Khẩn Trương Phòng Chống Dịch Bệnh Ở Tôm
Đã hơn một tháng nay, nhiều hộ nuôi tôm ở các xã Trung Hải (Gio Linh) và Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) điêu đứng vì tôm đột nhiên nhiễm bệnh, chết hàng loạt khi vụ nuôi vừa mới bắt đầu. Sau vụ nuôi 2012 có hiệu quả thì năm nay dịch bệnh ở tôm lại bùng phát gây thiệt hại đáng kể cho người dân.
Chúng tôi về Vĩnh Sơn vào lúc người dân đang nỗ lực chống chọi với dịch bệnh ở tôm. Đây là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất ở huyện Vĩnh Linh. Năm 2013, toàn huyện có tổng diện tích nuôi tôm khoảng 300 ha bao gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng, trong đó diện tích nuôi tôm sú khoảng 275 ha thì riêng xã Vĩnh Sơn có 156 ha. Được biết năm 2012, toàn xã thả nuôi 150 ha nuôi tôm sú, năng suất bình quân 45 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 761 tấn, doanh thu khoảng 77,38 tỷ đồng. Một vụ tôm có hiệu quả đã tạo niềm tin để người dân đầu tư kinh phí cải tạo ao hồ, triển khai kế hoạch nuôi tôm 2013, đến nay toàn xã đã thả 160 ha nuôi tôm sú.
Bà Nguyễn Thị Cảnh ở thôn Huỳnh Thượng nói trong nước mắt: “Nhà tôi thả nuôi 6 sào, vụ nuôi này đã đầu tư hơn 30 triệu đồng, nay tôm mới lớn bằng chiếc đũa đã chết đỏ hồ. Năm nay nhà tôi coi như trắng tay. Tôi kiến nghị chính quyền, các ban ngành chức năng có chính sách hỗ trợ cho nông dân chúng tôi kẻo thiệt hại quá lớn…”
Hiện nay ở Huỳnh Thượng hầu hết các hồ nuôi đều có hiện tượng tôm chết. Đặc biệt ở thôn Phan Hiền hầu như 100% hộ nuôi tôm đã bị nhiễm bệnh. Con số thiệt hại hiện vẫn chưa thống kê được và hiện nay tâm lý của người nuôi rất bất an trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Nguyễn Văn Lường cho biết: “Vụ nuôi năm 2012 được mùa nên nông dân phấn khởi đầu tư cải tạo ao hồ, bước vào vụ nuôi mới. Bắt đầu từ ngày 24/4 đến nay liên tục các hộ nuôi báo cáo với chính quyền xã về hiện tượng tôm chết hàng loạt. UBND xã đã nhanh chóng báo cáo với Chi cục Thú y và Sở Nông nghiệp &PTNT để yêu cầu kiểm tra nguyên nhân, phối hợp phòng dập dịch.
Tuy nhiên theo kết luận ban đầu về nguyên nhân dịch bệnh ở một số hồ nuôi là do bệnh hoại tử gan tụy. Phần lớn các mẫu xét nghiệm còn lại vẫn chưa rõ nguyên nhân. Điều này càng làm cho người nuôi cảm thấy không yên tâm và ngành chuyên môn cũng lúng túng trong việc phòng dịch…”
Bên cạnh các hồ nuôi tôm đang nhiễm bệnh thì vẫn còn một số hồ chưa bị lây nhiễm nên cần phải tuân thủ đúng biện pháp cách ly để phòng ngừa dịch bệnh. Hộ ông Trần Hữu Du ở thôn Huỳnh Thượng nằm sát cạnh hồ bà Cảnh nhưng gần một tháng nay vẫn “bình an vô sự”. Trò chuyện với chúng tôi, ông Du cho biết nghề nuôi tôm của gia đình gặp không mấy thuận lợi. Vụ nuôi năm 2011 tôm bị bệnh chết, ông phải bán đi căn nhà gỗ để trả nợ ngân hàng.
Vụ nuôi 2012, lãi được 70 triệu đồng, đem trả ngân hàng 40 triệu còn 30 triệu đầu tư cho vụ nuôi năm nay. Hiện nay 5 sào tôm nhà ông đang phát triển bình thường cho dù dịch bệnh ở các hồ xung quanh đã xảy ra hơn cả tháng trời. Khi hỏi về kỹ thuật nuôi, ông cho biết cũng không khác so với các hồ nuôi xung quanh, tuy nhiên chỉ khác nguồn giống ông lấy ở cơ sở khác với những hộ tôm bị chết.
Khi chúng tôi hỏi về cách phòng ngừa dịch bệnh, bảo toàn cho đàn tôm, ông Du lắc đầu ngao ngán: “Quả thật nhìn thấy các hộ nuôi xung quanh tôm chết, trong khi hồ mình vẫn bình an là cảm thấy mừng nhưng bụng dạ vẫn như lửa đốt. Ngày đêm cứ mong ước cho hồ nuôi được bình yên. Còn về phương pháp dập dịch thì chẳng có gì khác ngoài việc rải vôi bột xung quanh hồ để khử trùng. Ngoài ra chúng tôi còn bơm thêm một lượng nước ngọt để tăng cao lượng nước trong hồ nuôi để tránh việc nước các hồ khác tràn sang”.
Ngoài xã Vĩnh Sơn đang là “tâm điểm” của dịch bệnh tôm thì các xã như Vĩnh Lâm, Vĩnh Thành cũng đang xảy ra hiện tượng tôm chết ở các hộ nuôi nhỏ lẻ. Chính vì vậy công tác phòng dịch để tránh lây lan trên diện rộng là việc làm cấp thiết lúc này.
Chúng tôi đến thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải (Gio Linh) thì được biết toàn thôn có 60 hộ nuôi nhưng đến nay đã có 20 hộ nuôi bị dịch bệnh với tổng diện tích trên 5 ha. Toàn xã Trung Hải hiện có 7 ha/42 ha bị nhiễm bệnh, các hộ nuôi như Trần Thanh Liêm, Nguyễn Đức Thạnh đang có diện tích tôm nhiễm bệnh nhiều nhất. Nguyên nhân ban đầu là do tôm bị hoại tử gan tụy. Một số hộ nuôi còn cho biết thêm vào thời điểm lấy nước từ sông Bến Hải vào hồ nuôi nguồn nước có màu đục nhưng chưa được xử lý nên mầm bệnh có thể phát sinh từ nguồn nước.
Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân tôm chết, đồng chí Trần Hoãn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Tính đến ngày 29/5/2013, Chi cục đã tiếp nhận danh sách cần được hỗ trợ xử lý hóa chất Clorin thêm 20 ha, nâng tổng số diện tích cần hỗ trợ dập dịch trên toàn tỉnh gần 70 ha. Về nguyên nhân dịch bệnh, trước đó có một số diện tích chưa xác định vì phải đợi kết quả xét nghiệm mẫu tôm. Hiện nay dịch bệnh đã được xác định là đốm trắng và hội chứng hoại tử gan tụy. Đây là các dịch bệnh thông thường xảy ra ở tôm phát sinh do điều kiện thời tiết bất lợi, nguồn nước không đảm bảo…
Để nhanh chóng dập tắt dịch bệnh tránh lây lan, Chi cục đã có văn bản đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí mua 10 tấn hoá chất Clorin và đã được tỉnh chấp thuận. Hiện nay Chi cục đã chuẩn bị được 8 tấn hóa chất để triển khai dập dịch. Về quy trình dập dịch được quán triệt như sau: Đối với các hồ nuôi có xuất hiện tôm chết, dứt khoát phải xử lý hóa chất để triệt tiêu dịch bệnh và triệt tiêu hết số tôm còn sống ở trong hồ. Có như vậy mới ngăn chặn dứt điểm mầm bệnh. Sau khi “làm sạch” hồ bằng hóa chất mới tiếp tục triển khai nuôi tiếp theo.”
Trước thực trạng tôm nhiễm bệnh chết hàng loạt ở các địa phương Vĩnh Linh, Gio Linh, sau khi khảo sát thực tế tại các hồ nuôi, đồng chí Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Nuôi trồng thủy sản là một thế mạnh kinh tế của tỉnh. Do đó cần phải chú trọng đến việc đầu tư hạ tầng, áp dụng KHKT để tăng hiệu quả kinh tế. Riêng với tình hình dịch bệnh xảy ra ở tôm không phải là vấn đề mới mẻ, điều quan trọng là phải sớm xác định rõ nguyên nhân. Đối với những bệnh thông thường như đốm trắng, hoại tử gan tụy thì cần xem xét lại quy trình nuôi như sục khí, nguồn giống và môi trường.
Bởi nếu làm tốt quy trình này sẽ hạn chế được các loại dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho dân. Tại các địa phương đang bị dịch bệnh cần phải nghiêm cấm việc thả mới mỗi khi chưa triệt tiêu được dịch bệnh. Chi cục Thú y phải cung ứng đầy đủ và kịp thời lượng hóa chất cần thiết để dập dịch, tránh lây lan ra diện rộng. Mặt khác cần khuyến cáo với chính quyền địa phương và các chủ hộ nuôi ở những địa phương chưa xảy ra dịch bệnh tăng cường công tác phòng ngừa, chú trọng đến quy trình nuôi để tránh việc bùng phát dịch bệnh ở tôm.”
Related news
Ở bản Xốp Thập, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn, Nghệ An) nhiều người đều thầm cảm ơn ông Kha Văn Phon, Trưởng bản vì với tư cách Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông đã giúp bà con tiếp cận với đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng dễ dàng hơn, từ đó có điều kiện cải thiện cuộc sống. Không những thế, ông còn là một gương điển hình làm kinh tế giỏi, xứng đáng để bà con trong bản học tập.
Mô hình nuôi rắn ri tượng quy mô nhỏ được ông Cao Văn Hùng, ấp Tân Bửu, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau), áp dụng 3 năm, cho thu nhập từ 30 - 100 triệu đồng/năm. Từ cách nuôi đơn giản, hiệu quả, ông đang mở rộng quy mô nuôi đối tượng này.
Tháng 8/2012, Trạm Khuyến nông huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) triển khai mô hình “chăn nuôi gà thả vườn” với qui mô 1.000 con ở 6 xã với 20 hộ tham gia. Trong đó, xã Hàm Hiệp có 6 hộ tham gia. Mỗi hộ được cung ứng 50 con giống gà ta lai. Nhà nước hỗ trợ 100% tiền giống, tư vấn kỹ thuật và 50% thuốc thú y, thuốc sát trùng. Sau gần 3 tháng nuôi trọng lượng gà bình quân ở 20 hộ tham gia đạt 1,3 kg/con, tỉ lệ gà sống đạt 91,05%. Với giá thị trường hiện nay khoảng 82.500 đồng/kg, mỗi lứa nuôi 50 con gà, bà con lãi gần 1,6 triệu đồng.