Hơn 17 Ha Diện Tích Nuôi Tôm Bị Bệnh Đốm Trắng Ở Hà Tĩnh

Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh đến nay toàn tỉnh có 17,16 ha diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng tại hai huyện Kỳ Anh và Lộc Hà, thiệt hại hơn 400 vạn con giống.
Bà Đặng Thị Thu Hoàn – Chi cục phó Chi Cục thú y tỉnh cho biết: Từ ngày 3/5 bệnh đốm trắng ở tôm xuất hiện đầu tiên tại hộ Lê Thị Hạnh, thuộc vùng nuôi Đồng Khẩu, xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh với diện tích 0,4 ha, số giống thiệt hại 6 vạn con. Sau đó, xuất hiện thêm tại 7 vùng nuôi tôm thuộc các huyện Kỳ Anh và Lộc Hà của 24 hộ có diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
Bước vào vụ nuôi thời tiết bất thuận, mưa nắng thất thường cùng với việc cải tạo ao đầm chưa đảm bảo theo đúng quy trình; nguồn tôm giống thả nuôi kém chất lượng có thể là nguyên nhân đến dịch bệnh. Mặt khác, nước cấp vào ao nuôi được lấy trực tiếp từ sông vào không qua xử lý; trong ao nuôi tôm còn có một số loài giáp xác tự nhiên như tôm rảo, cua, còng ..là các vật chủ trung gian thường mang mầm bệnh đốm trắng.
Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh ở tôm, Chi cục thú y tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường giám sát diễn biến dịch bệnh tại các vùng nuôi. Đơn vị đã cấp 1850 kg hóa chất Chlorine cho các địa phương tập trung xử dịch bệnh. Tiếp tục khuyến cáo các hộ nuôi khác sử dụng biện pháp phòng ngừa, phát hiện xử lý dịch bệnh kịp thời.
Related news

Trạm Giống gia súc Long Mỹ (TGGSLM - tại xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn, Bình Định) đã chọn lọc, nhân giống và bảo tồn đàn giống vật nuôi gốc của tỉnh; tổ chức du nhập, nuôi khảo nghiệm, cung ứng các giống vật nuôi mới, năng suất cao, cùng với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi đạt hiệu quả cao.

Những ngày này, người dân ương cá tra giống ở 2 xã Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang khóc dở, mếu dở vì cá tra giống. Cá giống đã quá lứa nhưng bán giá rẻ cũng chẳng ai mua. Viễn cảnh phá sản, nợ nần chồng chất đang treo lơ lửng trên đầu người dân.

Châu Thành (Tiền Giang) có tổng diện tích vườn trồng cây ăn trái gần 12.000 ha, trong đó có 1.600 ha cây sapô. Trong đó, Kim Sơn là xã trồng nhiều nhất gần 600 ha. Thời gian gần đây, cây sapô "Mặc Bắc" Kim Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận.