Khẳng Định Không Có Chất Trifluralin Ở Cá Điêu Hồng
Chiều 18/4, ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp tỏ ra rất bức xúc: “Chúng tôi khẳng định, thông tin cá nhiễm chất cấm có nguồn gốc từ Đồng Tháp là chưa thỏa đáng về mặt khoa học”.
Bởi qua xác minh, các thương lái thu mua cá điêu hồng đi bán ở chợ TP.HCM như ông Nguyễn Văn Vũ, Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Văn Bình mà Chi cục QLCLNL-TS TPHCM cung cấp đúng là thương lái cá ở Đồng Tháp. Tuy nhiên qua làm việc, ông Nguyễn Văn Bình xác nhận không thu mua cá điêu hồng. Còn ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết: có thu mua cá điêu hồng không chỉ ở một chỗ là Đồng Tháp mà mua ở các tỉnh tại ĐBSCL, nhưng do thời gian quá lâu và lại không có lưu sổ sách ghi chép nên không nhớ rõ.
Riêng ông Nguyễn Văn Vũ, cho biết: mẫu cá bị nhiễm chất cấm là mua từ hộ ông Nguyễn Hoàng Nhân. Tuy nhiên qua kiểm tra sổ sách ghi chép tại hộ nuôi của ông Nhân không phát hiện có sử dụng chất cấm, đặc biệt là hoạt chất Trifluralin. Bởi theo ông Vũ, điều này không chỉ gây ra tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, cho xã hội mà còn là được xem như cú hạ nốc ao người chăn nuôi với hệ lụy nặng nề hơn cả những gì đã từng xảy ra với cá kèo và cá rô đầu vuông trước đây.
Hiện tại, toàn tỉnh Đồng Tháp có 1.765 bè nuôi cá điêu hồng tập trung nhiều ở hai con sông Tiền và sông Hậu, mỗi vụ nuôi cho sản lượng trên 13.000 tấn. Theo Chi cục thủy sản Đồng Tháp: Trước tình hình về tin đồn cá điêu hồng nhiễm chất cấm, khiến 922 hộ nuôi cá điêu hồng ở Đồng Tháp không thể bán cá được, tuy cá đến ngày xuất bán phải tiếp tục nuôi, nông dân tốn thêm khoảng chi phí thức ăn. Giá cá hiện nay đang xuống thấp, giá tại bè chỉ còn 24.000-25.000 đồng/kg, trong khi đó nông dân đầu tư 1kg cá từ 28.000-29.000 đồng/kg. Như vậy nông dân bị lỗ từ 4.000-5.000 đồng/kg.
Tin cá điêu hồng từ một vài hộ nuôi cá không rõ danh tính ở tỉnh Đồng Tháp bán về TP.HCM kiểm nghiệm phát hiện nhiễm chất kháng sinh cấm Trifluralin, một số cư dân làng bè nuôi cá điêu hồng đã lên tiếng phản ứng. Họ bị ảnh hưởng bởi tin tức đồn thổi quá đáng...
Một số chủ bè cá trên sông Hậu, sông Cần Thơ phản ứng rằng những thông tin đồn thổi quá mức vừa qua có tác dụng cực xấu, ảnh hưởng lớn đến nghề nuôi cá của người dân trong vùng.
Ông Bảy Bon, chủ 17 bè cá trên sông Hậu, thuộc Khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Từ năm 2009-2010 những bè cá điêu hồng của ông nuôi theo qui trình AquaGAP đạt chất lượng. Trong đó cá điêu hồng xuất khẩu 2 container đi Thụy Điển, Mỹ. Từ tháng 5/2011 đến nay ông chuyển sang thực hiện chương trình MetroGAP đạt tiêu chuẩn bán cá sạch, giá cao.
Do đó, khi hay tin trên ông Bảy Bon bức xúc: “Tôi cho rằng báo chí cần làm rõ về thông tin, địa chỉ và cả tên người nuôi, người bán cá bị kiểm nghiệm phát hiện có sử dụng chất kháng sinh cấm. Trong quá trình nuôi do người nuôi dùng thức ăn nhãn hiệu gì, ai sản xuất hay dùng thuốc trị bệnh trộn vô thức ăn như thế nào… và cơ quan chức năng nên vào cuộc, nên cử đoàn kiểm tra thực tế tại ao hay bè đang nuôi cá để làm rõ.
Chúng tôi cho rằng, báo chí không nên nói chung chung, dễ đánh đồng tất cả những người nuôi cá điêu hồng đều dùng chất cấm. Đó là cách để phân biệt làm rõ người nuôi cá sạch và đâu là những người nuôi chưa đúng qui trình kỹ thuật cần khuyến cáo. Chúng ta đã từng thấy bài học, cá tra nước ta nuôi sạch, nhưng đã từng bị cạnh tranh nước ngoài với đủ lời bôi nhọ, nói xấu. Vừa qua tin thị trường trong nước có một vài hộ nuôi heo dùng chất tạo nạc, lập tức ảnh hưởng tới một loạt người nuôi heo trong nước khốn đốn, khó bán, sản phẩm mất giá. Có phải hộ chăn nuôi heo nào cũng dùng loại thuốc như thế đâu? Còn nay tới lượt cá điêu hồng, chúng tôi nghĩ không thể chỉ dừng lại lấy mẫu cá tại chợ kiểm nghiệm rồi đưa tin cá nhiễm chất cấm tùm lum không biết rõ nguồn gốc từ đâu”.
Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ cho biết, cho đến nay dân nuôi cá điêu hồng chủ yếu nuôi theo làng bè trên sông Hậu, sông Cần Thơ, chưa phát hiện có sử dụng chất cấm Trifluralin.
Theo bản tin kỹ thuật UV - Việt Nam, hiện nay Trifluralin được sử dụng rộng rãi trong việc xử lý nước và diệt các loại ký sinh trùng gây bệnh trong nuôi cá, đặc biệt là ương cá tra giống. Các sản phẩm thương mại của Trifluralin hầu hết có thành phần hoạt chất là 48% ở dạng dung dịch, liều lượng khuyến cáo của các nhà sản xuất là 30-40 mL/1.000 m3 cho phòng bệnh và 80-100 mL/1.000m3 cho trị bệnh…
Related news
Năm nay thời tiết thuận lợi, bà con nông dân chịu đầu tư chăm sóc nên vụ cà phê được mùa hơn so với các năm trước. Từ niềm vui được mùa, được giá, nhiều nông dân đã tính chuyện mở rộng diện tích trồng cà phê.
Hiện sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nhiều hộ nông dân ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã mạnh dạn đầu tư thu mua nguyên liệu rơm để làm nấm an toàn. Nghề này đang đem lại cho bà con thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…
Đời sống kinh tế - xã hội của xã Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh) trong những năm gần đây đã có những thay đổi đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo ngày một giảm (năm 2011 là 25,28%, đầu năm 2012 là 22,18%, phấn đấu năm 2013 còn khoảng 18%). Mặc dù hiện tại, gần 80% số hộ gia đình ở Hoành Mô có mức sống từ trung bình trở lên nhưng công tác giảm nghèo vẫn luôn được xã chú trọng, coi là một nhiệm vụ trọng tâm. Xã đã đưa nhiều mô hình giảm nghèo, phát triển kinh tế hiệu quả vào sản xuất. Trong đó mô hình nuôi gà Tiên Yên của ông Phan Ngọc Sinh, thôn Đông Thành, xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) là một ví dụ điển hình.