Khá Lên Nhờ Ương Nuôi Cá Lóc Giống
Từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ áp dụng mô hình nuôi cá lóc mà anh Thái Văn Luông (39 tuổi, ngụ ấp Khánh Lợi, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú - An Giang) đã khá lên. Có được sự thành công ban đầu, anh mua đất đầu tư mở rộng mô hình ương nuôi cá lóc giống cũng mang lại hiệu quả cao.
Về ấp Khánh Lợi hỏi nhà anh Luông thì hầu như ai cũng biết. Bởi, anh là nông dân nòi rất chịu làm ăn và ứng dụng hiệu quả mô hình ương nuôi cá lóc giống, giúp bà con nghèo trong xóm học hỏi để vươn lên trong cuộc sống. Ngồi bên ao cá lóc giống đang đến ngày xuất bán, anh tâm sự: “Quê gốc ở xã Hòa Lạc (Phú Tân), gia đình rất khó khăn nên tôi đi làm thuê mướn phụ tiếp gia đình. Lập gia đình xong, tôi về quê vợ thuê hầm đầu tư nuôi cá lóc thương phẩm.
Ban đầu, thị trường đầu ra của con cá lóc bấp bênh nên tôi lâm nợ…”. Quyết không bỏ nghề, anh Luông tiếp tục vay nóng vốn bên ngoài để đầu tư nuôi cá lóc giống. Sau 4 đến 5 tháng, anh xuất bán có lời, do đúng với thời điểm thị trường đầu ra của cá lóc khởi sắc. “Trước thời điểm tôi nuôi cá thì lượng cá đồng không còn nhiều, các cơ sở làm mắm ở Châu Đốc phải tìm đến nguồn nguyên liệu cá lóc nuôi nên cá được giá. Thấy vậy, tôi mua lưới về may mùng để đầu tư mở rộng diện tích nuôi.
Nào ngờ, khi cá lớn thì giá cả lại sụt giảm, do có nhiều người bỏ nuôi cá tra chuyển sang nuôi cá lóc dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Năm đó, bán xong đàn cá tôi lỗ cả trăm triệu đồng nên dự tính bỏ nghề. Tuy nhiên, sau đó thị trường cá lóc bất ngờ lên giá, vì nhiều cơ sở sản xuất khô trong và ngoài tỉnh hình thành rất cần nguồn nguyên liệu cá lóc. Thời điểm này, tôi không nuôi cá lóc thương phẩm mà chuyển sang ương nuôi cá lóc giống để cung ứng cho nông dân”, anh Luông kể.
Để nuôi cá giống, anh Luông mua 1 công đất vườn tạp, đào 30 cái vuông, mỗi vuông anh cho thả 1 cặp cá lóc bố mẹ. Cứ sau mỗi tháng ương, anh xúc cá con mỗi vuông khoảng 4kg, bán với giá 400.000 đồng/kg, bỏ chi phí kiếm lời gần 1 triệu đồng/vuông. Chỉ với một công đất đào vuông, mỗi tháng anh thu nhập ít nhất 25 triệu đồng. “Hồi ấy, dường như rất ít người ương nuôi cá lóc giống, ở xã Khánh Hòa chỉ có tôi là một trong những người đầu tiên ương nuôi thành công cá lóc giống.
Muốn ương cá lóc giống hiệu quả đòi hỏi phải học hỏi kinh nghiệm cộng với khéo léo thì mới làm giàu. Cũng có nhiều người chân ướt chân ráo thấy người ta làm được thì cứ làm theo nên bị thua lỗ hoài do chưa nắm vững kỹ thuật. Riêng tôi thì làm lâu năm nên biết được đặc tính và quá trình sinh sản của con cá lóc. Khi cá lóc bố mẹ cho sinh sản, khâu chăm sóc ban đầu thành công sẽ quyết định đến sự thành bại của nghề ương nuôi cá lóc”, anh Luông nói.
Anh Luông cho biết thêm: “Khi cá con mới sinh, tìm nguồn thức ăn rất khó. Ban đầu, chúng tôi phải đánh trứng gà so cho cá ăn. Sau khoảng tuần lễ, mới bắt đầu cho ăn trứng nước. Khi đàn cá chuyển sang màu đỏ tăng cường phối trộn cá biển xay nhuyễn và trứng nước để bổ sung chất dinh dưỡng cho đàn cá. Sau khoảng 20 ngày, dùng lưới xúc tách đàn cá con khỏi cá bố mẹ đem vỗ béo đạt kích cỡ khoảng bằng đầu đũa ăn thì đem bán giống. Hiện nay, tôi đầu tư mua thêm 10 công đất gần đó và đào hàng trăm cái vuông để tăng lượng cá lóc bố mẹ. Mỗi tháng tôi xuất bán, kiếm lời hàng chục triệu đồng, có tháng lời hơn 100 triệu đồng, tùy thuộc vào thời điểm của thị trường”.
Thành công trong sản xuất, anh Thái Văn Luông nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật ương nuôi cá lóc giống cho mọi người. Không dừng lại ở đó, anh còn kiêm luôn cái nghề thu mua cá lóc giống ở địa phương đem phân phối cho những hộ chăn nuôi ở khắp các tỉnh, thành.
Related news
Thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) được chọn triển khai tại 9/9 xã trên toàn địa bàn huyện cho 5.423 hộ dân, trong đó có 3.618 hộ nghèo và 570 hộ cận nghèo. Gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, Bác Ái xác định tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị trong chăn nuôi và nông sản hàng hóa từ lợi thế sẵn có của địa phương.
Đợt thử nghiệm đầu tiên trồng 200 gốc đu đủ trên đất ruộng, anh Trương Văn Hiền ở tổ 3, ấp 2, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã thu kết quả không ngờ. Bình quân mỗi cây cho trên 60 kg, giá trung bình 4.000 đồng/kg, anh thu về gần 50 triệu đồng. “Thừa thắng xông lên”, năm 2009 anh tiếp tục mở rộng diện tích 0,7ha, trồng 1.700 cây đu đủ và hiện cây sắp đến ngày thu hoạch…
Phát triển chăn nuôi gia súc liên kết đang là hướng đi mới, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với chăn nuôi đơn lẻ. Nhận thức rõ vấn đề này, HTX chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hùng Cường, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã xây dựng hiệu quả mô hình sản xuất khép kín, đảm bảo chất lượng, cải thiện đời sống cho người dân.