Hội thảo tôm giống chất lượng là vấn đề then chốt
Ông Trần Đình Luân, Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng và Ông Lucas Micciché, đại diện Trung tâm nghề cá Thế giới, đã chủ trì Hội thảo.
Hiện nay, với diện tích nuôi tôm nước lợ hàng năm của nước ta khoảng 600.000ha, nhu cầu con giống cần khoảng 130 tỷ con, trong đó 100 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng và 30 tỷ con giống tôm sú. Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta là các tỉnh Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận), hàng năm các cơ sở nuôi tại khu vực này cung cấp khoảng 50% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu nuôi của cả nước, số còn lại được sản xuất các tỉnh ĐBSCL như (Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) và các tỉnh phía Bắc như (Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh).
Với nhu cầu tôm giống hàng năm khoảng 130 tỷ con thì số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất giống vào khoảng 230 nghìn con. Hiện nay, nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho sản xuất tôm giống ở nước ta chủ yếu từ đánh bắt tự nhiên, từ nhập khẩu và sản xuất trong nước. Riêng đối với tôm thẻ chân trắng bố mẹ chúng ta đang phụ thuộc chủ yếu từ nguồn nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Singapo, Thái Lan, Mexico.
Tuy nhiên, tôm bố mẹ và tôm giống trong nội địa được khai thác từ tự nhiên, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu và chất lượng, dẫn đến thiếu tính chủ động và phải phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu.
Chất lượng tôm bố mẹ nhập khẩu chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến nguồn tôm giống cung cấp cho người nuôi dễ bị nhiễm bệnh, đây là một trong những nguyên nhân khiến ngành nuôi tôm của Việt Nam thiệt hại trong thời gian qua. Chất lượng tôm giống là vấn đế then chốt trong ngành nuôi tôm hiện nay, quyết định đến thành công hay thất bại của doanh nghiệp và người nuôi.
Xác định được tầm quan trọng của chất lượng tôm giống trong chuỗi sản xuất, Hội thảo “Tôm giống chất lượng là vấn đề then chốt” là nơi để các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực giống trao đổi những kinh nghiệm về quy trình quản lý sản xuất giống sạch bệnh áp dụng công nghệ hiện đại của các nước trên thế giới như: Mỹ, Singapo, Thái Lan…
Theo TS. Lucas Micciché, hiện nay trên thế giới đã sử dụng các nguồn luân trùng phong phú như thực phẩm thay thế trong giai đoạn đầu nuôi ấu trùng tôm được chứng minh hiệu quả trong nhiều nghiên cứu khác nhau ở các điều kiện nhất định và có thể thay thế cho Artemia. Hệ thống nuôi luân trùng quy mô lớn sẽ giảm chi phí rất nhiều so với sử dụng Artemia nauplii sống tốn kém như hiện nay. Ngoài ra, hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) sẽ tận dụng được 95% lượng nước thải, làm giảm dịch bệnh lây lan, giảm tác động lây lan của nước thải.
Theo Ông Aedrian Ortiz Johnson, Giám đốc hỗ trợ kỷ thuật thức ăn cho trại giống Tập đoàn Skretting, tiếp cận phòng chống và kiểm soát bệnh do Vibrio trong nuôi tôm giống cần phải có quy trình kiểm soát chặt chẽ từ các thức ăn tươi sống. Ông Aedrian Ortiz Johnson cho biết, sử dụng công nghệ cấp đông và công nghệ bảo ôn Artemia sẽ là biện pháp hạn chế được mầm mống vi khuẩn gây bệnh trong quá trình sản xuất và giúp tạo ra con giống có chất lượng cao.
Trong sản xuất giống, tùy từng vùng miền mà cần có những đặc tính sinh học của các con giống khác nhau để thích nghi với điều kiện tự nhiên. Việc xây dựng các trang trại sản xuất giống tại các địa phương như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau sẽ giảm được chi phí vận chuyển, hạn chế được dịch bệnh trong quá trình vận chuyển từ đó sẽ giảm được giá thành và hạnh chế dịch bệnh cho người nuôi.
Thông qua Hội thảo các nhà quản lý, nhà khoa học, người nuôi của Việt Nam có thể hiểu rõ hơn về các công nghệ sản xuất tôm giống tiên tiến của các nước trên thế giới. Qua đó, sẽ giúp Việt Nam tiếp cận và ứng dụng các công nghệ vào sản xuất giống trong nước. Nhằm tạo ra nguồn tôm giống có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, góp phần đưa ngành tôm phát triển một cách bền vững.
Related news
Ương lươn đồng các giai đoạn từ lươn bột lên hương, hương lên giống cấp 1, lên giống cấp 2, trong ao đất ngoài tự nhiên, tỷ lệ sống trên 90%...
Phát huy lợi thế hàng trăm km2 lòng hồ các nhà máy thủy điện, huyện Mường La (Sơn La) đã xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, ban hành nghị quyết chuyên đề khuyến khích người dân đầu tư nuôi thủy sản trên các lòng hồ. Qua đó, đã tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân và trở thành một nghề chính của người nông dân...
Những năm gần đây, do nuôi tôm thua lỗ, nhiều người dân ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã chuyển sang nuôi các loài thủy sản khác, trong đó có cá chẽm. Tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng người nuôi cá chẽm vẫn chưa thật sự an tâm vì đầu ra không ổn định.