Hưng Yên mở rộng diện tích cây vụ đông
Những ngày này, không khí lao động sản xuất trên những cánh đồng ở huyện Phù Cừ diễn ra nhộn nhịp từ sáng sớm đến chiều tối khi bước vào thu hoạch lúa mùa và trồng cây vụ đông. Xã Quang Hưng là một trong những địa phương có truyền thống trồng cây vụ đông sớm, nông dân đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung xuống đồng sản xuất vụ đông.
Bà Đỗ Thị Thuần, thôn Quang Xá cho biết: “Từ lâu, gia đình tôi vẫn duy trì cấy 2 vụ lúa và mỗi năm trồng 5 sào cây vụ đông, không phải thuê thêm lao động mà vẫn dư thời gian làm việc khác. Vụ đông năm trước, thời tiết không thuận lợi mưa nhiều nhưng với 5 sào bí ngô, trừ chi phí tôi thu lãi được 10 triệu đồng. Năm nay, tôi đã chủ động cấy lúa có năng suất, chất lượng trung bình nhưng thời gian sinh trưởng ngắn, thu hoạch sớm để trồng bí, còn lại cấy lúa chất lượng cao. Đến nay, tôi đã trồng bí xen trong ruộng lúa. Đến khi lúa thu hoạch xong cũng là thời điểm bí lan rộng trên mặt ruộng, chuẩn bị ra hoa kết trái. Theo kinh nghiệm từ những năm trước, bí trà sớm sẽ bán được giá cao, dễ bán hơn trồng chính vụ”.
Được biết, vụ này xã Quang Hưng có kế hoạch gieo trồng hơn 100ha cây vụ đông, trong đó chủ lực là bí các loại. Đến ngày 26.9, nông dân trong xã đã gieo trồng được 50ha, đạt 55% kế hoạch. Để bảo đảm diện tích và hiệu quả sản xuất, xã sớm xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa, bố trí các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, thu hoạch sớm để trồng cây vụ đông. Nhiều năm nay HTX dịch vụ nông nghiệp xã nhận cung ứng giống bí và đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Cùng với các địa phương, đến ngày 26.9, huyện Tiên Lữ đã gieo trồng được 250ha rau màu các loại. Các xã trồng được nhiều là Hưng Đạo, Nhật Tân, Thụy Lôi, Thiện Phiến...
Ông Nguyễn Đức Lăng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Lữ cho biết: Với mục tiêu gieo trồng 1 nghìn ha cây vụ đông trở lên trong khung thời vụ tốt nhất, ngay từ khi xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí giống lúa, thời vụ và phương thức gieo cấy cho phù hợp. Đối với chân ruộng thu hoạch lúa mùa trước ngày 5.10, khuyến cáo nông dân bố trí gieo trồng cây vụ đông sớm, ưa ấm, như: Ngô, đậu tương, lạc, khoai lang, bí các loại, hành, tỏi, dưa chuột, ớt. Chân ruộng thu hoạch lúa mùa sau ngày 5.10, bố trí gieo trồng nhóm cây ưa lạnh, như: Rau ăn lá ngắn ngày, khoai tây, nhóm rau, đậu ưa lạnh...; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật làm bầu, trồng xen, trồng gối, làm đất tối thiểu để bảo đảm thời vụ; áp dụng các biện pháp chăm sóc, thâm canh cây vụ đông theo hướng sản xuất an toàn sinh học, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Vietgap)...
Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 26.9, nông dân trong tỉnh đã gieo trồng được gần 4,8 nghìn ha cây rau màu vụ đông, trong đó ngô gieo trồng được gần 2,3 nghìn ha, chủ yếu ở các xã vùng bãi sông Hồng, sông Luộc và đất chuyên màu; bí xanh trồng được hơn 830ha, chủ yếu ở các huyện Phù Cừ, Kim Động, Ân Thi, còn lại là diện tích hoa, cây cảnh và rau màu khác.
Theo nhận định của ngành Nông nghiệp và PTNT, từ đầu vụ gieo trồng rau màu vụ đông đến nay, thời tiết thuận lợi, nguồn cung ứng giống dồi dào, đa dạng, bảo đảm chất lượng. Ngoài hỗ trợ của tỉnh, một số địa phương có cơ chế hỗ trợ thêm tiền mua giống một số cây trồng, xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học...
Theo kế hoạch được giao, các địa phương đều chủ động quy hoạch vùng, bố trí cơ cấu lúa mùa hợp lý nên khi lúa chín đỏ đuôi nông dân đã đưa cây vụ đông xuống ruộng trồng, do đó tiến độ được đẩy nhanh như các huyện: Khoái Châu, Văn Giang, Kim Động, thành phố Hưng Yên... Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, diện tích trồng cây vụ đông còn ở mức thấp, nguyên nhân do thiếu lao động, đặc biệt ở những huyện có lĩnh vực công nghiệp phát triển nhanh như Mỹ Hào, Văn Lâm...
Related news
Trong vòng một tháng qua, giá đường tăng mạnh. Đến nay giá bán sỉ của các nhà máy 15.500 - 16.500 đ/kg, tăng hơn 2.000 đ/kg. Giá đường tăng khiến giá thu mua mía tăng theo, người trồng mía lãi khá.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới chỉ diễn ra trong buổi sáng nhưng đã ít nhất 2 lần Thủ tướng phải nhắc nhở các địa phương đọc ít báo cáo, dành thời gian tập trung vào các vấn đề cấp bách hơn.
Anh Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Tử (Khoái Châu) được nhiều người trìu mến gọi là anh nông dân “hai giỏi”. Bởi anh Thế không chỉ năng động, nhiệt tình trong công tác hội mà còn cần cù, chịu khó phát triển sản xuất của gia đình.