Tạo Sức Bật Cho Hộ Nghèo Thoát Nghèo
10 năm qua (2003 - 2012), các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh.
Nhờ được vay vốn với lãi suất ưu đãi nên các hộ nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo đã mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, đầu tư về cây, con giống, vật tư, phân bón, áp dụng khoa học kỹ thuật.... Từ đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Từ năm 2006 trở về trước, gia đình ông Lò Văn Một, bản Suối Lư 1, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông là một hộ nghèo. Mặc dù chăm chỉ làm ruộng, nương, chăn nuôi gia cầm nhưng gia đình ông vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày của 6 nhân khẩu. Năm 2006, ông Lò Văn Một tham gia Tổ tiết kiệm và Vay vốn, được vay 15 triệu đồng từ NHCSXH huyện Điện Biên Đông để đầu tư mua 2 con bò giống. Đến năm 2009, ông Một trả hết nợ cũ và được vay mới 30 triệu đồng, nâng cấp cơ sở chăn nuôi với quy mô 15 con bò sinh sản.
Hiện nay, 10 con đang đến kỳ sinh sản. Từ một hộ nghèo, sau 7 năm được hỗ trợ từ nguồn vốn vay lãi suất thấp, gia đình ông Một đã vươn lên, phát triển trại bò giống đứng đầu xã Keo Lôm, cung cấp bò giống cho bà con trong xã và vùng lân cận. Học tập ông Một, nhiều hộ ở bản Suối Lư 1 cũng mạnh dạn vay vốn NHCSXH phát triển chăn nuôi. Một số hộ đã nuôi được từ 5 7 con bò.
Gia đình ông Lò Văn Một chỉ là một trong số gần 55 nghìn hộ được hưởng lợi từ các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH trong toàn tỉnh. Chính sách ưu đãi đối với nông dân, đặc biệt là đối tượng nghèo như: Vay vốn với lãi suất thấp hoặc chỉ cần tín chấp chứ không phải thế chấp tài sản được triển khai về tận xã giúp người dân tiếp cận dễ dàng, thủ tục nhanh gọn, tận tình. Từ nguồn vốn vay này, đã giúp gần 11.500 hộ nghèo thoát nghèo; gần 28.000 hộ cải thiện được đời sống.
Ông Lò Văn Thoạn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Riêng doanh số cho vay các hộ dân tộc thiểu số 10 năm qua đạt 1.908 tỷ đồng, chiếm 80% tổng doanh số cho vay của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Điện Biên. Trong đó, chương trình cho vay hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định 32/2007/QĐ TTg và Quyết định 126/2008/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, với lãi suất vay 0%, không phải thế chấp tài sản đã tạo điều kiện cho 2.618 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, từng bước ổn định cuộc sống.
“Cùng với hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế thì chương trình tín dụng chính sách còn có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội. Từ chỗ chỉ sản xuất trồng cấy, bà con đã biết đầu tư chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn Quan trọng hơn là bà con đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất cũ, biết ứng dụng KHKT vào sản xuất như: xây chuồng, trại; ủ phân chuồng; sử dụng giống cây, con năng suất cao Từ đó đã giúp bà con yên tâm sản xuất, giảm tập quán du canh, du cư; từ bỏ thói quen sản xuất tự cung tự cấp thay thế bằng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập Ông Thoạn khẳng định.
Không chỉ là bà đỡ cho những hộ nghèo mà thông qua hoạt động ủy thác thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể chính trị: Hội nông dân, Hội CCB, Hội LHPN, Đoàn thanh niên Đặc biệt là tạo điều kiện để các tổ chức hội, đoàn thể thu hút, tập hợp hội viên. 10 năm qua, với việc thực hiện các hoạt động ủy thác tín dụng, Hội LHPN đã tập hợp thêm 32.381 hội viên; Hội Nông dân tập hợp thêm 26.081 hội viên
Ông Sùng Chứ Thếnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Thực hiện chương trình cho vay ủy thác đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác hội, như: Phong trào ngày càng đổi mới, nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực hơn; tăng cường lòng tin của hội viên, nông dân đối với Đảng, Nhà nước; giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở Đồng thời, đội ngũ cán bộ các cấp hội được học hỏi, tích lũy nhiều kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện các dự án, chương trình phát triển KT-XH, quản lý tài chính
Đạt được những hiệu quả to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội đó cũng bởi nguồn vốn tín dụng ưu đãi này được quản lý với mô hình đặc thù. Ngoài bộ phận tác nghiệp là NHCSXH, còn có sự tham gia trực tiếp của Ban đại diện HĐQT, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân.
Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã đã chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kế hoạch tín dụng; giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách; trực tiếp tham mưu cho chính quyền các cấp tạo điều kiện và giải quyết những khó khăn về hoạt động của NHCSXH. Các tổ chức chính trị xã hội làm dịch vụ ủy thác từng phần chỉ đạo và thực hiện qui trình cho vay; trực tiếp tổ chức thành lập và chỉ đạo hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở.
Tổ tiết kiệm vay vốn ở thôn, bản, tổ dân cư đóng vai trò quan trọng trong quy trình cho vay khi trực tiếp tổ chức bình xét công khai những hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn, lập danh sách đề nghị cho vay; chứng kiến việc giải ngân, thu nợ, trực tiếp thu tiền lãi, tiền gửi tiết kiệm; kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 2.108 tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở. Các tổ vay vốn đã phát huy được tính cộng đồng dân cư, phù hợp với phong tục của các dân tộc thiểu số. Đó thực sự là cánh tay nối dài của NHCSXH với đối tượng thụ hưởng. Bà Nguyễn Thị Tài, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ dân phố 4, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) cho biết: Thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3/2004, đến nay Tổ có 31 hộ với tổng dư nợ vốn vay 552 triệu đồng; 100% tổ viên tham gia gửi tiết kiệm với tổng dư nợ 15 triệu đồng. Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, hàng năm, trong Tổ có từ 1 2 hộ thoát nghèo, 8 10 lao động được tạo việc làm mới, 3 5 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học.
Sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các bộ phận trong mô hình quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi thời gian qua đã khẳng định: Sự vào cuộc đồng bộ đã đưa vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định, nâng cao công tác quản lý và chất lượng đầu tư, phát huy được chủ trương xã hội hóa các hoạt động tín dụng của NHCSXH. Nhờ đó, đến nay, nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh Điện Biên luôn đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích.
Hệ số sử dụng vốn không ngừng được nâng cao. Song, điều quan trọng nhất là những chương trình tín dụng này đã trở thành động lực, nền tảng để các hộ nghèo, gia đình chính sách xây dựng, phát triển quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo.
Có thể bạn quan tâm
Bắp chuẩn bị đến mùa thu hoạch bỗng dưng héo rũ rồi chết khô trong khi hàng trăm hecta bắp khác không cho trái hoặc có trái nhưng lại không có hạt
Thời gian gần đây, những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đứng ngồi không yên khi tôm chết liên tục (tỉ lệ chết hơn 70%). Theo các ngành chức năng, nguyên nhân tôm chết không phải do dịch bệnh mà do thời tiết nắng nóng gay gắt.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên cùng đơn vị diện tích, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang kết hợp Trạm Khuyến nông huyện Cai Lậy tổ chức thí điểm mô hình nuôi luân canh cá-lúa ở ấp Bắc, xã Tân Phú bước đầu mang lại kết quả khả quan.