Prices / Tin thủy sản

Khẩn trương cải tạo ao đìa

Khẩn trương cải tạo ao đìa
Author: Hải Lăng
Publish date: Saturday. December 30th, 2017

Người dân ở thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang tất bật cải tạo ao đìa để kịp lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2018.

Người dân thị xã Ninh Hòa cải tạo đìa nuôi.

Tại vùng nuôi trồng thủy sản Hà Liên (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa), các chủ đìa, người làm tất bật đắp lại bờ bao, sửa chữa máy móc, cày xới đáy đìa… Ông Trần Văn Âu, nông dân địa phương chia sẻ: “Cơn bão số 12, mưa lũ đã khiến cho 2 đìa nuôi tôm rộng gần 2ha của gia đình tôi bị hư hại nặng, hơn 800m bờ đìa bị đánh sạt... Những ngày qua, tôi chạy đôn chạy đáo tìm nhân công đắp lại bờ đìa, thuê máy cày để cày, phơi đáy đìa nhưng không có người, phương tiện. Hiện nay, gia đình tôi đổi công với một số chủ đìa lân cận để cải tạo lại đìa nuôi, tái đầu tư sau bão”. Theo ông Âu, mưa lũ đã khiến cho lượng lớn bùn đất bồi lắng trong các ao nuôi, nếu không cải tạo kỹ thì vụ nuôi sau rất dễ thất bại. Bởi vậy, hầu như ai cũng tìm thuê máy cày về cày xới, phơi kỹ đáy đìa trước khi tiếp tục các công đoạn cải tạo để thả nuôi. Không chỉ vùng nuôi Hà Liên, các vùng nuôi ở Ninh Lộc, Ninh Phú, Ninh Ích… cũng chung cảnh tương tự.

Theo ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, ngay sau cơn bão số 12, người nuôi trồng thủy sản tại các địa phương ven biển của thị xã đã bắt tay ngay vào việc khắc phục thiệt hại, cải tạo hơn 1.000ha ao, đìa nuôi trồng thủy sản để tiếp tục tái đầu tư cho vụ nuôi đầu năm 2018. Đây là diện tích bị thiệt hại nặng do bão. Việc sửa chữa lại phương tiện như: máy quạt nước, máy nổ, tu bổ lại chòi canh đìa… đã cơ bản hoàn thành; tranh thủ những ngày nắng, nông dân cày ải đìa, bồi đắp bờ bao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nhân công, phương tiện. Vì vậy, người dân các địa phương chủ động đổi công để tiến hành cải tạo lại ao đìa.

Ông Đặng Tri Thông - chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết: Cơn bão số 12 đã khiến cho toàn bộ 640ha ao đìa nuôi trồng thủy sản tại địa phương bị thiệt hại nặng. Bên cạnh ao đìa bị sạt lở, phương tiện phục vụ nuôi trồng thủy sản bị hư, các hệ thống mương dẫn nước cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện nay, người dân các địa phương khẩn trương khắc phục ao đìa để tái đầu tư nuôi trồng thủy sản vụ mới năm 2018. Người dân địa phương cũng đang chịu cảnh khó khăn như ở Ninh Hòa và các địa phương khác trong tỉnh.

Theo thông tin từ ngành Thủy sản tỉnh, cơn bão số 12 đã khiến cho 1.750ha nuôi trồng thủy sản ao đìa của người dân các địa phương trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng. Để kịp lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2018, nhất là nuôi tôm nước lợ sẽ bắt đầu vào tháng 2, người dân cần khẩn trương cải tạo lại ao đìa để thả nuôi. Cơ quan chức năng khuyến cáo, trong quá trình cải tạo ao đìa, người nuôi cần lưu ý diệt tạp, xử lý mầm bệnh; phải đầu tư tốt về cơ sở vật chất, hạ tầng, có hệ thống nguồn nước cấp, thoát riêng biệt và ao chứa lắng để xử lý chất thải trong quá trình nuôi; không sử dụng các hóa chất xử lý ao đìa nằm ngoài danh mục quy định; khi thả nuôi phải quan sát kỹ thời tiết, môi trường ao nuôi; lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng, thả nuôi với mật độ thích hợp với từng loại ao nuôi…


Related news

Quảng Nam: Thu hàng tỷ đồng từ tôm sạch Quảng Nam: Thu hàng tỷ đồng từ tôm sạch

Trong điều kiện nuôi tôm nước lợ thất bát, đồng tôm hoang hóa ngày một nhiều thì thành công của mô hình nuôi tôm sạch của “vua tôm” Trần Công Thành

Saturday. December 30th, 2017
Triển vọng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh Triển vọng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh

Hiện nay, người nuôi tôm công nghiệp ở huyện Năm Căn đang chuyển dần từ hình thức nuôi tôm thâm canh sang siêu thâm canh.

Saturday. December 30th, 2017
Luân canh tôm càng xanh - lúa Luân canh tôm càng xanh - lúa

Mô hình là hoạt động của dự án khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi”

Saturday. December 30th, 2017