Giá / Tin thủy sản

HTX Nuôi trồng thủy sản Vân Hải (Vân Đồn, Quảng Ninh) hướng đến sản phẩm sạch

HTX Nuôi trồng thủy sản Vân Hải (Vân Đồn, Quảng Ninh) hướng đến sản phẩm sạch
Tác giả: Phạm Tăng
Ngày đăng: 24/06/2016

Trong cái nắng như đổ lửa những ngày giữa tháng 6, chúng tôi đến thăm mô hình của HTX Nuôi trồng thủy sản Vân Hải tại khu vực tây nam Đồng Bìa (thuộc thị trấn Cái Rồng). Nhìn từ xa, khu vực nuôi trồng tập trung của HTX giống như xóm làng chài thu nhỏ nổi giữa biển khơi với hàng trăm ô lồng bè.

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản Vân Hải, cho biết: Sau hơn 15 năm thành lập từ 14 xã viên ban đầu đến nay, HTX đã phát triển lên 21 xã viên.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt hơn 14ha, trong đó tập trung chủ yếu nuôi các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao như: Cá song, cá giò, hàu, ngao... 3 năm gần đây, khu nuôi trồng thủy sản tập trung của HTX không bị dịch bệnh, nhiều xã viên thắng lớn, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng ổn định.

Năm 2015, sản lượng thuỷ sản của HTX đạt gần 80 tấn (tăng hơn 10 tấn so với năm 2014). Hướng tới sản phẩm đầu ra của HTX phải đảm bảo được tiêu chuẩn hải sản sạch, HTX đang tập trung kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập giống đến các quy trình chăm sóc, nuôi trồng con giống hải sản sạch mầm bệnh.

Bên cạnh đó, bà con xã viên còn được hướng dẫn kiểm tra thường xuyên việc ghi chép nhật ký sản xuất, các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, nhận định tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng chống. Qua đó, giúp con giống phát triển khoẻ mạnh, sản phẩm bán ra thị trường được các thương lái chọn và đánh giá cao.

Còn nhớ vào năm 2012, huyện Vân Đồn xảy ra dịch bệnh tu hài khiến hàng trăm hộ nuôi trắng tay và lâm cảnh nợ nần chồng chất. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tu hài chết hàng loạt chủ yếu do con giống nhập tràn lan từ Trung Quốc chưa được kiểm dịch và một phần do nguồn nước tại các khu vực nuôi bị ô nhiễm. Riêng trong năm đó, HTX Nuôi trồng thủy sản Vân Hải có 7 hộ nuôi thiệt hại gần 10.000 lồng. Ngay sau đó, địa phương đã khuyến cáo nông dân và các doanh nghiệp tạm thời dừng nuôi tu hài trong thời gian 2 năm...

Thực tế rút kinh nghiệm sau bài học đó, bà con xã viên trong HTX Nuôi trồng thủy sản Vân Hải đã mạnh dạn, chủ động chuyển đổi giống nuôi và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh.

Đối với những lồng nuôi tu hài bị chết sau khi được khử trùng vệ sinh sạch sẽ bà con xã viên đã chuyển sang nuôi con ngao hai cùi (theo cách gọi của địa phương). Nhờ chăm sóc và phòng bệnh tốt nên 3 năm gần đây con ngao hai cùi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho nhiều hộ nuôi trong HTX.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Đông Xá một trong những hộ có diện tích nuôi ngao, cá lồng bè nhiều nhất tại HTX Nuôi trồng thủy sản Vân Hải chia sẻ: Sau vụ tu hài chết, chúng tôi rút ra kinh nghiệm về tầm quan trọng của việc chọn giống quyết định đến hiệu quả kinh tế nên các hộ rất chủ động tìm mua các loại giống tốt tại các cơ sở sản xuất uy tín, được chứng nhận đã kiểm dịch. Trong quá trình nuôi phải tuân thủ đúng quy trình và kỹ thuật của từng loại.

Đặc biệt, phải chú ý đến thời điểm giao mùa, con cá, ngao hay bị bệnh nên phải bổ sung nguồn thức ăn cho chúng. Thức ăn phải đảm bảo tươi, bảo quản tốt và không quá hạn sử dụng... Điều quan trọng nhất là nguồn nước, cần đảm bảo sạch sẽ, tránh bị ô nhiễm.

Ông Hà Văn Ninh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vân Đồn đánh giá: Mô hình nuôi trồng thuỷ sản của HTX Nuôi trồng thủy sản Vân Hải là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cần được nhân rộng ra tại địa phương.

Để phát huy hiệu quả, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn cho các hộ dân chuyển giao công nghệ, các mô hình trình diễn, xây dựng HTX trên cơ sở liên kết giữa các nông hộ với đơn vị thu mua và phân phối sản phẩm.

Tuy nhiên, muốn hướng đến vùng nuôi trồng sản phẩm sạch, thiết nghĩ HTX cần sớm đăng ký thương hiệu, nhãn mác, bao bì các sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, hướng ra nhiều thị trường lớn.


Có thể bạn quan tâm

Nghề nuôi thủy sản phương thức mới, nỗi lo cũ Nghề nuôi thủy sản phương thức mới, nỗi lo cũ

Liên tục bị dịch bệnh bủa vây khiến người nuôi tôm thẻ chân trắng chuyển hướng, tìm cơ hội ở các đối tượng mới như tôm sú, cá bớp, cua hoặc kết hợp tôm – cá. Song, bên cạnh những tín hiệu vui, người nuôi vẫn khắc khoải với nỗi lo đầu ra bấp bênh hay dịch bệnh tái bùng phát...

24/06/2016
Cá bớp nuôi lồng bè chết đột ngột Cá bớp nuôi lồng bè chết đột ngột

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết, cá bớp nuôi lồng bè trên biển của một số hộ dân tại thôn Kê Gà, xã Tân Thành bị chết đột ngột xảy ra từ chiều tối ngày 21 đến trưa ngày 22/6, tổng lượng cá chết ước khoảng 3.500 con (ước 10 tấn); ước giá trị thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng.

24/06/2016
Vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại cá nuôi lồng bè chết hàng loạt ở Long Sơn hòa giải lần thứ nhất bất thành Vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại cá nuôi lồng bè chết hàng loạt ở Long Sơn hòa giải lần thứ nhất bất thành

Sáng 22-6, TAND TP.Vũng Tàu đã tổ chức hoà giải lần thứ nhất giữa các DN chế biến hải sản tại ấp Láng Cát, xã Tân Hải, huyện Tân Thành và 33 hộ dân nuôi trồng thuỷ hải sản trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu trong vụ án “Đòi bồi thường thiệt hại về tài sản sau sự cố về môi trường xảy ra ngày 4-9-2015 khiến cá nuôi lồng bè chết hàng loạt tại xã Long Sơn”.

24/06/2016