này, nhiều CCB trong xã học hỏi kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình.
Điều đáng quý là, ông Tấn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng thanh long với những ai có nhu cầu muốn làm kinh tế từ loại cây này. Theo ông Tấn, đây là loại cây dễ trồng, đầu tư không lớn, chăm sóc đơn giản, không sâu bệnh. Thanh long ra trái đều từ tháng 5-11 nên không bị áp lực đầu ra, bảo quản đơn giản, vận chuyển dễ dàng và để được lâu nên không sợ bị hỏng.
Có thể bạn quan tâm
27 tuổi là ông vua của một trang trại trồng nấm ở huyện Tân Yên, thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Đó là anh Nguyễn Văn Quý ở thôn Quang Châu, xã Ngọc Châu là một người như thế.
Ngư dân không bám biển thì không có cá, tôm không có sinh kế. Đặc trưng sinh kế này buộc ngư dân phải gắn bó rất chặt chẽ với biển. Muốn ra được biển trong bối cảnh phức tạp hiện nay họ cần được đầu tư hỗ trợ. Nhà nước và thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân; tuy nhiên, vì nhiều lý do, các chính sách này chưa đến được ngư dân. Không được tiếp sức kịp thời, hiệu quả khi đang ở giai đoạn khó khăn nhất, ngư dân ngày càng đuối sức, khai thác thủy sản Hải Phòng vì thế ngày càng tụt hậu.
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt gia súc bị bơm nước.