Hướng Đến Cánh Đồng Hơn 100 Triệu Đồng/ha
Là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Hòa An đã có nhiều chuyển biến tích cực. Diện tích sản xuất nông nghiệp hàng hóa hằng năm đều tăng về sản lượng và giá trị sản xuất.
Bước đầu xuất hiện một số vùng sản xuất hàng hóa với các cây trồng, vật nuôi mũi nhọn đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: vùng thuốc lá, ớt xuất khẩu, khoai tây..., góp phần nâng cao đời sống nhân dân, từng bước xây dựng nông thôn mới.
Thu hoạch ớt xuất khẩu tại Trạm giống Hòa An (Công ty cổ phần Giống cây trồng Nông lâm nghiệp)
Xóm Bằng Hà 1, xã Đức Long là một trong nhiều địa phương ở Hòa An đã tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. 100% diện tích của xóm đều sản xuất được hơn 3 vụ/năm, giá trị khoảng 100 triệu đồng/ha.
Khi vụ mùa vừa kết thúc, cả xóm lại bắt tay vào làm vụ đông. Tổng diện tích đất canh tác của xóm chỉ có hơn 14 ha, nhưng riêng vụ khoai tây, xóm trồng hơn 5,2 ha. Tuy thời tiết năm nay không được thuận lợi nhưng cũng cho thu hơn 15 tấn củ/ha; với giá thị trường hiện nay trung bình 15 nghìn đồng/kg, thu trên 20 triệu đồng/ha. Khi khoai tây chưa dỡ hết, 43 hộ dân xóm Bằng Hà 1 đã chuẩn bị trồng hơn 1,2 ha ớt xuất khẩu và khoảng 7 ha thuốc lá.
Dẫn chúng tôi ra thăm ruộng khoai tây đang chuẩn bị thu hoạch, chị Lê Thị Hợi, Trưởng xóm Bằng Hà 1 vui mừng: Vụ đông xuân 2010 - 2011, tôi trồng 1.000 m2 ớt xuất khẩu, thu được 3,2 tấn quả, bán cho Trạm Giống cây trồng huyện, thu về 14,4 triệu đồng, trừ chi phí giống, vật tư, phân bón, không tính công chăm sóc, thu hái, cho lãi 12 triệu đồng. Với việc sản xuất 3 vụ/năm (khoai tây + thuốc lá + lúa mùa hoặc khoai tây + ớt + lúa mùa), mỗi ha đất của xóm chắc chắn cho thu hoạch hơn 100 triệu đồng/năm.
Hiện nay, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hòa An đã tăng từ 17,1 triệu đồng/ha (năm 2005) lên gần 43 triệu đồng năm 2010. Trên địa bàn huyện bước đầu đã có một số sản phẩm nông nghiệp lợi thế có thể tổ chức sản xuất tập trung mang tính hàng hóa.
Qua liên kết 4 nhà (Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp), ngoài cây thuốc lá, trên địa bàn huyện hiện đang có một số cây trồng, như: khoai tây, ớt xuất khẩu được đầu tư và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Năm 2011, toàn huyện trồng được trên 1.600 ha thuốc lá, 50 ha khoai tây, gần 10 ha ớt xuất khẩu.
Kỹ sư Lục Thị Liễu, Trạm trưởng Trạm Giống (Công ty cổ phần Giống cây trồng Nông lâm nghiệp) cho biết: Hòa An là vùng đất có nhiều tiềm năng để tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Năm 2008, đơn vị vận động nhân dân trồng thử nghiệm ớt xuất khẩu và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đến nay diện tích ớt của Hòa An đã tăng lên đáng kể. Vụ ớt năm 2011, cả huyện đã trồng được gần 10 ha, đơn vị thu mua xuất khẩu được 225 tấn.
Hiện đã có hàng trăm hộ của 4 xã Nam Tuấn, Bình Long, Đức Long, Hồng Việt đăng ký tham gia trồng 25 ha ớt xuất khẩu trong năm 2012. Riêng xã Bình Long có 15/16 xóm với gần 100 hộ đăng ký trồng 10 ha ớt. Dự kiến vụ 2011 - 2012, diện tích ớt xuất khẩu của Hòa An sẽ đạt khoảng 30 ha.
Chị Liễu cho biết thêm, Trạm đang thử nghiệm sản xuất giống ngô ngọt phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Nếu thành công, khi nhân ra diện rộng, mục tiêu cánh đồng hơn 100 triệu đồng/ha không còn là quá xa vời đối với nông dân Hòa An nói riêng và nông dân Cao Bằng nói chung.
Đồng chí Nguyễn Hữu Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An, người dành nhiều tâm huyết với chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa khẳng định: Huyện đang chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất những cây, con có lợi thế theo hướng hàng hóa. Ngoài việc duy trì ổn định diện tích thuốc lá hiện có, huyện đang tập trung chỉ đạo phát triển nhanh diện tích khoai tây, ớt, ngô xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2015, huyện sẽ có 200 ha khoai tây, 100 ha ớt, 200 ha ngô xuất khẩu.
Related news
Ngày 18.7, tại Long Xuyên (An Giang), Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông (Sở NNPTNT An Giang) tổ chức Diễn đàn “Phát triển chăn nuôi thủy cầm an toàn sinh học”.
Vài ngày gần đây, trên địa bàn xã Tượng Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh), hàng vạn con tôm sú bỗng dưng bị chết, gây lo lắng cho các hộ nuôi trên địa bàn.
Sau khi thất thu ở vụ đầu năm, đây là thời điểm người dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) phấn khởi vì tôm thu hoạch được mùa lẫn được giá.