"Kéo" doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Đầu tư vào nông nghiệp rủi ro cao, lợi nhuận thấp, thiếu vùng nguyên liệu, đất đai, hạ tầng, vốn... Đó là chưa kể nhiều rào cản khác nữa trong quá trình sản xuất, kinh doanh... khiến các nhà đầu tư phải e ngại khi đầu tư vào nông nghiệp.
Việc đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn nhiều rào cản. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN
Hiện nay, mới chỉ có 1% doanh nghiệp trong tổng số các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, một con số đáng phải suy nghĩ khi Việt Nam là một nước nông nghiệp. Vậy làm thế nào để tạo lực kéo đủ mạnh thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ?
Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã có hiệu lực từ tháng 2/2014. Đến nay, mới chỉ có chưa đến 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Thậm chí, có năm số doanh nghiệp nông nghiệp giải thể còn cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới tới 11,3%.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, những hạn chế và vướng mắc vẫn đang tạo ra những rào cản, khó khăn để Nghị định 210/2013/NĐ-CP thực sự đi vào cuộc sống, không đáp ứng được những kỳ vọng đặt ra của Chính phủ khi xây dựng chính sách này. Vì vậy, doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP đã không thể thực hiện được.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Tổng hội nông nghiệp Việt Nam cho rằng, chính sách chưa huy động được sự tham gia phù hợp của các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do chỉ giới hạn đối tượng là doanh nghiệp. Trong khi các nhà đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có thể gắn với rất nhiều hình thức như nhà đầu tư tư nhân, hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất, tổ nhóm, trang trại… nguồn kinh phí ngân sách đảm bảo thực hiện chính sách thấp và chậm.
Bên cạnh đó, điều kiện được thụ hưởng chính sách của Nghị định khó khả thi do nhiều tiêu chí có định mức quá cao hoặc khó xác định nên doanh nghiệp khó tiếp cận với chính sách. Để dự án được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, một trong các điều kiện là sản phẩm chế biến phải tăng giá trị hai lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu; quy định sử dụng tối thiểu 60% nguyên liệu và 30% lao động địa phương…
Trên thực tế, hầu hết các dự án rất khó đạt mức tăng tỷ lệ giá trị chế biến trên 2 lần. Doanh nghiệp phải sử dụng cả nguyên liệu của các địa phương khác và lao động tại địa phương chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu chuyên môn, tay nghề để làm việc tại doanh nghiệp.
Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đang là yếu tố quan trọng để hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, sản phẩm đạt chất lượng cao, bảo đảm chất lượng phục vụ xuất khẩu. Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề tích tụ đất đai, nông nghiệp phải gắn liền với những mảnh đất lớn để tổ chức sản xuất. Vì vậy, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh quá trình tích tụ ruộng đất phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực cho phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn theo đặc thù sản xuất, kinh doanh và hình thức huy động tích tụ... Bên cạnh đó, cần tiến tới xóa bỏ hạn điền, kéo dài thời hạn sử dụng đất.
Thực tế, quyền tài sản đối với đất đai làm tăng chi phí sản xuất, khiến chất lượng sản phẩm không đồng đều; thời hạn sử dụng đất, thu hồi đất nông nghiệp tăng rủi ro cho chủ đầu tư, giảm động lực đầu tư dài hạn…
Ông Nguyễn Trọng Long, Chủ trang trại chăn nuôi lợn ở Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp dưới hình thức trang trại, cánh đồng mẫu lớn, tuy nhiên hầu như chỉ ở quy mô nhỏ và mô hình điểm nên chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp thực hiện.
Ông Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành cho rằng, muốn đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp cần cải cách chính sách ruộng đất. Phân công cấp tỉnh lập ra cơ quan môi giới đất nông nghiệp để xúc tiến chuyển nhượng, mua bán đất đai ở nông thôn. Cho vay tiền với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên cấp 1 lần và vĩnh viễn vô thời hạn cho nông dân để không phải tốn kém trong việc cấp sổ đỏ trở lại...
Theo phân tích của các chuyên gia thì trên thực tế hiện nay đất công không còn. Khi có nhu cầu sử dụng, nhà nước hay doanh nghiệp đều phải “mua” lại quyền sử dụng đất của người dân, nhưng lại né tránh khi dùng cụm từ “đền bù, bồi thường”. Chính sự “lửng lơ” này đã khiến cho việc tích tụ, tập trung đất đai gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần xây dựng chính sách để giảm cơ chế xin cho, hạn chế tối đa các chính sách hỗ trợ bằng tiền vốn cho doanh nghiệp, nông dân trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp.
Trong điều kiện thị trường, chúng ta phải thay đổi căn bản các chính sách về thuế, đất đai, các thủ tục hành chính; đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, khuyến khích đầu tư, giảm thủ tục hành chính. Cơ chế, chính sách để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phải cho doanh nghiệp thấy không gian phát triển thực sự là của họ. Cơ chế chính sách quan trọng không phải là ưu đãi, hỗ trợ mà phải chuyển sang cơ chế chính sách khuyến khích như cắt giảm thủ tục hành chính, thuế, hải quan.
Related news
Đó là mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng, rừng (VACR) của anh Lê Đức Thọ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa.
Vùng hồ tiêu nguyên liệu ở xã Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Phát triển bền vững cây hồ tiêu ở Tây Nguyên
Để phát triển chăn nuôi gia súc, nhiều hộ dân vùng cao đã chuyển sang trồng cỏ, nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò mang lại thu nhập cao.