Hướng Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng Hiệu Quả
Trong những năm qua, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Đan Phượng (Hà Nội), nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã chuyển sang trồng đu đủ, dưa chuột, dưa lê… Đây là hướng đi đang mang lại thu nhập cao cho người dân so với trồng lúa, ngô truyền thống.
Thu nhập cao
Đến cánh đồng của thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng thời điểm này, bên cạnh những ruộng đu đủ là ruộng dưa chuột đang cho thu hoạch. Chị Chu Thị Hợp, thôn Đoài phấn khởi cho biết, đây là vụ đầu tiên gia đình chị trồng thử nghiệm dưa chuột giống Cúc 71 trái vụ. Mặc dù thời tiết nắng nóng, năng suất chỉ đạt 600 - 800 kg/sào nhưng với giá bán hiện nay khoảng 5.000 đồng/kg, chị cũng thu được 3 - 4 triệu đồng/sào. "Vào chính vụ, dưa chuột cho năng suất đạt hơn 1 tấn/sào, thu nhập đạt 9 - 10 triệu đồng/sào/vụ; một năm có thể trồng được 3 lứa" - chị Hợp chia sẻ.
Vừa thu xong 2,5 sào dưa chuột được 17 triệu đồng, ông Ngô Văn Nhật, thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng tiếp tục xuống giống 2 sào dưa lê và tập trung chăm sóc 4 sào đu đủ. Ông Nhật nhẩm tính, mỗi sào đu đủ trồng được khoảng 100 cây, mỗi cây cho thu hoạch 20 - 30 kg. Giá bán đu đủ đầu mùa được 12.000 đồng/kg, lúc thu hoạch rộ được 7.000 - 8.000 đồng/kg, trừ chi phí thu nhập 8 - 10 triệu đồng/sào.
Toàn xã Đan Phượng có 170ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích chuyển đổi sang trồng đu đủ đạt 10ha, diện tích trồng dưa các loại đạt 25 - 30 ha/năm. Theo đánh giá của HTX Dịch vụ tổng hợp xã Đan Phượng, đu đủ và dưa là hai cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao so với cấy lúa và trồng ngô theo cách làm truyền thống.
Tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất
Ngoài xã Đan Phượng, một số xã khác trên địa bàn huyện Đan Phượng như Song Phượng, Phương Đình, Đồng Tháp... cũng đang mở rộng diện tích trồng đu đủ, dưa các loại. Theo Trạm Khuyến nông huyện Đan Phượng, trồng đu đủ, dưa chuột, dưa lê nói riêng và các loại rau màu nói chung cho hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên cần lưu ý tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật.
Trong định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp thời gian tới, huyện Đan Phượng chủ trương tập trung vào các sản phẩm chính là rau, hoa, cây cảnh và con vật nuôi đặc sản. UBND huyện đang chỉ đạo các địa phương triển khai xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trạm Khuyến nông huyện cũng thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và các đơn vị tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới và xây dựng các mô hình trình diễn cho người nông dân.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, ngô sang các loại cây rau màu như đu đủ, dưa chuột, dưa lê đã cho hiệu quả rõ nét cần nhân rộng và phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa. Để mở rộng mô hình, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều nông dân bày tỏ mong muốn huyện, TP hỗ trợ các loại cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao và đảm bảo chất lượng.
Cùng với việc mở rộng các mô hình chuyển đổi, TP Hà Nội và huyện cần có cơ chế hỗ trợ chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, tránh tình trạng bị thương lái ép giá như hiện nay.Bà Lê Thị ThêmPhó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ tổng hợp xã Đan Phượng
Có thể bạn quan tâm
Trong khi nhiều hộ thua lỗ vì nuôi con đặc sản thì gia đình anh Bùi Văn Chuyền, thôn Trung, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) vẫn thu lợi nhuận khá từ nuôi lợn rừng và rắn hổ phì.
Mô hình trồng rau bằng phương pháp thủy canh vừa được nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Đà Nẵng triển khai tại Cù Lao Chàm (TP.Hội An) đã mở ra hướng, tạo sản phẩm rau sạch cho người tiêu dùng tại đây mà không phải cần đất sản xuất.
Các thử nghiệm được thực hiện bởi Viện Pasture và Trung Tâm Quan Trắc Cảnh Báo Môi Trường và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Thủy Sản Nam Bộ của Viện Nghiện Cứu Nuôi Trồng Thủy Sản II cho thấy Nano bạc có khả năng diệt các loài vi khuẩn bao gồm Vibrio cholera, E. coli và Vibrio parahaemolyticus