Hữu Lũng (Lạng Sơn): Mùa Vải “Đắng”
Mọi năm, cứ đến mùa vải, cả huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) tấp nập khách thập phương và thương lái đến mua vải. Nhưng năm nay, thị trường quả vải trầm hẳn, nguyên nhân là do mất mùa. Nỗi buồn của người trồng vải ở Hữu Lũng bị nhân đôi bởi không những mất mùa, mà giá vải bán lại thấp. Vải ở Hữu Lũng năm nay chẳng ngọt mà cứ “đắng” dần.
Giữa tháng 6 – thường đây là thời điểm giữa vụ thu hoạch vải thiều ở Hữu Lũng. Vậy nhưng năm nay những vườn vải tại đây vẫn tịnh không thấy sắc đỏ của vải chín. Thi thoảng lắm mới thấy vài ba chùm vải lấp ló giữa bạt ngàn lá. Đường vào các thôn, xã có vải vì thế vẫn vắng vẻ, không có cảnh tấp nập của tư thương nườm nượp về mua cả vườn vải như những năm trước. Suốt trục đường vào huyện thi thoảng chúng tôi mới thấy có người ngồi bán lẻ. Các điểm thu mua vải cũng ít hơn hẳn. Bà Từ Thị Thái, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng cho biết: Nguyên nhân vải Hữu Lũng mất mùa có rất nhiều. Đầu tiên là do thời tiết năm nay thất thường, đến thời kỳ cây vải ra hoa thời tiết lại ấm, nóng, khiến tỷ lệ vải ra hoa trên toàn huyện chỉ đạt 10 - 15%. Một nguyên nhân khác nữa là do người trồng vải ở Hữu Lũng không còn mặn mà với cây vải nữa nên bà con không chăm sóc, tỉa thưa cành, bón phân, phun thuốc trừ sâu, bọ xít… khiến cây vải không có chất để giữ quả, và có đậu quả thì chất lượng và sản lượng quả cũng không cao. Mùa
vải năm 2011, sản lượng vải quả đạt gần 50 tạ/ha, năm nay, qua điều tra, ngành nông nghiệp huyện Hữu Lũng ước sản lượng đạt 25 – 30 tạ/ha.
Vải Hữu Lũng năm nay không những mất mùa mà còn mất cả giá. Qua tìm hiểu thị trường, được biết, hiện tại các tư thương thu mua vải ngon và đẹp (loại I) của bà con với giá 5.000 đồng/kg, còn loại II thì chỉ 2.500 – 3.000 đồng/kg. Với giá này thì chưa đủ tiền công hái vải chứ đừng tính đến chuyện bà con lãi được bao nhiêu. Chính vì vậy, nhiều gia đình trồng vải, có quả, nhưng tính toán sản lượng và thấy tình hình giá như vậy nên đã không hái, cứ để chín với hy vọng may có tư thương đến thu mua tại vườn, nếu không thì để ăn. Bà Từ Thị Thái, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện tâm sự: “Gia đình tôi cũng có hơn 100 gốc vải, với giá như hiện nay tôi đành để chín trên cây chứ hái bán cũng chẳng được bao nhiêu…”. Trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Văn Điển, một người trồng vải thiều ở xã Sơn Hà cho biết: Năm 2003 và năm 2004, vải quả bán được giá cao. Lúc đó, gia đình anh có hơn 500 gốc thu được hơn 2 tấn quả tươi, bán được 30 triệu đồng. Đến năm ngoái, vẫn từng ấy cây vải nhưng anh Điển chỉ thu được hơn 10 triệu đồng. Anh
Điển tâm sự: “giá vải quả hiện bán “rẻ như cho” nên tôi đã bàn với vợ chặt bớt để lấy diện tích đất trồng cây ăn quả khác. Theo bà con, ít nhất giá vải thấp thì cũng phải đạt 6.000 đồng/kg thì may ra còn lãi chút ít, nhưng giá trung bình chỉ được 3.500 đồng/kg thì nếu có đầu tư chăm sóc cũng sẽ lỗ.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, giá vải quá thấp nên bà con không mặn mà với cây vải, chính vì thế diện tích vải của Hữu Lũng đang ngày một giảm. Theo bà Thái, trung bình mỗi năm, diện tích vải giảm từ 100 - 200 ha. Năm 2008 Hữu Lũng có 3.739 ha cây, năm 2009 còn 3.178 ha, năm 2010 là 2.715 và hiện tại chỉ còn trên 2.607 ha. Đứng trước nguy cơ ngày càng nhiều người dân "quay lưng" lại với cây vải, UBND huyện Hữu Lũng đã triển khai nhiều biện pháp để giữ chất lượng quả vải, giữ ổn định vùng trồng vải theo quy hoạch, tổ chức các mô hình thí điểm trẻ hóa vườn vải… nhưng kết quả hầu như không có sức hấp dẫn với người nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều năm qua, anh Nguyễn Đức Chí luôn kiếm tìm những giống cá mới có chất lượng để cung cấp cho thị trường. Vì vậy mà các chủ đầm, chủ trang trại nuôi thuỷ sản nước ngọt thường gọi anh là “hoa tiêu” cá giống.
Vụ Đông xuân 2011 - 2012, nông dân xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang ký kết hợp đồng nhân giống lúa thơm Jasmine 85 với Công ty Cổ phần Mêkông khoảng 7 ha.
Le le là một loài chim hoang dã, có nhiều ở vùng ĐBSCL. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người săn bắt le le tự nhiên để bán cho các nhà hàng làm món đặc sản. Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ của thị trường và cũng muốn bảo tồn một loài chim có giá trị kinh tế cao, nhiều người đã tìm cách nuôi và cho sinh sản le le. Ông Sa Lê và ông Gồ Sa Ly (cả hai đều là người Chăm) là 2 điển hình nuôi le le thành công ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.