Hợp Tác Quốc Tế Chống Cúm Gia Cầm
Từ ngày 23 đến 25/4, tại TP HCM, Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (ASAID), đã tổ chức Hội thảo quốc tế về kỹ thuật và chính sách phòng chống cúm gia cầm độc lực cao (H5N1 HPAI).
Hội thảo có sự tham gia của các cán bộ cao cấp đến từ 5 quốc gia bị ảnh hưởng lớn là Việt Nam, Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia và Ai Cập. Những quốc gia trước đây đã từng chịu ảnh hưởng của cúm gia cầm độc lực cao là Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar cũng cử đại biểu tham gia.
Theo các thông tin từ hội thảo, từ khi biến thể mới của virus cúm gia cầm độc lực cao H5N1 xuất hiện lần đầu tiên ở Đông á vào năm 1996, đã có hơn 17.000 ổ dịch cúm gia cầm được báo cáo từ 62 quốc gia ở châu Phi, châu Á, châu Âu và Trung Đông. Trong suốt đại dịch này, hàng triệu gà, vịt và các gia cầm khác đã bị tiêu hủy, gây tổn thất lớn cho nông dân nhiều nước. Trong 10 năm qua, đã có khoảng 300 triệu gia cầm đã bị tiêu hủy trên toàn thế giới do nhiễm cúm gia cầm độc lực cao.
Trong 602 ca nhiễm cúm H5N1 ở người thì có gần 60% trường hợp đã tử vong. Từ mấy năm nay, một biến thể mới của virus H5N1 là clade 2.3.2.1 đã xuất hiện và lan rộng từ Đông Nam á tới Đông Âu, Đông Á và Nam Á. Một số biến thể của clade 2.3.2.1 khác với các clade H5N1 HPAI khác khá nhiều. Do đó ở một số quốc gia, việc tiêm phòng vacxin cho gia cầm đã không mang lại hiệu quả.
Đến nay, hầu hết các ca nhiễm H5N1 ở người đều do virus truyền từ gia cầm sang. Virus H5N1 vẫn được xem là một mối đe dọa đại dịch nghiêm trọng vì nó tiếp tục có mặt trong gia cầm nhiều nước, có xu hướng biến đổi nhanh chóng và khả năng lây nhiễm cho con người, gây tỷ lệ tử vong cao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong mùa cúm gia cầm năm ngoái (từ tháng 11/2010 đến tháng 10/2011), đã có 64 ca cúm gia cầm ở người được báo cáo, với tỷ lệ tử vong trung bình là 52% ở các nước đang phát triển. Virus H5N1 vẫn tiếp tục tồn tại chủ yếu ở đàn gia cầm của 10 nước trên thế giới.
Trên cơ sở những nguy cơ về sức khỏe công cộng, thú y và kinh tế, rõ ràng là ở một số quốc gia, việc chỉ đơn giản giám sát và khống chế các ổ dịch cúm gia cầm thôi là chưa đủ. Vì thế, tại Hội thảo này, đại biểu từ các quốc gia cùng với các đối tác kỹ thuật quốc tế sẽ chia sẻ bài học và kinh nghiệm tốt nhất trong phòng chống cúm gia cầm độc lực cao ở người và gia cầm. Các đại biểu cũng sẽ thảo luận về sự biến đổi virus cúm gia cầm độc lực cao H5N1, các vấn đề chưa được giải quyết cụ thể liên quan đến phòng và chống cúm gia cầm độc lực cao H5N1 và xác định các bước để giải quyết vấn đề này.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần hy vọng rằng Hội thảo sẽ định hướng được các bước tiếp theo và các biện pháp hiệu quả, thực tế để cho tất cả chúng ta cùng thực hiện, tiếp tục xây dựng tốt chương trình ứng phó cấp quốc gia, hợp tác có hiệu quả trong vùng và giữa các quốc gia để khống chế H5N1 và các bệnh nguy hiểm tiềm tàng chung giữa người và động vật.
Bên lề Hội nghị, phía Việt Nam đã có những làm việc song phương với đoàn đại biểu 3 nước Trung Quốc, Campuchia và Myanmar. Theo ông Hoàng Văn Năm, Q. Cục trưởng Cục Thú y, tại buổi làm việc với đoàn Trung Quốc, phía Việt Nam quan tâm tới việc nước này đã nghiên cứu loại vacxin mới phòng chống cúm gia cầm đến đâu, Việt Nam mong sớm có vacxin này để thử nghiệm. Làm việc với Campuchia, nội dung chính là kiểm soát dịch bệnh trên động vật vận chuyển qua biên giới 2 nước. Sắp tới sẽ phải tổ chức một Hội nghị giữa Việt Nam và Campuchia, với sự tài trợ của FAO, về phối hợp phòng chống cúm gia cầm, dịch bệnh trên trâu bò... Việt Nam và Campuchia sẽ phải phối hợp cùng nhau trong việc kiểm soát sự lưu hành của cúm gia cầm. Buổi làm việc với Myanmar chủ yếu là trao đổi kinh nghiệm phòng chống cúm gia cầm của 2 nước. Sắp tới, Việt Nam sẽ bàn bạc với Myanmar về kiểm soát trong buôn bán động vật và sản phẩm động vật giữa 2 nước.
Hiện tại, Việt Nam nhập khẩu chưa nhiều sản phẩm động vật từ Myanmar, nhưng lại đang có một lượng hàng không nhỏ động vật và sản phẩm động vật từ Myanmar quá cảnh qua Việt Nam để tới Lào và Campuchia.
Có thể bạn quan tâm
Năm nay, giá thành nhiều loại thủy sản, đặc biệt là các loại cá truyền thống như mè, chim trắng, rô phi đơn tính, trắm cỏ… có chiều hướng sụt giảm khiến người nuôi thả không yên tâm đầu tư. Trong khi đó, một số loại cá đặc sản như trắm đen, nheo… vẫn có giá khá cao, bình quân từ 100.000 đồng/kg trở lên. Do đó, một số hộ có điều kiện ở Phú Thọ đã chuyển từ nuôi các loại cá truyền thống sang nuôi các loại cá có giá trị cao và tạo được nguồn thu đáng kể.
Những năm qua huyện Mường Ảng đã và đang phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó. cây cà phê được huyện xác định là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững.
Hàng chục ha tôm tại Nghi Lộc và tại Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị chết nhưng nhiều người dân không báo cho cơ quan chức năng và không lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Trước mắt, một nguyên nhân đang được đưa ra có thể là tôm đã thả thẳng xuống ao sau quá trình vận chuyển từ xa về.