Prices / Tin thủy sản

Kết hợp kỹ thuật và công nghệ trong nuôi trồng thủy sản thông minh

Kết hợp kỹ thuật và công nghệ trong nuôi trồng thủy sản thông minh
Author: MINH HUYỀN
Publish date: Thursday. April 7th, 2016

Thách thức về chất lượng

Tính đến cuối tháng 3, tổng diện tích thả nuôi thủy sản của TP Cần Thơ gần 2.100ha, đạt 20% so với kế hoạch và tăng 1,3% so với cùng kỳ. Ngành nông nghiệp thành phố luôn chú trọng phát triển các mô hình nuôi theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa thủy sản.

Đến nay, TP Cần Thơ đã mở rộng diện tích nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn lên 84,48ha. Trong đó, có hơn 82 ha cá tra nuôi theo các tiêu chuẩn như GlobalGAP, BAP, ASC, BMP, VietGAP; một số đối tượng khác nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và ASC như cá lóc, lươn, cá rô phi nhưng diện tích rất nhỏ.

Ông Phạm Trường Yên, Chi cục phó Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Đối tượng nuôi chủ lực của TP Cần Thơ là cá tra với diện tích nuôi 900ha, sản lượng hàng năm khoảng 160.000 tấn.

Cá tra được nuôi theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, BAP, ASC. Ngoài ra còn có một số đối tượng nuôi khác như cá rô phi, cá lóc, cá rô đầu vuông, cá thát lát cườm, lươn đồng, cá chạch lấu... Đa dạng về đối tượng nuôi song khó khăn của ngành nuôi trồng thủy sản TP Cần Thơ là tình trạng nuôi nhỏ lẻ, phân tán và khó quy hoạch.

Công tác quy hoạch chưa theo kịp tốc độ phát triển. Chất lượng môi trường nước có xu hướng giảm. Sản phẩm chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường ngoài nước, cạnh tranh trên thị trường, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến vùng nuôi và các đối tượng nuôi.

Con giống đầu vào là yếu tố quan trọng tác động đến quá trình nuôi lẫn chất lượng sản phẩm đầu ra. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Cá bè Thới Long, quận Ô Môn, chia sẻ: HTX chuyên nuôi cá lồng, bè trên sông Hậu với sản lượng cung cấp ra thị trường mỗi năm khoảng 1.000 tấn cá các loại cung ứng cho các chợ đầu mối, nhà hàng trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của HTX là thiếu nguồn cung cá giống chất lượng, xã viên thường phải mua con giống trôi nổi với giá cao nhưng chất lượng không đảm bảo, nhất là đối với một số đối tượng nuôi đặc sản.

Chất lượng con giống không đảm bảo làm gia tăng dịch bệnh trong quá trình nuôi, tỷ lệ thất thoát cao, chi phí tăng... Bên cạnh đó, nguồn cung các loại giống thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao còn khan hiếm nên ảnh hưởng đến kế hoạch đa dạng sản phẩm thủy sản, mở rộng thị trường tiêu thụ của hợp tác xã.

Theo các chuyên gia, trong ngành nuôi trồng thủy sản, việc quản lý chất lượng nước một cách xuyên suốt là vấn đề hết sức cần thiết và cần được quan tâm một cách đúng đắn do có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả nuôi và chất lượng sản phẩm.

Song song đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày một khắt khe đòi hỏi mô hình nuôi thủy sản phải được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, theo hình thức trang trại nuôi để thuận tiện trong việc quản lý chất lượng, đảm bảo khả năng cung ứng cho các đơn hàng lớn, đơn hàng xuất khẩu. Đây là những thách thức không nhỏ đối với ngành nuôi trồng thủy sản của TP Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung.

Hợp tác nuôi trồng thủy sản thông minh

Trên cơ sở khảo sát điều kiện nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL, từ tháng 12-2015 đến tháng 4-2016, Công ty Websolus (Hàn Quốc) và một số công ty liên doanh ở Hàn Quốc phối hợp triển khai Dự án "Liên kết nghiên cứu hệ thống nuôi trồng thủy sản thông minh" với mục tiêu thành lập tổ chức hợp tác liên kết giữa công nghệ thông tin và công nghệ nuôi trồng thủy sản; thành lập hệ thống quản lý trực tuyến về hệ thống nuôi trồng thủy sản thông minh, hình thành trung tâm dữ liệu và hệ thống thị trường để cung cấp cho doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi thủy sản ở TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL.

Ông Won You Seok, Giám đốc Công ty Websolus, cho biết: Hệ thống nuôi trồng thủy sản thông minh sẽ thiết lập chế độ kiểm soát nội bộ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, cung cấp kênh liên kết giữa khách hàng với người cung ứng sản phẩm thủy sản.

Hệ thống này góp phần kiểm soát chất lượng và cải tiến công nghệ, dịch vụ tư vấn trực tuyến bởi các chuyên gia, cải thiện phương thức làm việc. Hệ thống còn hỗ trợ phân tích thống kê giá cả, nâng cao lợi nhuận, xúc tiến phát triển thị trường, cung cấp thông tin thống kê cho đầu tư.

Các giải pháp quan trọng để phát triển ngành thủy sản là phải quy hoạch vùng nuôi tập trung, quản lý tốt chất lượng nguồn nước, đảm bảo các yêu cầu về môi trường, nghiên cứu phát triển nguồn giống thủy sản chất lượng cung cấp cho nuôi thương phẩm...

Theo ông Phạm Trường Yên, Chi cục phó Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, để khắc phục những hạn chế trong ngành nuôi trồng thủy sản, cần quy hoạch vùng nuôi tập trung, trọng điểm, nghiên cứu phát triển giống thủy sản chất lượng cao, ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, bền vững trong khâu sản xuất giống và khâu nuôi trồng.

Định hướng phát triển của ngành là tiến tới áp dụng một số công nghệ mới như hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn, sử dụng công nghệ Biofloc, thủy canh, ứng dụng công nghệ cho ăn tự động... Theo đó, ngành nông nghiệp thành phố cũng mong muốn tiếp cận với các dự án đầu tư trong và ngoài nước để nghiên cứu, phát triển chuỗi giá trị nuôi thủy sản đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Paik In Ki, Phó Chủ tịch Văn phòng Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh (KOCHAM), cho biết: Dự án nuôi trồng thủy sản thông minh (Smart Aqua) của Bộ Công nghiệp Hàn Quốc nhằm ủng hộ các dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm thủy sản, là một khía cạnh quan trọng trong việc đảm bảo quản lý kinh doanh để tạo ra nguồn thu bền vững.

Kết quả nghiên cứu của dự án này sẽ là cơ sở để triển khai và phát triển các dự án hợp tác nghiên cứu quốc tế, dự án ODA ở lĩnh vực thủy sản giữa Việt Nam trong đó có TP Cần Thơ và Hàn Quốc trong thời gian tới.


Related news

Bàn giải pháp phát triển ngành thủy sản bền vững Bàn giải pháp phát triển ngành thủy sản bền vững

Từ ngày 4 đến ngày 8-4, tại TP. Nha Trang, Tổng cục Thủy sản Việt Nam chủ trì tổ chức cuộc họp Hội đồng giám đốc Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam Á (Seafdec) lần thứ 48. Tại cuộc họp, các đại biểu đại diện 11 nước thành viên đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững.

Thursday. April 7th, 2016
Ông Dũng thủy sản Tam Giang Ông Dũng thủy sản Tam Giang

Cư dân ven đầm phá Tam Giang (xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), không chỉ biết đến ông Phạm Dũng (56 tuổi, trú thôn 14), như một “đại gia” trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) với mức lãi bình quân vài trăm triệu đồng/năm, mà còn là người luôn đi đầu các mô hình nuôi trồng mới, hiệu quả.

Thursday. April 7th, 2016
Mở rộng mô hình nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La Mở rộng mô hình nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La

Tháng 12-2012, Công ty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam - Sơn La bắt đầu thực hiện dự án nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La, cơ sở nuôi được đặt ngay phía thượng lưu đập thủy điện Sơn La.

Thursday. April 7th, 2016