Prices / Mô hình kinh tế

Khâm phục người sở hữu gần 200 ha rừng trồng, doanh thu 2 tỷ đồng/năm

Khâm phục người sở hữu gần 200 ha rừng trồng, doanh thu 2 tỷ đồng/năm
Author: Kim Sơ
Publish date: Saturday. December 10th, 2016

Dù sở hữu gần 200 ha rừng trồng nhưng chàng thanh niên trẻ Trần Văn Điện, 34 tuổi, ở thôn Quảng Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa (Phú Yên) vẫn chưa dừng lại với thành quả mình đang có, mà tiếp tục đổ tiền gom đất mở rộng diện tích để nuôi ước mơ làm “bá chủ” khu rừng Rọ Hươu…

Trong ảnh: Anh Điện hiện sở hữu gần 200ha rừng trồng song vẫn chưa dừng lại với thành quả mình đang có

Để có thành quả như ngày hôm nay anh Điện bỏ không biết bao mồ hôi nước mắt, thậm chí đánh đổi tuổi thanh xuân của mình vào công cuộc ăn ngủ với rừng.

17 tuổi và ước mơ bá chủ rừng

Chúng tôi tìm đến thôn Quảng Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây hỏi anh Trần Văn Điện hầu như ai cũng biết tiếng. Mặc dù tuổi đời mới tròn 34 xuân xanh, nhưng tuổi nghề trồng rừng lại chiếm đến phân nửa. Anh đã dành tất cả tâm huyết và tuổi thanh xuân của mình dốc hết vào trồng rừng để nuôi ước mơ làm “bá chủ” khu rừng Rọ Hươu, một tiểu khu nhỏ của núi Mật Cật, nơi anh đang cư ngụ.

Theo bà con trong xã chỉ dẫn nếu tìm anh Điện thì cứ vào khu rừng Rọ Hươu, thuộc khu vực Suối Mâm, chắc chắn sẽ gặp. Nghe vậy, tôi liền men theo con đường nhựa bên hông UBND xã đi khoảng 1km, rồi tiếp tục băng qua đường bê tông dài hơn 1km lên núi, giữa bạt ngàn keo rừng. Đến nơi, điều ngạc nhiên với tôi là giữa khu rừng rộng lớn bao la nhưng chỉ mình trang trại anh Điện nằm san sát bên bìa núi.

Gặp chúng tôi, anh Điện bắt đầu câu chuyện trồng rừng đầy gian nan, vất vả của bản thân. Anh Điện cho hay, anh đến với nghề trồng rừng là tiếp nối giấc mơ của cha còn dang dở. Ba anh vốn là một trong những người tiên phong phủ xanh núi Rọ Hươu khi thấy nơi đây toàn cây bụi mọc um tùm.

Sau đó ông đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh Nông dân sản xuất giỏi vào năm 1995. Tuy nhiên đến năm 1997 thì ông mất, khi anh mới 15 tuổi. Lúc này, do kinh tế gia đình khó khăn nên anh đành từ bỏ con đường đến trường, bắt đầu mưu sinh, kiếm tiền nuôi sống cả nhà.

Anh Điện lắp camera quan sát khắp khu rừng

“Lúc đó, thấy mẹ lao động vất vả nuôi 2 anh em nên tui không đành. Từ đó tui nghỉ học hẳn đi theo các anh, các chú trong làng đi buôn gỗ rừng trồng bán cho nhà máy chế biến gỗ ở Bình Định. Tuy nhiên chỉ được thời gian ngắn thì tui bị gạt ra, cũng không biết tại sao.Để tiếp tục đi buôn, tui bàn với mẹ vay vốn ngân hàng, một mình đi buôn gỗ.

Nhớ ngày đầu đi buôn cực lắm, tui đi khắp nơi từ Khánh Hòa, Phú Yên đến Bình Định, rồi lên Đăk Lăk mua từng đám rừng, sau đó bỏ công làm ngày làm đêm cưa cây để kiếm lời từng đồng. Và, chính từ việc đi buôn cơ cực này tui ngộ ra rằng kỳ vọng của ba là thực tế, muốn làm giàu phải bắt đầu từ những gì mình có. Thế là tất cả tiền dành dụm đi buôn tui đều gom đất trồng rừng".

Năm 17 tuổi, anh Điện chính thức thực hiện ước mơ làm giàu từ rừng. Từ diện tích ban đầu cha anh để lại 5ha, anh mở rộng lên 10ha, rồi 30 ha, đến năm 2007, anh sở hữu 100ha và hiện nay gần 200 ha rừng trồng.

Không hưởng thụ sớm

Cũng theo anh Điện, những ngày đầu anh gom đất trồng rừng, ai cũng bảo anh “khùng” vì cho rằng trồng rừng chắc làm củi đốt chứ có kinh tế gì, nên họ sẵn sàng nhường đất cho anh. Nhưng về sau khi rừng trồng có giá trị, cho thu nhập ít nhất 70 triệu/ha (sau 4-5 năm), mọi người mới nể phục anh với việc nhìn xa trông rộng.

Khu rừng anh Điện có xây dựng đường băng cản lửa để phòng cháy chữa cháy vào mùa khô

Tuy nhiên điều chúng tôi khâm phục ý chí, nghị lực của anh Điện, đó là trong khoảng thời gian anh đi buôn gỗ cho đến thời điểm hiện tại, mỗi năm doanh thu từ rừng trồng hơn 2 tỷ đồng, anh lãi từ 1,5-1,6 tỷ đồng. Nhưng số tiền này, anh không dành cho chuyện riêng tư như cất nhà lầu, tậu xe hơi, mua điện thoại xịn… mà chỉ đổ tiền vào gom đất để mở rộng diện tích trồng rừng.

Chính vì thế, lúc tôi đến hỏi thăm về anh, chả trách người dân cứ xầm xì bảo anh Điện như bị “hâm”. Chưa vợ con nhưng anh cứ bám riết ở trong rừng, ăn ngủ với rừng.

Vậy nhưng, tôi vẫn tò mò hỏi: Sau nhiều năm trồng rừng cực khổ, đến ngày rừng “hái” ra tiền, sao anh không sắm sửa gì cho bản thân? Anh Điện cười bảo: “Tui còn trẻ không vội gì hưởng thụ sớm, huống hồ nhiều người lớn tuổi hơn tui họ cũng làm việc vất vả đấy thôi. Hơn nữa ước mơ của tui chưa thành hiện thực là làm chủ khu rừng như mong muốn (khoảng 300 ha), nên tiền kiếm ra tui dành cho gom đất hết rồi”.

Nói xong, anh Điện đưa chúng tôi tham quan, giới thiệu khu rừng trồng được anh đầu tư rất bài bản. Theo anh Điện, toàn bộ diện tích rừng này được anh xây dựng tường có kéo lưới B40 và thép gai khép kín; đồng thời thiết kế đường băng cản lửa hơn 15km, nhằm đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy vào mùa khô. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư xây dựng tháp canh trên đỉnh núi, có lắp đặt hệ thống camera quan sát 4 hướng và còn đặt thêm các camera ở ngõ ra vào cho đến xung quanh bìa rừng. Anh cho biết, chi phí đầu tư hệ thống này tốn hàng trăm triệu đồng.

Chưa dừng lại, anh còn dẫn tôi đến khu trang trại với diện tích rộng 14 ha ở dưới chân núi. Trang trại này vừa là nơi anh ở, vừa tập trung tăng gia sản xuất nuôi heo rừng, gà rừng, bò, thả cá… giúp anh thu nhập kha khá mỗi năm.

Anh Điện lập trang trại nuôi heo rừng, gà rừng, bò... cho thu nhập kha khá mỗi năm

Với việc sở hữu khu rừng rộng lớn, hiện anh Điện tạo công ăn việc làm thường xuyên từ 6-10 người với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng. Còn khi đến mùa thu hoạch và trồng rừng, số lao động lên đến 20-50 người/ngày.

Theo nhiều lao động ở đây nhận xét, họ rất quý mến anh Điện. Dù anh là ông chủ nhưng sống giản dị. Hằng ngày anh cùng anh em lao động đi chăm sóc và bảo vệ rừng, chứ không "chỉ tay năm ngón". Thậm chí đến mùa thu hoạch anh cũng cưa cây phụ giúp anh em giống như một lao động bình thường.

Chia tay anh Điện, trời bắt đầu xuống núi, lại kèm cơn mưa âm ỉ nhưng anh vẫn âm thầm ở trên bìa núi Rọ Hươu tiếp tục thực hiện ước mơ trồng rừng. Bởi anh bảo, hiện rừng còn nhiều đất trống nhưng bà con đang bỏ phí, vì vậy anh vẫn tiếp tục âm thầm vận động bà con để gom đất trồng rừng.

+ Bà Lê Thị Mỹ, mẹ anh Điện cho biết, thuở nhỏ anh Điện rất có năng khiếu về điện nên có ước mơ trở thành kỹ sư điện. Tuy nhiên sau khi ba mất, kinh tế gia đình khó khăn nên Điện đành nghỉ học. Lúc đó bà cũng rất buồn nhưng không còn cách gì khác. Bước ra đời sớm, buôn bán khổ cực nhưng thấy con quyết tâm và có ý chí nên bà rất vui. Hiện nay thấy con mê trồng rừng để đạt được ước mơ nên bà cũng thường xuyên động viên và tiếp sức cho con.

+ Những ngày đầu tiên trồng rừng, anh Điện thực hiện chiến lược trồng rừng gối vụ và kết hợp đa canh với mục tiêu lấy mía, bắp, sắn… để “lấy ngắn nuôi dài”. Thời gian rảnh anh vẫn duy trì thu mua rừng trồng để kiếm thêm tiền đầu tư mua đất. Rồi nhanh chóng thành lập trang trại để được vay vốn đầu tư, cho nên diện tích rừng của anh ngày càng mở rộng.


Related news

Trồng ổi trái vụ, thu 40 triệu đồng/sào Trồng ổi trái vụ, thu 40 triệu đồng/sào

Với ưu điểm dễ tiêu thụ, giá bán cao, ổi trái vụ đang được người dân ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức áp dụng trồng rộng rãi trong những năm gần đây

Saturday. December 10th, 2016
Trồng đinh lăng xen cao su - dễ làm, thu nhập khá Trồng đinh lăng xen cao su - dễ làm, thu nhập khá

Không tốn nhiều công chăm sóc lại được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên mô hình trồng xen cây đinh lăng đang hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho nông dân ở Tây Ninh

Saturday. December 10th, 2016
Khởi nghiệp từ nuôi gà ri, thu trên 300 triệu đồng mỗi năm Khởi nghiệp từ nuôi gà ri, thu trên 300 triệu đồng mỗi năm

Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đầu năm 2016 hai thanh niên Phùng Văn Hùng khởi nghiệp với mô hình nuôi gà ri trên diện tích gần 2.000 m2.

Saturday. December 10th, 2016