Giá / Tin thủy sản

Nghề nuôi thủy sản phương thức mới, nỗi lo cũ

Nghề nuôi thủy sản phương thức mới, nỗi lo cũ
Tác giả: Nhóm PV Kinh Tế
Ngày đăng: 24/06/2016

Nhiều mô hình mới

Những năm gần đây, nông dân xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) dường như chỉ chú tâm đến cá chẽm, đối tượng thay thế tôm thẻ chân trắng. Ông Nguyễn Hồng Thành, một trong những hộ tiên phong nuôi cá chẽm, cho biết: Cá chẽm dễ nuôi, ít dịch bệnh hơn tôm. Hơn nữa, vùng nuôi lại gần cảng cá Tịnh Kỳ nên nguồn thức ăn dồi dào.

Với những lợi thế này, nên từ 3.000m2 mặt nước ban đầu, hiện ông Thành đã tăng diện tích nuôi cá chẽm lên gấp đôi. “Một hồ nuôi cá thương phẩm. Một hồ ươm và huấn luyện cá giống để gối đầu hai vụ, phòng rủi ro”, ông Thành chia sẻ kinh nghiệm. Cùng với ông Thành, hàng chục hộ dân ở xã Tịnh Kỳ cũng quyết gắn bó với cá chẽm, với kỳ vọng sẽ gỡ nợ do con tôm gây ra.

Trong khi đó, tại vùng nuôi tôm xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), hàng trăm hộ dân cũng đang tích cực chăm sóc 35ha tôm sú kết hợp cá dìa. Đây là hai đối tượng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Có điều, dù sự kết hợp của tôm sú – cá dìa là không mới, song sau nhiều vụ “trúng nhỏ” thì năm nay, diện tích bỗng tăng đột biến.

Điều này, theo đánh giá của bà Đỗ Thị Thu Đông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản là do điều kiện nước, nguồn thức ăn vùng Tịnh Hòa thuận lợi phát triển tôm sú và cá dìa, cộng với giá bán của hai đối tượng này luôn ở mức cao nên hấp dẫn người nuôi. Hơn nữa, nhờ nông dân tuân thủ quy trình chăm sóc và mật độ nuôi tôm sú – cá dìa phù hợp nên hiện vẫn chưa phát hiện dịch bệnh trên cặp đối tượng này. Nông dân vì thế cũng phấn khởi, mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi”.

Còn ở huyện Bình Sơn, sau thời gian nuôi ốc hương không hiệu quả, năm 2014, anh Nguyễn Kim Đức, thôn Sơn Trà, xã Bình Đông đã mạnh dạn đầu tư lồng bè thả nuôi 1.500 con cá bớp. Anh Đức chia sẻ: “Nhà tôi ở gần biển nên rất thuận lợi trong việc nuôi thủy hải sản.

Trước đây tôi nuôi nhiều loại cá, nhất là cá mú, cá dìa, ốc hương, tôm... nhưng hiệu quả không cao. Qua quá trình tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, thấy cá bớp là đối tượng nuôi ít rủi ro so với các đối tượng nuôi khác, lại phù hợp với vùng biển ở địa phương, nên tôi quyết định chuyển sang nuôi loại cá này”.

Anh Đức mua con giống tại Khánh Hòa, Phú Yên. Thức ăn cho cá bớp chủ yếu là cá vụn, cá nhỏ. Sau thời gian nuôi khoảng 8 tháng, trọng lượng cá đạt từ 5 - 7kg. Với giá bán từ 150.000 - 170.000 đồng/kg vào thời điểm đó, trừ chi phí, anh Đức thu trên 200 triệu đồng.

Tiếp tục lấy ngắn nuôi dài, trong vụ thứ tư này, anh Đức đã thả nuôi 6.000 con cá bớp giống. Tuy nhiên, để chủ động chăm sóc cá cũng như đầu ra cho sản phẩm, anh Đức và các hộ nuôi khác không thả nuôi cùng một lúc mà chia nhiều lứa theo kiểu gối vụ. “Cứ thả nuôi chừng 4 tháng là mình lại tiếp tục thả cá giống để nuôi lứa tiếp theo. Theo quy trình như vậy sẽ có cá bán quanh năm lại giảm áp lực đầu ra”, anh Đức cho biết.

Nhận thấy giá trị kinh tế từ con cá bớp, hàng chục hộ dân đã theo anh Đức thực hiện mô hình nuôi cá bớp lồng bè. Đến nay, xã Bình Đông có khoảng 30 hộ thả nuôi cá bớp. Giá cá năm nay không cao bằng mọi năm. Nhưng theo tính toán của các hộ nuôi, chỉ cần đầu ra ổn định thì với giá 130.000 – 140.000 đồng/kg là đã có lãi.

Những nỗi lo cũ

Mặc dù mô hình nuôi cá bớp lồng bè mang lại hiệu quả cao, nhưng đây cũng chỉ là mô hình tự phát nên chưa mang tính bền vững. Vấn đề vay vốn phát triển nghề nuôi trồng thủy sản còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, hầu hết các hộ nuôi nơi đây đều mong muốn ở xã có một Tổ hợp tác nuôi cá để sản phẩm được “bảo hộ” về thương hiệu, cũng như nhận được sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong vay vốn làm ăn.

Ông Nguyễn Thanh Vũ – Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết: “So với các mô hình nuôi thủy sản trước đây, thì con cá bớp thật sự mang lại hiệu quả cao. Nhiều hộ đã đổi đời nhờ nghề này. Nhận thấy điều đó, địa phương cũng muốn quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản để người dân thuận lợi phát triển. Song phát triển mô hình này tại Bình Đông rất khó. Vì nếu nuôi ở cửa sông thì luồng lạch không đảm bảo.

Hiện chỉ có khu vực biển phía sau kè chắn sóng Nhà máy đóng tàu Dung Quất, ở thôn Sơn Trà là đủ điều kiện nuôi tốt. Nhưng vùng này lại thuộc quyền quản lý của Khu Kinh tế Dung Quất”. Để nghề nuôi cá bớp lồng phát triển, thời gian tới, xã Bình Đông sẽ phối hợp các ngành liên quan, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các hộ nuôi; đồng thời sớm thành lập Tổ hợp tác nuôi cá, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Ở xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi), dù quyết tâm gắn bó với cá chẽm, nhưng hiện giờ, người nuôi như ngồi trên đống lửa vì giá bán giảm chỉ còn 58.000 – 60.000 đồng/kg, thay vì 75.000 đồng/kg như vụ trước. Theo người dân, nếu giá cá chẽm dưới 70.000 đồng/kg là họ lỗ. Bởi, cá chẽm có thời gian nuôi kéo dài 8 tháng, lại kén thức ăn tươi sống nên chi phí đầu tư khá lớn.

“Hồ cá 3.000m2 cho 5 tấn cá thịt, doanh thu 300 triệu đồng. Trong đó, riêng tiền mua thức ăn đã hơn 200 triệu đồng. Rồi còn tiền điện, mua sắm máy móc cho hồ nuôi nữa. Nếu mỗi ký cá chỉ có giá 60.000 đồng thì một năm quần quật, chúng tôi thu về con số 0”, chủ hồ Nguyễn Mỹ Hạnh hạch toán.

Trong khi cá chẽm “bí” đầu ra, thì cá dìa lại hẹp đầu vào. Với giá bán 100.000 – 110.000 đồng/kg, dễ nuôi, thị trường tiêu thụ rộng, lại hợp với tôm sú nên nông dân rất thích đối tượng này. Song, người dân phàn nàn là giống cá dìa tự nhiên hiện nay quá khan hiếm. Địa chỉ bán giống cá ươm cũng không có, nên họ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo bà Đỗ Thị Thu Đông, trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có điểm bán cá dìa giống. Người dân muốn nuôi cá dìa phải ra tận tỉnh Quảng Nam hoặc vào Bình Định mua giống. Mô hình kết hợp tôm sú – cá dìa dù hiệu quả, nhưng diện tích vẫn còn hẹp là vì thế.


Nhiều hộ dân chọn ốc hương để thay thế cho việc nuôi tôm. Ảnh: Ý Thu

Cùng với nỗi lo đầu ra - đầu vào, dịch bệnh “rình rập” tại các vùng nuôi thủy sản nước lợ cũng là một trong những nỗi lo khiến người nuôi dù chuyển sang phương thức nuôi mới nhưng vẫn thấp thỏm. Trong khi đó công tác thú y, phòng chống, kiểm soát dịch bệnh thủy sản dù đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển ngành nuôi trồng nhưng lại chưa được đầu tư đúng mức nên những tổn thất khi có dịch bệnh xảy ra để lại hậu quả rất nặng nề.

Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 2 cán bộ phụ trách thú y thủy sản cấp tỉnh; cấp huyện 1 người/huyện. Nhưng chỉ có Đức Phổ, Mộ Đức, TP. Quảng Ngãi, Bình Sơn có cán bộ chuyên trách thú y thủy sản cấp huyện, còn huyện Lý Sơn vẫn chưa có. Trong khi đó, ở cấp xã, đội ngũ cán bộ thú y chuyên trách lĩnh vực thủy sản hầu như không có. Vì vậy, khi có dịch bệnh xảy ra, người nuôi trồng thủy sản phải tự mày mò cách điều trị tại ao nuôi.

Mặt khác, dù diện tích nuôi thủy sản nước lợ trên toàn tỉnh lên đến 426ha, song số lượng cơ sở bán thức ăn, thuốc, hóa chất phục vụ nuôi trồng thủy sản chỉ dừng lại ở 12 cơ sở nhỏ lẻ tại các địa phương. Hầu hết chủ các cơ sở này chỉ nhập hàng về bán chứ không có trình độ chuyên môn để tư vấn cho người dân về các danh mục thuốc sử dụng cho từng loại bệnh.

"Nuôi trồng thủy sản nước lợ là một trong những nghề đòi hỏi kỹ thuật khá cao bởi tình hình dịch bệnh trong thủy sản nước lợ diễn biến hết sức phức tạp. Song, hầu hết các hộ dân chủ yếu chỉ nuôi theo kinh nghiệm chứ không tuân thủ quy trình. Đồng thời, nhân lực phụ trách công tác thú y thủy sản ở cấp xã chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, không có năng lực chuyên môn nên việc phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản nước lợ là một vấn đề rất nan giải…" (Ông Nguyễn Văn Thuận- Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh)


Có thể bạn quan tâm

Hợp tác xã nuôi tôm Hòa Nghĩa và hành trình mang tên ASC Hợp tác xã nuôi tôm Hòa Nghĩa và hành trình mang tên ASC

Trải qua những thăng trầm trong nghề nuôi tôm, với tinh thần đoàn kết, chịu khó tìm tòi học hỏi những kinh nghiệm, cách làm hay trong nuôi tôm, giờ đây, các thành viên của Hợp tác xã (HTX) nuôi tôm Hòa Nghĩa ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu đang góp phần đưa con tôm xứ biển đến thị trường nước ngoài khi nuôi tôm đạt theo tiêu chuẩn ASC (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản).

24/06/2016
Tốn 2 năm và 500 triệu đồng, vẫn không vay được vốn 67 Tốn 2 năm và 500 triệu đồng, vẫn không vay được vốn 67

Gần 2 năm tìm hiểu, điều chỉnh và hoàn tất hồ sơ xin vay vốn đóng tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67, với chi phí bỏ ra hơn 500 triệu đồng, cuối cùng một ngư dân uất nghẹn khi được Vietcombank Quảng Ngãi gửi văn bản thông báo không cho vay vì không có kinh nghiệm, dự án không khả thi...

24/06/2016
Nuôi cá lóc tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro Nuôi cá lóc tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro

Việc nuôi cá lóc tự phát không theo quy hoạch ở nhiều xã trên địa bàn huyện Hồng Ngự đang gây ra những trở ngại cho công tác quản lý của ngành chức năng cũng như đầu ra cho cá lóc thương phẩm.

24/06/2016