4,4% Mẫu Thịt Và Gan Heo Nhiễm Chất Cấm
Chiều ngày 5.4, tại cuộc họp bàn và triển khai các biện pháp kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ NN-PTNT đã công bố kết quả giám sát chất cấm thuộc nhóm beta agonists.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, cho biết kết quả lấy mẫu thịt, thức ăn chăn nuôi trên diện rộng được phân tích tại 9 phòng thí nghiệm do Bộ NN-PTNT chỉ định cho thấy, có 13/268 mẫu thức ăn chăn nuôi, chiếm 4,8%; 2/18 mẫu thuốc thú y, chiếm 11,1%; 8/179 mẫu thịt và gan heo, chiếm 4,4% và 7/108 mẫu nước tiểu heo, tương đương 6,4% dương tính với chất cấm.
Tại các tỉnh miền Bắc, ông Dương cho biết, cơ quan hữu trách đã lấy tổng cộng trên 150 mẫu để phân tích và phát hiện 3 mẫu dương tính với chất tạo nạc, trong đó có 1 mẫu gan heo ở Bắc Ninh, 2 mẫu thức ăn chăn nuôi ở Hòa Bình và Hải Dương.
Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát lưu ý, 4,4% mẫu thịt và gan heo nhiễm chất cấm là nghiêm trọng và yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt việc kiểm soát có hiệu quả việc sử dụng chất nguy hiểm này.
Có thể bạn quan tâm
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang vừa thực nghiệm thành công Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất ở tỉnh An Giang”. Dự án do Tiến sĩ Dương Nhựt Long, Trường đại học Cần Thơ thực hiện tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP.Long Xuyên). Kết quả, sau 6 tháng nuôi, thu hoạch đạt hơn 1 tấn tôm càng xanh, giá bán từ 180.000 - 250.000 đồng/kg, trừ chi phí đạt lợi nhuận 100 triệu đồng (1 lời 1), mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi tôm càng xanh trong ao đất.
Phát huy tiềm năng sẵn có của thiên nhiên ưu đãi vùng đất ven sông Cổ Chiên, trong thời gian qua bà con nông dân ấp Mỹ Trạch, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam đã tận dụng triệt để diện tích mặt nước ao hồ mương vườn và bãi bồi ven sông để đánh bắt và nuôi các loại thủy sản có giá trị để tăng hiệu quả kinh tế.
Tại nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL, hiện bà con nông dân đang tất bật xuống giống vụ lúa thu đông sớm (nông dân quen gọi lúa vụ 3). Theo dự báo của các nhà chuyên môn, vụ lúa này nông dân sẽ gánh chịu không ít khó khăn do áp lực dịch bệnh, chi phí sản xuất tăng cao.