Hương Sơn vào mùa lộc nhung hươu
Lộc nhung là sừng của con hươu đực dạng lộc non, mềm và cho hiệu quả dinh dưỡng cao, có tác dụng bồi bổ cơ thể, giúp ăn ngon ngủ tốt, bổ thận tráng dương, rất tốt cho hệ miễn dịch và điều trị hiệu quả một số bệnh…
Cặp nhung trên đầu hươu
Huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh có điều kiện đặc biệt về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, hệ thực vật, thức ăn, con giống… phù hợp với sự phát triển của con hươu.
Hươu và nhung hươu Hương Sơn là đặc sản nổi tiếng cả nước mà không vùng nào có được, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể năm 2009 và đang được UBND tỉnh Hà Tĩnh triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý để bảo vệ, phát triển và quảng bá thương hiệu.
Về Hương Sơn những ngày này, đến đâu cũng nghe chuyện nhung hươu. Sau một năm được đầu tư chăm sóc, khi mùa xuân đến, con hươu trút khối sừng cứng trên đầu (gọi là đế), để mọc lên một cặp lộc nhung hồng tơ.
Khi cặp nhung được khoảng 43 - 45 ngày, chủ hộ tổ chức cắt nhung, thu hoạch (nếu sớm quá sẽ bị non, muộn quá sẽ bị già, chất lượng nhung đều không tốt).
Ngày cắt nhung là ngày vui nhất của gia chủ. Vui vì sau những ngày chăm sóc, giờ là lúc họ được thu về thành quả lao động bằng giá trị hàng triệu đến hàng chục triệu đồng từ những cặp lộc nhung.
Nghề nuôi hươu lấy lộc nhung ở Hương Sơn phát triển từ lâu, đã trải qua những bước thăng trầm, gian nan cho người nuôi do giá cả biến động thất thường, nhưng hiện đã trở về với giá trị đích thực của nó.
Mấy năm gần đây, đời sống người dân đã ổn định, cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nối với nước bạn Lào luôn tấp nập, bộ mặt nông thôn miền núi dần khởi sắc. Có vốn, bà con gây dựng lại đàn hươu. Hơn ai hết, họ biết hươu sao là con vật quý trời ban cho Hương Sơn, không thể để mất nên đã trở thành nghề chăn nuôi chính để vươn lên làm giàu.
Nếu như từ năm 2005 - 2010, đàn hươu của huyện mới ở mức 11.000 con thì đến nay, tổng đàn đã tăng lên trên 36.000 con, trong đó khoảng 20.000 con hươu đực đã cho lộc nhung.
Theo anh Phan Xuân Đức, Phó phòng NN-PTNT huyện Hương Sơn: “Nghề nuôi hươu đã phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện. Trừ 12 xã vùng ngập lụt, 20 xã còn lại đều có đàn hươu phát triển nhanh. Nhiều xã như Sơn Lâm, Sơn Quang, Sơn Trung, Sơn Giang... có đàn hươu khoảng 3.000 con. Người nuôi hươu nhỏ lẻ dưới 10 con/hộ còn nhiều hơn người không nuôi. Nghề nuôi hươu lấy lộc đem lại giá trị kinh tế cao cho nông hộ”.
Nuôi hươu bây giờ không còn cầu kỳ như trước. Cây cỏ trong vườn đều có thể làm thức ăn cho hươu. Hươu không kén thức ăn, nhưng yêu cầu đầu tiên đối với thức ăn là phải sạch. Trước kia, người chăn nuôi hươu mỗi năm chỉ lấy được một lứa lộc nhung nhưng giờ đã có cách chăm sóc hươu đặc biệt để thu mỗi năm hai lứa.
Trước tiết lập xuân, người nuôi phải cho hươu ăn thúc để cho nó đổ đế, thức ăn là cơm, lạc, ngô, khoai, sắn... Khi hươu bắt đầu ra lộc, chủ nhà phải có chế độ chăm sóc đặc biệt, không những được ăn ban ngày mà đêm cũng ăn những thứ giàu chất béo. Vì thế lộc nhung lên rất nhanh, chất lượng cũng cao hơn.
Cặp lộc nhung mới cắt
Bác Nguyễn Văn Lai ở thị trấn Phố Châu chia sẻ: “Không nghề chăn nuôi nào nhàn nhã và lãi như nuôi hươu. Chỉ cần nuôi một con hươu đực, mỗi năm cắt 2 lứa nhung là cũng có gần 20 triệu đồng. Mà nhung hươu Hương Sơn từ lâu đã trở thành đặc sản, giá mỗi năm một tăng. Năm nay dao động từ 11 - 14 triệu đồng/kg”.
Còn chị Lê Thị Hương, xóm Lâm Đồng, xã Sơn Lâm cho biết: "Đầu tiên gia đình chỉ nuôi lúc 3 con, lúc 5 - 7 con. Đến tháng 4/2012, chúng tôi quyết định nuôi theo mô hình gia trại lớn, tập trung theo Nghị quyết 02 của Huyện ủy Hương Sơn về phát triển chăn nuôi. Hiện gia đình tôi có gần 60 con. Hươu thực sự là con vật nuôi đã đưa kinh tế gia đình tôi đi lên, ổn định cuộc sống”.
Cứ vào độ đầu xuân, sau tết chừng 1 tháng, ai muốn có một cặp lộc nhung ngâm rượu hay sấy khô nấu cháo bồi bổ sức khỏe thì hãy về Hương Sơn. Khách sẽ được tận mắt chứng kiến cặp nhung hươu trắng hồng trên đầu chú hươu đực. Cuối cùng cuộc giao dịch, khách sẽ được thưởng thức một bữa rượu huyết hươu với gia chủ trước khi sở hữu cặp nhung ưng ý.
Mùa lộc nhung năm nay đang rộ và con đường ngược ngàn Hương Sơn như cũng xôn xao hơn với những đoàn khách tìm về đông hơn các năm trước. Với giá trị kinh tế lớn từ nuôi hươu đực lấy lộc nhung, tin rằng trong tương lai, tổng đàn hươu của Hương Sơn sẽ còn tăng cao hơn nữa, giúp người nông dân ngày càng có cuộc sống khá giả hơn.
Related news
Từng sang Israel làm thực tập sinh, tận mắt chứng kiến nền nông nghiệp công nghệ cao, chàng trai người Quảng Trị về lại quê hương mở trại trồng nấm sò.
Trên vùng đất đất đá dăm, sạn cốm chai cứng, nếu trồng đậu xanh, đậu đen thì cây cao không quá gang tay, còn trồng đậu đỏ thì mang lại giá trị kinh tế.
“Nuôi lợn (heo) trên nền đệm lót sinh học (ĐLSH) tiết kiệm 60% chi phí lao động, 10% chi phí thức ăn, giúp lợn giảm tỷ lệ mắc các bệnh đường ruột,