Khó Khăn Bủa Vây Nông Dân
Author:
Publish date: Sunday. June 24th, 2012
Thời gian gần đây, giá các loại mặt hàng nông sản liên tục giảm đã làm cho nhiều nông dân lo lắng. Họ lo lắng vì vừa thua lỗ trong sản xuất, kinh doanh, vừa bị tồn kho sản phẩm. Hàng hóa làm ra nhiều, giá rẻ nhưng vẫn không bán được và không biết đến bao giờ tình trạng này mới chấm dứt!
Giá cao su giảm mạnh
Đầu mùa cạo 2012, nhiều người trồng cao su (CS) dự đoán giá bán mủ CS sẽ thấp hơn so với mùa cạo năm 2011 và thực tế giá mua mủ CS vẫn duy trì ở mức 650 - 670 đồng/độ. Tuy nhiên, sau khoảng hơn 1 tháng chính thức bước vào mùa cạo đến nay, người trồng CS tỏ ra khá lo lắng khi giá bán mủ liên tục giảm và chưa có điểm dừng. Hiện giá mủ CS chỉ còn từ
500 - 510 đồng/độ. Ông Phạm Văn Tâm, ngụ xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Chuyện giá CS lên xuống đối với người nông dân chúng tôi trong thời gian qua không còn là chuyện bất ngờ. Tuy nhiên, từ đầu vụ đến nay giá mủ chỉ thấy giảm mà không tăng cũng đã làm cho chúng tôi lo lắng. Chi phí đầu tư bỏ ra cho vườn CS là khá lớn, nếu giá mủ còn giảm nữa thì mùa cạo năm nay nông dân chúng tôi cầm chắc thua lỗ”.
Không riêng gì ông Tâm, nhiều nông dân trồng CS tại các địa phương khác cũng đều tỏ ra lo lắng khi giá mủ liên tục sụt giảm và tận dụng cơ hội này để “trẻ hóa” vườn cây của gia đình. Anh Cường, ngụ xã Tân Hưng, huyện Bến Cát, cho biết: “Giá mủ CS năm vừa qua tuy có giảm nhưng vẫn còn đứng ở mức “kiếm ăn được” nên mặc dù vườn cây gia đình tôi đã bắt đầu có dấu hiệu giảm năng suất nhưng tôi vẫn chưa muốn thanh lý vườn cây để trồng lại. Bước vào mùa cạo năm nay, tôi thực hiện cạo đục để tận thu, nhưng với tình hình giá mủ hiện nay tôi quyết định thanh lý vườn cây”.
Sự lo lắng của người trồng CS khi giá mủ xuống thấp là điều dễ hiểu, bởi suốt một thời gian khá dài họ đã quen với việc bán mủ giá cao nên khi giá mủ giảm trong một thời gian dài làm cho nhiều người cảm thấy “mất thăng bằng”. Tuy nhiên, nếu đem so sánh với giá bán mủ các năm trước đây thì giá mủ hiện nay vẫn là mức khá cao và vẫn mang lại nguồn lợi đáng kể cho người trồng CS. Đây cũng là cơ hội để những nông dân có vườn cây già cỗi tiến hành “trẻ hóa” vườn cây, chờ đón thời cơ một chu trình mới.
Heo, gà mất giá!
Cũng như trồng trọt, người chăn nuôi thời gian gần đây cũng chịu thiệt hại nặng nề do giá sản phẩm chăn nuôi liên tục giảm và kéo dài. Những người nuôi càng nhiều thì thiệt hại càng nặng. Hiện giá heo hơi chỉ còn duy trì ở mức trên dưới 40.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với mức giá 50.000 - 55.000 đồng/kg thời điểm đầu năm. Giá heo hơi giảm mạnh trong một thời gian dài là do tác động tiêu cực từ thông tin sử dụng hóa chất tạo nạc trong chăn nuôi gây ra. Thị trường tiêu thụ thịt heo giảm mạnh đã làm cho thịt heo mất giá một cách nhanh chóng.
Không riêng con heo, mà người chăn nuôi gà cũng chung số phận khi giá chỉ còn 29.000 - 30.000 đồng/kg đối với gà trắng và 37.000 - 38.000 đồng/kg đối với gà tam hoàng. Cũng như con heo, giá gà giảm mạnh là do sức mua của thị trường yếu. Có thể nói, hiện người chăn nuôi đang nằm trong tâm “bão” thị trường. Đó là chưa kể khó khăn do giá đầu vào cao và dịch bệnh đe dọa. Ông Phùng Văn Thức, chủ trại heo tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, cho biết thông tin về việc sử dụng hóa chất cấm đã làm cho những người chăn nuôi chân chính như gia đình ông thiệt hại nặng nề. “Để có thể tiếp tục duy trì chăn nuôi, gia đình tôi phải vay tiền từ ngân hàng và trông chờ thịt heo tăng giá trở lại trong thời gian tới. Nếu giá thịt heo tiếp tục đứng ở mức thấp thêm một thời gian nữa thì không phải tôi mà nhiều người khác cũng đành treo chuồng chứ nuôi sao nổi!”, ông Thức cho biết.
Không như lĩnh vực trồng trọt, nhiều người nuôi heo, gà trên địa bàn tỉnh đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một số người cố gắng tìm cách duy trì bầy đàn để chờ giá, nhưng không ít người đã phải dừng cuộc chơi vì thua lỗ và thông tin dịch bệnh đang xuất hiện. Vì vậy, đối với những người đang cầm cự, để có thể thắng lớn khi giá tăng cao trở lại do cầu vượt cung, cần đề phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đang nuôi. Để cứu người chăn nuôi, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, các cơ quan hữu quan ngoài việc thông tin về các trường hợp sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi cũng cần thông tin thêm về khả năng lây lan dịch bệnh và các biện pháp an toàn trong chăn nuôi.
ĐÀ BÌNH
Related news
Nhân Rộng Các Mô Hình Chăn Nuôi Hiệu Quả
Để giải quyết lao động nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho người dân, thời gian gần đây các địa phương ở Quảng Nam đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sunday. June 24th, 2012
Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Chim Cút
Bằng sự cần cù, chịu khó, anh Ngô Đắc Ánh, hội viên Hội LHTN xã Thủy Phù (Hương Thủy - Thừa Thiên Huế) đã tạo được mô hình kinh tế phù hợp. Ngoài lãi ròng 30 triệu đồng mỗi năm, anh còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Sunday. June 24th, 2012
Sản Xuất Nấm, Hái Ra Tiền
Nhận định về thế mạnh và tiềm lực SX nấm để phát triển thành ngành hàng công nghiệp thực phẩm, các nhà chuyên môn cho rằng ĐBSCL hội tụ đầy đủ yếu tố và đang đứng trước cơ hội vàng.
Sunday. June 24th, 2012