Hơn 110 Ha Tôm Nuôi Bị Dịch Bệnh Chưa Rõ Nguyên Nhân Ở Quảng Trị
Ngày 27/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, dịch bệnh trên tôm xảy ra ở nhiều hồ nuôi của các hộ gia đình, theo kết quả xét nghiệm thì nguyên nhân dịch bệnh ở một số hồ nuôi được xác định là do bệnh teo gan, số còn lại chưa rõ nguyên nhân.
Dịch bệnh trên tôm xảy ra ở các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh), Trung Hải (Gio Linh), Triệu An và Triệu Lăng (Triệu Phong), với diện tích nhiễm bệnh hơn 110 ha. Hiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, chủ yếu gây chết ở tôm sau khi thả nuôi từ 20 - 60 ngày, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.
Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị đã kịp thời xử lý bằng cách phun hóa chất Clorin 46 ha bị nhiễm bệnh và chết. Tuy nhiên do chưa có đủ kinh phí mua hóa chất cùng với dịch bệnh chưa rõ nguyên nhân đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác phòng ngừa dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính yêu cầu Chi cục Thú y khẩn trương gửi mẫu xét nghiệm để sớm tìm ra nguyên nhân dịch bệnh, kịp thời cung ứng đủ lượng hóa chất để xử lý ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tỉnh sẽ trích kinh phí để hỗ trợ một phần.
Trước mắt phải quán triệt các hộ nuôi không tiếp tục thả tôm khi mầm bệnh chưa được triệt tiêu nhằm khống chế dịch bệnh và giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.
Related news
Trong hai tháng trở lại đây, giá gà thịt, gà giống trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục giảm mạnh làm cho người chăn nuôi bị thua lỗ nặng; nhiều trang trại, gia trại phải bỏ trống chuồng nuôi vì không còn vốn để tái đàn.
Việc phát triển mạnh cây keo lá tràm góp phần làm thay da đổi thịt vùng đất Thạnh Phú (xã Đại Chánh, Đại Lộc), tạo điều kiện để người dân nơi đây có cuộc sống ổn định.
Từ cuối tháng 3 đến nay, Doanh nghiệp tư nhân Đức Mai (huyện Tây Sơn - Bình Định) - đơn vị tham gia liên minh sản xuất và chế biến hạt điều thuộc Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh - đã đến xã Cát Lâm tổ chức thu mua hạt điều của 57 hộ xã viên HTXNN 2 Cát Lâm, xã Cát Lâm (Phù Cát) cùng tham gia liên minh với giá 18.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường tại thời điểm 500 đồng/kg.